Thành phố Hồ Chí Minh sẽ bảo đảm đủ chỗ học cho tất cả trẻ em

Đại diện UBND Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định quan điểm của thành phố là đảm bảo tất cả các em đến tuổi đi học phải được đến trường, đồng thời năm nay học sinh lớp 1 phải được học đầy đủ theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1, trong đó yêu cầu học sinh được học 2 buổi/ngày và sĩ số lớp học là 35 học sinh/lớp. Tuy nhiên, với tình hình gia tăng dân số cơ học quá nhanh, nhiều quận, huyện tại Thành phố Hồ Chí Minh không thể đáp ứng được yêu cầu này; việc giải quyết chỗ học cho học sinh cũng là một áp lực lớn. 

Chú thích ảnh
Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên TP Hồ Chí Minh thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1, trong đó yêu cầu học sinh được học 2 buổi/ngày và sĩ số lớp học là 35 học sinh/lớp. Ảnh minh họa: Đan Phương/Báo Tin tức

Trước thực trạng này, ngày 24/8, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các quận, huyện để bàn giải pháp giải quyết khó khăn trên.

Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, những năm trước thành phố đã rất áp lực trong việc giải quyết chỗ học cho học sinh trên địa bàn khi số học sinh liên tục tăng cao. Năm nay triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1 bắt buộc các lớp phải được học 2 buổi/ngày, áp lực này càng tăng thêm.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, rà soát đến thời điểm này thành phố còn 6 trên 24 quận, huyện gặp khó khăn, chưa đảm bảo học 2 buổi/ngày, gồm các quận 12, Gò Vấp, Tân Phú, Thủ Đức, Bình Tân và huyện Bình Chánh.

Để giải quyết khó khăn trong năm học này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoài Nam nhấn mạnh, trước mắt phải giảm số học sinh học 2 buổi/ngày ở các lớp 2 đến lớp 5 để lớp 1 được học 2 buổi/ngày, đảm bảo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Về lâu dài, thành phố vẫn phải tiếp tục xây dựng trường lớp theo kế hoạch, đúng tiến độ. Bên cạnh đó, thành phố nghiên cứu hướng tập trung phát triển trường ngoài công lập bậc tiểu học và hỗ trợ học phí cho đối tượng học sinh nghèo khi theo học trường này. Cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cùng các sở, ngành liên quan sẽ xây dựng đề án hỗ trợ học phí cho học sinh tiểu học ngoài công lập trình UBND trình HĐND thành phố thông qua.

Liên quan đến việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới với những trường không đủ điều kiện học 2 buổi/ngày, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết, đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, dựa trên khung chương trình của Bộ, điều kiện tối thiểu để có thể dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới là dạy ít nhất 6 buổi/tuần (học thứ 7); đồng thời, sẽ không dạy những môn tự chọn (ngoại ngữ 1, tiếng dân tộc). Như vậy, các trường cần chú ý để tránh áp lực cho học sinh. Sở sẽ sớm ban hành hướng dẫn cụ thể để các trường thực hiện.

Về việc đảm bảo chỗ học cho học sinh, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định quan điểm của thành phố là đảm bảo tất cả các em đến tuổi đi học phải được đến trường, đồng thời năm nay học sinh lớp 1 phải được học đầy đủ theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố sớm hướng dẫn các trường thực hiện tùy theo điều kiện thực tế.

Nhấn mạnh không chỉ năm học này, mà những năm tiếp theo khi thực hiện cuốn chiếu chương trình giáo dục phổ thông mới, áp lực về trường lớp sẽ tiếp tục tăng cao, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức yêu cầu các quận, huyện, nhất là những quận, huyện hiện đang gặp khó khăn về cơ sở vật chất trường, lớp rà soát lại các dự án đầu tư công xây dựng trường tiểu học, trung học cơ sở để đảm bảo tiến độ; đồng thời, đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố nghiên cứu sớm xây dựng đề án hỗ trợ đảm bảo trẻ em đến tuổi vào lớp 1 được đi học theo đúng luật. Trong đó, dựa trên nguồn lực thực tế của thành phố, các quy định pháp luật, cân nhắc để xuất định mức, đối tượng, hình thức hỗ trợ cụ thể.

Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức, gia tăng dân số cơ học của thành phố lớn, trong khi đó Luật Giáo dục yêu cầu phải tạo điều kiện ngày càng tốt hơn cho các em học sinh. Do đó, tốc độ phát triển trường lớp, cơ sở vật chất phải nhanh hơn nữa mới đáp ứng được yêu cầu thực tế. Theo quy hoạch hiện nay tỷ lệ đất dành cho giáo dục chưa đủ theo quy định, Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố cần rà soát lại, cân nhắc xem xét điều chỉnh, tham mưu UBND quy hoạch đất cho giáo dục; cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố nghiên cứu, có dự báo đầy đủ tình hình mới để có kế hoạch.

Trước đó, phụ huynh của hơn 1.000 học sinh có con vào lớp 1 ở quận 12 năm học 2020-2021 “đứng ngồi không yên” khi các em này có nguy cơ không được vào học lớp 1 công lập, do chưa đủ điều kiện có tạm trú từ 1 năm trở lên.

Đại diện UBND Quận 12 cho biết, trong điều kiện học sinh tăng cao, để giải quyết bài toán chỗ học cho học sinh, quận đã tính đến phương án tăng sĩ số lớp. Theo kế hoạch ban đầu là 44,9 học sinh/lớp tuy nhiên vẫn không đủ, quận đã quyết định tăng lên 50 học sinh/lớp. Số học sinh vào lớp 1 công lập năm nay của quận là 8.120 em, trong đó, có 65,5% học sinh được học 2 buổi/ngày. Ngoài ra, có 320 em vào các trường ngoài công lập. Còn lại 815 em chưa phân tuyến vào lớp 1 do có tạm trú dưới 1 năm; 669 trường hợp khác chưa có sổ tạm trú. Quận 12 tiếp tục rà soát, cân đối giảm số học sinh học 2 buổi/ngày nỗ lực đảm bảo chỗ học cho học sinh.

Năm học 2020-2021, Thành phố Hồ Chí Minh tăng hơn 54.600 học sinh, trong đó tăng nhiều nhất là khối công lập với hơn 48.000 em, còn lại là ngoài công lập. Để đáp ứng yêu cầu năm học mới, thành phố đã đưa vào sử dụng hơn 1.300 phòng học mới.

Thu Hoài (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh sẵn sàng cho năm học mới - Bài cuối: Bảo đảm chất lượng chương trình giáo dục phổ thông mới
TP Hồ Chí Minh sẵn sàng cho năm học mới - Bài cuối: Bảo đảm chất lượng chương trình giáo dục phổ thông mới

Năm học 2020 - 2021, ngành Giáo dục chính thức thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc Tiểu học với lớp 1. Cùng với khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất, các điều kiện về đội ngũ, sách giáo khoa đã được thành phố tập trung chuẩn bị, sẵn sàng để triển khai hiệu quả chương trình mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN