Thầy giáo Vũ Đắc Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường PTTH Kim Sơn A, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, rất tận tâm với nghề, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm ra những sáng kiến, kinh nghiệm hữu ích để nâng cao chất lượng dạy và học.
Tốt nghiệp phổ thông,Vũ Đắc Toàn thi đỗ vào khoa vật lý, trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Năm 2003, tốt nghiệp với thành tích học tập xuất sắc, thầy Toàn được nhận về tổ Khoa học Tự nhiên, Trường THPT Kim Sơn A. Thời điểm đó, cơ sở vật chất của trường, phòng học, thiết bị thí nghiệm còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và học. Xác định việc gắn lý thuyết với thực hành đối với các môn khoa học tự nhiên, nhất là môn vật lý, có vai trò quan trọng trong quá trình nhận thức, giúp học sinh tiếp thu nhanh, hiểu được bản chất, quá trình diễn biến của các hiện tượng vật lý; nên thầy Toàn đã vận dụng các dụng cụ hiện có để tổ chức các giờ thí nghiệm. Thầy còn tìm cách tạo ra các dụng cụ thí nghiệm mới, phù hợp với nội dung của từng phần học, bài học.
Thầy giáo Vũ Đắc Toàn hướng dẫn học sinh thực hành thí nghiệm môn vật lý. |
Xuất phát từ thực tiễn quá trình giảng dạy, năm học 2004 - 2005, thầy Vũ Đắc Toàn đã hoàn thành sáng kiến kinh nghiệm “Sử dụng bộ thí nghiệm quang học để giảng dạy các kiến thức phần quang học lớp 11”, hướng dẫn các em học sinh tạo ra hình bán cầu bằng thủy tinh và dùng đèn laser chỉ bảng để làm các thí nghiệm phần phản xạ, khúc xạ. Sáng kiến này đã được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình xếp loại giỏi và công nhận là sáng kiến kinh nghiệm cấp ngành. Năm học 2010 - 2011, thầy Toàn tiếp tục có sáng kiến “Thiết kế, chế tạo và hướng dẫn học sinh chế tạo dụng cụ, thiết kế phương án, tiến hành các thí nghiệm vật lý phần nhiệt học ở lớp 10 trung học phổ thông”.
Thầy Toàn chia sẻ, nhiệt học là phần học khó, kiến thức phần này khá trừu tượng. Để giúp học sinh có thể hiểu nội dung bài học dễ dàng hơn, tôi đã hướng dẫn các em vận dụng dụng cụ thí nghiệm để khảo sát các định luật; khảo sát phương trình trạng thái khí lý tưởng; khảo sát nguyên lý nhiệt động lực học… Sáng kiến này đã được công nhận là sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh, đoạt giải 3 Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Ninh Bình và giành giải Khuyến khích Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 12 năm 2013. Trong năm học 2012 - 2013 và 2013 - 2014, thầy Vũ Đắc Toàn đã có thêm hai sáng kiến được công nhận đạt sáng kiến kinh nghiệm cấp trường là “Hướng dẫn học sinh chế tạo các thiết bị thí nghiệm về chương chất rắn” và “Sử dụng phương pháp giảng dạy theo nhóm để phát huy tính tích cực, sáng tạo của học sinh”. Thầy Toàn cho biết, các sáng kiến kinh nghiệm của thầy đều được ứng dụng giảng dạy hiệu quả tại trường.
Thực hiện các phong trào thi đua như “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”…, trường THPT Kim Sơn A khuyến khích cán bộ, giáo viên và học sinh tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, sáng tạo, chủ động tiếp nhận, lĩnh hội kiến thức mới phục vụ quá trình dạy và học. Trên 90% số thầy, cô giáo trong trường tham gia viết sáng kiến, bài học kinh nghiệm. Nhiều học sinh ở các khối lớp đã vận dụng linh hoạt những kiến thức đã học để sáng tạo ra các sản phẩm khoa học mang ý tưởng tốt, giành được giải thưởng cao tại Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên và nhi đồng tỉnh Ninh Bình.
Với những đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”, năm học 2013 - 2014, thầy giáo Vũ Đắc Toàn đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen và tuyên dương Nhà giáo tiêu biểu giai đoạn 2008 - 2013; tỉnh Ninh Bình khen thưởng vì những thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” và cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Nhiều năm liền, thầy Toàn được Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình công nhận đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở".
Thầy Vũ Đắc Toàn tâm sự, hơn 10 năm công tác tại trường, được chứng kiến các thế hệ học trò ngày một khôn lớn, trưởng thành là niềm vui, là món quà ý nghĩa nhất, đồng thời cũng là động lực thôi thúc thầy cũng như tất cả các thầy cô giáo vượt qua khó khăn để gieo những “mầm xanh” tri thức.
Vũ Văn Đạt