Phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường là một phần của nội dung chương trình giáo dục ở các cấp học, là một hoạt động thường xuyên của ngành giáo dục & đào tạo trong chương trình chính khóa hoặc được lồng ghép vào các môn học có liên quan về chính trị, đạo đức, lịch sử và xã hội. Phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường được thực hiện bằng nhiều biện pháp và hình thức lồng ghép phong phú, thông qua các hoạt động ngoại khóa, giáo dục ngoài giờ lên lớp như: Thi tìm hiểu pháp luật, thông tin pháp luật, tọa đàm, hội thảo chuyên đề pháp luật, viết báo tường… nhằm giúp học sinh tiếp cận với pháp luật một cách hấp dẫn, góp phần bồi dưỡng niềm tin vào pháp luật và ứng xử theo chuẩn mực của pháp luật trong đối tượng học sinh.
Đừng để học sinh thiếu kiến thức pháp luật
Trong nhiều năm qua công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh niên, học sinh luôn được sự quan tâm của các cấp, các ngành, đã có nhiều giải pháp tích cực để hướng đến giáo dục thanh thiếu nhi, học sinh phát triển một cách toàn diện về đức - trí - thể - mỹ. Trong giáo dục tại nhà trường ở bậc học tiểu học đến trung học cơ sở các em học sinh đã bước đầu được làm quen với các loại biển báo khi tham gia giao thông và một số điều luật cơ bản, đến bậc trung học phổ thông nhiều kiến thức pháp luật quan trọng, gần gũi với cuộc sống đã được đưa vào chương trình môn Giáo dục công dân lớp 12. Các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là đoàn thanh niên các nhà trường đã tạo ra nhiều sân chơi bổ ích lành mạnh như các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tuyên truyền giáo dục pháp luật lưu động tại các trường học, hội diễn sân khấu hóa theo chủ đề...
Ngành GDĐT đã đưa giáo dục Luật giao thông vào các trường học. |
Mặc dù vậy, tình trạng phạm tội ở lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh ngày càng nhiều, làm dấy lên những lo lắng, băn khoăn trong dư luận xã hội. Chúng ta dễ dàng bắt gặp trước các cổng trường vào thời điểm trước và sau mỗi buổi học cảnh tượng học sinh tụ tập gây ách tắc, cản trở giao thông; tình trạng học sinh đi xe đạp dàn hàng ba, hàng bốn hay đi xe máy chở hai, chở ba, lạng lách đánh võng, không đội mũ bảo hiểm… Bên cạnh đó là tình trạng học sinh bỏ học, trốn tiết, la cà tụ tập chơi bi-a ăn tiền, chơi game bạo lực, dễ dẫn đến trộm cắp hay xích mích, đánh nhau. Đặc biệt, hành vi nguy hiểm hơn là học sinh bậc học phổ thông do tâm sinh lý lứa tuổi có nhiều thay đổi, muốn thể hiện, khẳng định mình trước mọi người, dễ làm phát sinh những hành động bột phát, nông nổi.
Trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật ở độ tuổi thanh thiếu nhi và học sinh như: hoàn cảnh, môi trường sống, phương pháp giáo dục của gia đình thì nguyên nhân đáng lo ngại nhất chính là sự thiếu hiểu biết về kiến thức pháp luật. Chính những nhận thức, sự thiếu hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, mơ hồ đã dẫn đến ý thức chấp hành pháp luật chưa tốt, thậm chí là có những hành vi coi thường pháp luật. Chỉ đến khi bị các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý thì mọi sự đã muộn, những hậu quả đáng tiếc đã xảy ra. Nhiều thanh thiếu niên, học sinh đã phải trả giá rất đắt cho các hành vi nông nổi của mình.
Giáo dục sự tự giác
Thiết nghĩ công tác giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên cần hướng nhiều hơn đến việc giáo dục thái độ và hành vi tự giác thực hiện pháp luật. Để làm tốt công tác này ngoài việc giáo dục ở nhà trường thì cần phải có sự kết hợp hài hòa trong giáo dục gia đình và cộng đồng. Môi trường gia đình là yếu tố quan trọng trong việc hình thành nhân cách ở các em, thực tế cho thấy phần lớn học sinh, thanh thiếu niên vi phạm đều có hoàn cảnh gia đình không tốt, thiếu sự quan tâm của các bậc phụ huynh, buông lỏng quản lý con em mình.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, nhà trường cần có kế hoạch chương trình cụ thể, chủ động nắm bắt tâm tư nguyện vọng của thanh thiếu niên để tổ chức các hoạt động phù hợp với từng lứa tuổi, tạo sân chơi lành mạnh thu hút tập hợp thanh thiếu niên tham gia như: kể chuyện pháp luật, xây dựng các tiểu phẩm, sân khấu hóa, xem hình ảnh, phim tư liệu… vừa gây hứng thú vừa tác động tích cực tới nhận thức của các em một cách sâu sắc hơn. Đồng thời, thành lập các câu lạc bộ “Bạn giúp bạn”, đội “Thanh niên thắp sáng niềm tin” để động viên, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
Đối với những đối tượng đặc thù, cá biệt thì nhà trường cần phải dành sự quan tâm đặc biệt để chia sẻ, động viên tránh sự phân biệt đối xử, kỳ thị dễ dẫn đến hiện tượng mặc cảm với xã hội. Công việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh thực sự là một quá trình gian khó, cần thường xuyên, kiên trì và cần có sự phối hợp một cách chặt chẽ, hiệu quả của gia đình – nhà trường - xã hội. Có như vậy, trước mắt hạn chế được hiện tượng học sinh vi phạm pháp luật và về lâu, về dài sẽ hình thành được những thế hệ công dân tốt, có ý thức kỷ luật cao, có hiểu biết và tôn trọng pháp luật.
Lê thị Thúy Mong