Theo đó, tại Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa sẽ có 6 số điện thoại đường dây nóng do giám đốc, các phó piám đốc sở, thanh tra và Chánh văn phòng Sở trực tiếp tiếp nhận thông tin phản ánh.
Theo đó, số điện thoại đường dây nóng của bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo là 0912.987.739; các Phó Giám đốc Sở 0916.259.888; 0903.464.595, 0912.276.373, Chánh Thanh tra Sở: 0912.276.590 và Chánh văn phòng Sở: 0913.269.225
Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cũng công bố 27 số điện thoại đường dây nóng của 27 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh để tiếp nhận các phản ánh về tình trạng lạm thu.
Bên cạnh đó, nhằm chấn chỉnh tình trạng lạm thu, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã có công văn gửi Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo, quản lý, thắt chặt vấn đề thu chi tại các trường học ở các địa phương. Sở Giáo dục và Đào tạo giao Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố chủ trì phối hợp với phòng tài chính tiếp tục quán triệt, hướng dẫn các đơn vị, trường học trên địa bàn thực hiện nghiêm các công văn trước đó của Sở Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn triển khai thực hiện các khoản thu, chi ngoài ngân sách trong các trường học năm học 2017-2018.
Đồng thời, căn cứ đề nghị của các trường (từ mầm non đến trung học cơ sở, giáo dục thường xuyên) và tình hình thực tế địa phương, các địa phương thẩm định các khoản thu phục vụ học sinh (thu dịch vụ tự nguyện) và khoản thu vận động xã hội hóa làm cơ sở cho các trường triển khai, thực hiện. Bên cạnh đó, các địa phương thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân vi phạm. Nếu để xảy ra tình trạng lạm thu trong các đơn vị trường học trực thuộc thì Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
Thực hiện Chỉ thị số 25/CT-UBND ngày 14/9/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc chống lạm thu trong trường học, hàng năm Sở Giáo dục và Đào tạo đều có văn bản hướng dẫn thực hiện các khoản thu chi ngoài ngân sách. Tuy nhiên, vào đầu năm học tình trạng lạm thu vẫn diễn ra ở nhiều trường, nhất là các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở triển khai nhiều khoản thu thỏa thuận phục vụ học sinh, huy động cha mẹ học sinh hỗ trợ kinh phí để tăng cường cơ sở vật chất, thu tiền quỹ hội phụ huynh của lớp, của trường, thu tiền tổ chức dạy tiếng Anh, giáo dục kỹ năng sống không đúng quy định, dẫn đến nhiều đơn thư phản ánh của cha mẹ học sinh gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Mới đây nhất, đầu năm học 2017- 2018, tại xã Quảng Thái (huyện Quảng Xương), hàng trăm phụ huynh đã tập trung căng băng rôn phản đối lạm thu, đề nghị cách chức Hiệu trưởng Trường Mầm non Quảng Thái vì đặt ra nhiều khoản thu vô lý, quá cao so với mặt bằng thu nhập địa phương. Tương tự, tại Trường Mầm non Đông Thọ B (thành phố Thanh Hóa), nhiều phụ huynh có con học lớp mẫu giáo lớn cũng rất bất bình với tổng các khoản phải nộp cho con trong năm học 2017-2018 lên tới hơn 8 triệu đồng, trong đó riêng 3 khoản “tự nguyện” học tiếng Anh, học múa và kỹ năng sống đã gần 3 triệu đồng/học sinh/năm…