Niềm vui đi tìm 'con chữ' của đồng bào thiểu số nghèo

Lớp xóa mù chữ tại thôn 6 thuộc xã Long Tân (huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước) đã và đang từng ngày mang lại niềm vui cho đồng bào thiểu số nghèo đi tìm “con chữ”.

Chú thích ảnh
Lớp học xóa mù chữ tại thôn 6 thuộc xã Long Tân (Phú Riềng, Bình Phước). 

Từ tháng 7 đến nay, khi màn đêm buông xuống cũng là lúc Nhà văn hóa thôn 6 sáng đèn cùng với những tiếng đánh vần vang vọng từ lớp học xóa mù chữ. Lớp học bắt đầu học từ 19 giờ đến 21 giờ vào các ngày thứ 2, 4, 6 hằng tuần.

Ông Điểu Huân năm nay đã bước qua tuổi 51 nhưng vẫn đến lớp xóa mù chữ thường xuyên sau khi hoàn thành công việc nhà. Ông Huân chia sẻ: “Trước đây, đời sống gia đình còn nhiều khó khăn nên không được học chữ. Cuộc sống của tôi gặp rất nhiều khó khăn. Chính quyền địa phương thông báo, vận động đi học xóa mù chữ, tôi đăng ký ngay. Tham gia lớp xóa mù chữ, tôi cũng như bà con ở đây rất vui”.

Em Điểu Vũ (10 tuổi), do hoàn cảnh gia đình nghèo nên vẫn chưa được đến trường. Cha mẹ chủ yếu đi làm thuê nên hằng ngày, em phải đi theo để kiếm sống. Từ khi theo học lớp xóa mù chữ này, Điểu Vũ đã có thể đọc, viết và làm phép toán đơn giản.

Nói đến thành công của lớp học xóa mù chữ này, không thể không nhắc đến những giáo viên luôn giữ “ngọn lửa nghề” gửi niềm tin cho bà con qua từng con chữ.

Từ Trường Tiểu học Lê Hoàn (xã Long Tân), cô giáo Đào Thị Yên về dạy lớp xóa mù chữ tại thôn 6. Cô cho biết, điểm đặc biệt của lớp học này là không phân biệt tuổi tác, già trẻ, do đó việc hướng dẫn phải khác nhau.

Chú thích ảnh
Cô giáo Đào Thị Yên dạy đánh vần cho học viên lớn tuổi. 

Cô Đào Thị Yên chia sẻ: “Lớp học xóa mù chữ có độ tuổi từ 12 đến hơn 60 tuổi. Tôi và các cô giáo khác đứng lớp ở đây rất cảm động khi bà con rất nhiệt tình đến lớp học dù vào buổi tối. Chúng tôi luôn tạo không khí vui tươi cho bà con thêm hứng khởi, thích thú trong quá trình học. Những người đến đây đều rất vui và cùng chung mục đích có thêm “con chữ” để vận dụng trong cuộc sống tốt hơn”.

“Chúng tôi chủ động xây dựng kế hoạch dạy học theo đúng chương trình của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đưa ra. Đến nay, bà con tiếp thu rất tốt kiến thức được truyền đạt. Ban đầu, chúng tôi dạy các chữ cái, sau đó đến các vần, câu, đoạn. Chúng tôi dạy đi từ cơ bản, sau đó đến nâng cao dần”, cô Đào Thị Yên chia sẻ thêm.

Theo ông Vương Ngọc Bửu Sơn, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn 6, khu vực này đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Thời gian qua, một số gia đình chưa thực sự quan tâm đến việc học của con em. Chính vì vậy, dù trong độ tuổi đi học, nhiều em chưa biết đọc, biết viết. Một vài em đã từng đi học, nhưng vẫn mù chữ do bỏ học quá lâu, không tiếp xúc với con chữ.

“Qua quá trình rà soát, chúng tôi đã đến từng hộ gia đình để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để vận động đến trường học chữ. Qua đó, từ tháng 7, rất nhiều người từ trẻ tới già nhiệt tình tham gia đến lớp. Đến nay, các học viên đã biết nhiều về con chữ hơn. Chúng tôi rất mừng vì Đảng, Nhà nước đã quan tâm đến việc xóa mù chữ, đáp ứng nhu cầu của bà con nhân dân”, ông Vương Ngọc Bửu Sơn cho biết.

Chú thích ảnh
Cô Tạ Thị Hoan hướng dẫn học viên viết chữ. 

Theo thống kê tại thôn 6, số người không biết chữ khoảng 103 người. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Long Tân Đỗ Nhật Quang cho biết: Đây là lớp học thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa mù chữ. Xã Long Tân đã tổ chức khai giảng và đưa lớp học duy trì ổn định từ tháng 7 cho đến nay. Thời gian đầu có 34 học viên đăng ký, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại đã tăng lên 42 học viên đang theo học. Với sự hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia và sự vận động của Đảng, chính quyền, Mặt trận đoàn thể từ xã đến thôn, hoạt động của lớp xóa mù chữ diễn ra rất suôn sẻ.

Hiện nay, ngoài xã Long Tân, địa bàn huyện Phú Riêng còn có xã Long Hà đang tổ chức 2 lớp phổ cập trình độ lớp 8 và lớp 9 vào các buổi tối với 105 học viên tham gia. Việc mở lớp xóa mù chữ không chỉ tạo cơ hội cho học viên học tập, rèn luyện các kỹ năng cơ bản về đọc, viết tiếng Việt, mà còn cung cấp những kiến thức đơn giản, cần thiết về tự nhiên, xã hội. Lớp học còn góp phần cho các học viên tự tin, vận dụng tốt những kiến thức học được từ lớp xóa mù chữ, đồng thời từng bước nâng cao đời sống văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bài và ảnh: K GỬIH (TTXVN)
Xóa mù chữ, nâng cao trình độ dân trí cho người dân vùng cao, biên giới
Xóa mù chữ, nâng cao trình độ dân trí cho người dân vùng cao, biên giới

Nhằm nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân các dân tộc ở vùng cao, biên giới khó khăn, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) đã mở các lớp học xóa mù chữ ngay tại các thôn, bản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN