Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 10/10/2023, công tác mở lớp xóa mù chữ thực hiện tại 17/17 địa phương, với 226 lớp, 6.502 học viên (hoàn thành 73,5% chỉ tiêu được giao trong năm học 2022 - 2023 và theo kế hoạch thực hiện giai đoạn 2022 - 2025).
Huyện Ia Grai là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác xóa mù chữ. Đến tháng 10/2023, huyện đã mở 49 lớp xóa mù chữ với 1.317 học viên, chiếm 20,25% số học viên học xóa mù chữ của toàn tỉnh. Dù đạt được những kết quả tốt song ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Ia Grai vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình mở lớp, vận động học viên đến lớp.
Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ia Grai Phạm Văn Đại chia sẻ, đối tượng tham gia học lớp xóa mù chữ có độ tuổi từ 20 - 60, là lao động chính trong gia đình. Vì thế, việc duy trì sĩ số lớp học gặp khó, nhất là vào thời điểm mùa vụ thu hoạch.
Năm 2023, huyện biên giới Đức Cơ mở 11 lớp xóa mù chữ, với 381 học viên tại các xã biên giới Ia Nan, Ia Pnôn, Ia Dom, Ia Dưk, Ia Krêl, Ia Kriêng, Ia Din, Ia Lang. Dù các lớp học cơ bản duy trì, đảm bảo nền nếp, giáo viên có trách nhiệm trong giảng dạy, vận động học viên ra lớp, tích cực áp dụng công nghệ thông tin vào dạy học, thu hút học viên đến lớp… Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đức Cơ Nguyễn Xuân Trường, hiện còn một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Theo đó, các văn bản hướng dẫn kinh phí mở lớp xóa mù chữ của cấp trên chưa cụ thể, chưa sát hợp thực tế. Sách giáo khoa chương trình xóa mù chữ ban hành không kịp thời. Chương trình mục tiêu quốc gia xóa mù chữ triển khai từ năm 2022 nhưng đến tháng 12/2023 mới thông báo có sách. Đối tượng học các lớp xóa mù chữ đều là người lớn tuổi, lực lượng lao động chính trong các gia đình, hoàn cảnh khó khăn, nhiều người ngại đi học...
Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai, tại địa bàn tỉnh, tình trạng mù chữ vẫn phổ biến, tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi từ 15 - 60, với tỷ lệ mù chữ mức độ 1 là 4,22%, tương đương hơn 44.300/1.049.500 cư dân ở độ tuổi 15 - 60; mù chữ mức độ 2 chiếm 6,46%, khoảng 67.700 người. Đáng chú ý, trên 50.000 đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện không biết chữ (chiếm 11,2%), phần lớn là phụ nữ. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, đến nay, Gia Lai mở được 226 lớp học xóa mù chữ cho trên 6.500 người dân tộc thiểu số ở 17 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, kinh phí gần 13 tỷ đồng.
Về những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện công tác xóa mù chữ tại tỉnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai Trần Bá Công chia sẻ: Cơ chế, chế độ chính sách có một số quy định chưa cụ thể, còn chung chung khiến cơ sở khó thực hiện. Thông tư 15/2022/TT-BTC ngày 4/3/2022 của Bộ Tài chính, tại Điều 4 nêu: Một số nội dung chi và mức chi chung cho công tác xóa mù chữ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia có 44 mục chi, trong đó 19 mục chi quy định cụ thể, trực tiếp còn 25 mục chi phải dẫn chiếu (20 mục chi dẫn chiếu lần 2; 5 mục chi dẫn chiếu lần 3).
Tại khoản 7, Điều 20, Thông tư 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính quy định chi tiền công đối với người tình nguyện tham gia giảng dạy các lớp xóa mù chữ (nếu có) từ nguồn ngân sách địa phương thực hiện theo quy định tại điểm đ khoản 6 Điều 5 Thông tư số 17/2022/TT-BTC ngày 8/3/2022 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”. Tuy nhiên, nguồn ngân sách địa phương bố trí cho công tác xóa mù chữ chưa có quy định cụ thể, rõ ràng.
Một số nội dung chi, mức chi cho công tác tổ chức dạy học xóa mù chữ chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể: như chế độ cho cán bộ quản lý các đơn vị thực hiện công tác xóa mù chữ; chi tiền hỗ trợ học viên tham gia học xóa mù chữ giai đoạn 2. Khó khăn về tài liệu, huy động và duy trì học viên ra lớp… khiến công tác xóa mù chữ tại Gia Lai bị chậm lại.
Để tiếp tục thực hiện tốt và hiệu quả công tác xóa mù chữ, ông Trần Bá Công cho biết, Sở tiếp tục chỉ đạo đơn vị chức năng, các huyện tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên dạy học chương trình xóa mù chữ giai đoạn 2. Sở tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác tổ chức dạy học Chương trình xóa mù chữ của các địa phương; vận động, huy động học viên tham gia lớp xóa mù chữ; mở lớp xóa mù chữ giai đoạn 1, giai đoạn 2; thực hiện chế độ chính sách cho người dạy và học viên tham gia học xóa mù chữ.