Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, đại diện các Bộ, ban, ngành liên quan và các trường Đại học, Cao đẳng trên cả nước.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long mong muốn, Hội thảo sẽ có những đóng góp quan trọng giúp các tỉnh, thành trong cả nước định hướng cho các trung tâm học tập cộng đồng hoạt động hiệu quả, góp phần xây dựng xã hội học tập, thực hiện thành công Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Luật Giáo dục 2019 góp phần phát triển phẩm chất, năng lực người học đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
Nghị quyết số 29-NQ/TW đã chỉ rõ mục tiêu của giáo dục thường xuyên nhằm bảo đảm cơ hội cho mọi người, nhất là ở vùng nông thôn, khó khăn, các đối tượng chính sách được học tập nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ và chất lượng cuộc sống; tạo điều kiện thuận lợi để người lao động chuyển đổi nghề; bảo đảm xóa mù chữ bền vững; hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên và các hình thức học tập, thực hành phong phú, linh hoạt, coi trọng tự học và giáo dục từ xa. Những mục tiêu này đạt được cũng chính là Việt Nam đã đạt được những Mục tiêu phát triển bền vững đã đăng ký và cam kết với quốc tế.
Hiện nay, cả nước có hơn 10.000 trung tâm học tập cộng đồng. Hệ thống các trung tâm chính là mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên, góp phần thúc đẩy xã hội học tập từ cơ sở. Thông qua hình thức học tập thường xuyên, hàng trăm triệu lượt người được học tập theo hình thức giáo dục thường xuyên không hướng tới lấy văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân.
Với vai trò quan trọng của trung tâm học tập cộng đồng, tại Hội thảo, đại diện các đơn vị chia sẻ về những kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực tiễn từ cơ sở; phân tích những khó khăn, bất cập, hạn chế. Các ý kiến cũng xoay quanh vấn đề về cơ chế, chính sách phát triển, việc đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho việc vận hành triển khai hoạt động của các trung tâm tại địa phương.
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đánh giá cao những ý kiến quý báu, tâm huyết của các chuyên gia, nhà quản lý cho định hướng đổi mới và phát triển hệ thống trung tâm học tập cộng đồng tại cơ sở trên toàn quốc. Vì vậy thời gian tới, các chính sách đầu tư và phát triển hệ thống trung tâm học tập cộng đồng cần được quan tâm ban hành nhằm đảm bảo đủ nguồn lực về cơ sở vật chất, đội ngũ nhân lực và kinh phí chi cho các hoạt động thường xuyên.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu Vụ Giáo dục thường xuyên tiếp tục chủ động tham mưu tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, sứ mệnh, bản chất của các trung tâm học tập cộng đồng các cấp từ trung ương đến địa phương; tham mưu để Bộ trình Chính phủ và tham gia ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở để xây dựng mô hình mới, phát triển hệ thống trung tâm trên toàn quốc hoạt động hiệu quả.
Sau Hội thảo, các đơn vị cần nghiên cứu tiếp thu ý kiến góp ý của các chuyên gia, các đại biểu để tham mưu phát triển hệ thống trung tâm với định hướng nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động nhằm tạo cung ứng các chương trình giáo dục thường xuyên, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân, góp phần xây dựng xã hội học tập từ cơ sở.
Trung tâm học tập cộng đồng cần được tăng cường xã hội hóa, huy động nguồn lực của xã hội, trong đó có các tổ chức, cá nhân tham gia cung ứng các chương trình giáo dục thường xuyên. Đồng thời, chú trọng tham mưu cơ chế, chính sách nhằm tạo cơ hội để người lớn tuổi có cơ hội học tập thường xuyên, liên tục, học suốt đời; góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc tiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị chính quyền địa phương các cấp ưu tiên nguồn lực để xây dựng các Trung tâm học tập cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn theo mô hình mới; quan tâm bồi dưỡng nhân lực cho việc vận hành triển khai hoạt động của mô hình tại địa phương chất lượng, hiệu quả; dựa trên yêu cầu của địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới, bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay và nhu cầu học tập suốt đời của người dân xây dựng nội dung, chương trình học tập gắn với thực tế...