Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh (UEF) cho biết, mức điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức xét kết quả thi ĐGNL ĐHQGHCM năm 2024 cho 36 ngành đào tạo đại học chính quy tại trường là 600 điểm trên thang điểm 1.200.
“Nhà trường đã tiến hành gửi thông báo đến các thí sinh trúng tuyển có điều kiện vào trường kèm theo những thông tin hướng dẫn cần thiết đối với phương thức xét tuyển theo kết quả ĐGNL ĐHQGHCM năm 2024. Đặc biệt, thí sinh xét tuyển vào UEF theo phương thức ĐGNL ĐHQGHCM năm 2024 đạt mức điểm từ 840 trở lên sẽ nhận được các mức học bổng từ 25%, 50% đến 100% khi chính thức nhập học tại trường”, đại diện UEF cho biết.
Bên cạnh đó, Hội đồng tuyển sinh UEF có thông báo tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển theo kết quả đánh giá năng lực này với mức điểm 600/1.200 và xét học bạ THPT từ 18 điểm trở lên. Nhà trường nhận hồ sơ xét tuyển đến hết ngày 9/7.
Thạc sĩ Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQGHCM) cho biết, năm 2024, có 13.524 hồ sơ đăng ký xét tuyển với 31.361 nguyện vọng bằng phương thức xét tuyển kết quả kỳ thi ĐGNL ĐHQGHCM năm 2024. Trường sử dụng kết quả của cả hai đợt thi (tháng 4 và tháng 6) để xét tuyển.
Điểm trung bình đủ điều kiện trúng tuyển năm 2024 là 874. Trong đó, điểm trung bình các ngành thuộc lĩnh vực Kinh tế là 863 điểm, lĩnh vực Kinh doanh là 890 điểm và lĩnh vực Luật là 849 điểm.
Năm 2024, thí sinh Nguyễn Anh Thịnh (Trường THPT Chuyên Nguyễn Thiện Thành, Trà Vinh) đạt 1.043 điểm, là thí sinh có điểm đủ điều kiện trúng tuyển cao nhất vào trường ngành Kinh tế quốc tế (chuyên ngành Kinh tế đối ngoại).
Thạc sĩ Cù Xuân Tiến cho biết thêm, trúng tuyển theo phương thức này là những thí sinh thuộc “top” 25% thí sinh có điểm cao nhất kỳ thi ĐGNL ĐHQGHCM. Ngành đào tạo có điểm đủ điều kiện trúng tuyển cao nhất là Thương mại điện tử với mức 945 điểm. Trong 33 ngành/chuyên ngành đào tạo tại trường, có 6 ngành/chuyên ngành đào tạo điểm đủ điều kiện trúng tuyển trên 900 điểm, 29 ngành/chuyên ngành đào tạo trên 800 điểm.
Theo đại diện Trường Đại học Khoa học xã hội Nhân văn TP Hồ Chí Minh, điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển sớm bằng phương thức ĐGNL ĐHQGHCM năm 2024 dao động từ 635 đến 963 điểm/thang điểm 1.200, tăng nhẹ so với năm trước. Trong đó, ngành Truyền thông đa phương tiện có điểm chuẩn cao nhất với 963 điểm; ngành Ngôn ngữ Anh là 882 điểm; Ngôn ngữ Trung Quốc là 843 điểm; Quan hệ quốc tế là 878 điểm; Báo chí là 875 điểm; Tâm lý học là 887 điểm…
Trường ĐH Công nghệ thông tin TP Hồ Chí Minh cũng công bố điểm chuẩn xét tuyển dựa vào kỳ thi ĐGNL ĐHQGHCM năm 2024, trong đó, ngành Trí tuệ nhân tạo có điểm chuẩn cao nhất ở mức 980/1.200 điểm.
Tương tự, Trường Đại học Sài Gòn cũng đã công bố điểm trúng tuyển vào trường bằng điểm thi ĐGNL ĐHQGHCM năm 2024. Trong đó, cả 30 ngành của trường năm nay đều có điểm trúng tuyển ở mức cao, dao động từ 732 đến 926 điểm. Điểm chuẩn nhiều ngành tăng cao so với năm trước. Đáng lưu ý, có 25 ngành học có điểm chuẩn đánh giá năng lực trên 800 điểm.
Cụ thể, ngành có điểm chuẩn cao nhất là Kỹ thuật phần mềm với 926 điểm, tăng 91 điểm; Toán ứng dụng với 902 điểm, tăng 72 điểm; Kinh doanh quốc tế với 898 điểm, tăng 64 điểm; Công nghệ thông tin 889 điểm, tăng 65 điểm…
Các trường đại học cũng lưu ý thí sinh trúng tuyển xét tuyển sớm theo phường thức sử dụng kết quả kỳ thi ĐGNL ĐHQGHCM năm 2024 được công nhận trúng tuyển chính thức khi thoả mãn các điều kiện: Thí sinh cần tiếp tục đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (thời gian quy định từ ngày 18/7 - 30/7); đồng thời thí sinh cần đảm bảo điều kiện tốt nghiệp THPT và bổ sung hồ sơ đầy đủ để được công nhận trúng tuyển chính thức theo quy định.