Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc tặng hoa chúc mừng Trường Đại học Giao thông vận tải. Ảnh: SĐ
Phân hiệu Trường Đại học Giao thông vận tại TP Hồ Chí Minh có tiềm năng và vai trò quan trọng trong chuỗi đổi mới sáng tạo vùng Đông Nam Bộ. Ngày 27/4/1990, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ký quyết định thành lập Cơ sở II của Trường Đại học Giao thông vận tải, đánh dấu bước khởi đầu đầy ý nghĩa trong chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực phía Nam…
GS.TS Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng, kiêm Giám đốc Phân hiệu Trường Đại học Giao thông vận tải tại TP Hồ Chí Minh cho biết, trải qua 35 năm hình thành và phát triển, Phân hiệu Trường Đại học Giao thông vận tải tại TP Hồ Chí Minh đã trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, có uy tín và bản sắc riêng, đóng vai trò nòng cốt trong chiến lược phát triển nhà trường ở khu vực phía Nam.
Các ngành đào tạo của Phân hiệu không ngừng được cập nhật, mở rộng theo hướng đa lĩnh vực, bắt nhịp xu thế phát triển mới như Kỹ thuật giao thông thông minh, Logistics xanh, Quản lý chuỗi cung ứng bền vững, Kỹ thuật hạ tầng đô thị, Đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị và công nghiệp bán dẫn… góp phần mở rộng không gian học thuật và nâng cao khả năng cạnh tranh của người học.
Đến nay, Phân hiệu đã đào tạo được hơn 27.000 kỹ sư, cử nhân và trên 3.200 học viên cao học. Nhiều cựu sinh viên của Phân hiệu hiện đang giữ vị trí chủ chốt trong các cơ quan quản lý, doanh nghiệp lớn và tổ chức quốc tế.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho rằng, Phân hiệu Trường Đại học Giao thông vận tại tại TP Hồ Chí Minh cần định vị là cơ sở đào tạo, mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo vùng, nơi kết nối giữa Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp và nhà khoa học.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng lấy người học làm trung tâm, tăng cường đào tạo thực hành, công nghệ và kỹ năng mềm, mở rộng các ngành đào tạo gắn với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, Phân hiệu cần chú trọng đào tạo nhân lực cho các lĩnh vực ưu tiên như hạ tầng xanh, logistics, giao thông thông minh, kỹ thuật số và quản lý đô thị thông minh. Cùng với đó là chủ động hội nhập quốc tế và kết nối doanh nghiệp, phát triển các chương trình liên kết quốc tế; đẩy mạnh hợp tác doanh nghiệp để tổ chức đào tạo theo đặt hàng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Dịp này, Trường Đại học Giao thông vận tải đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 10 đối tác: Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh; Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông; Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính; Tổng Công ty Thăng Long-CTCP và Công ty Cổ phần FECON; Công ty cổ phần xây dựng Hợp Lực; Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế Cảng; Kỹ thuật biển Portcoast; Công ty TNHH Siemens; Phân hiệu Trường Đại học Thủy Lợi; Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP Hồ Chí Minh.