Nghề giáo với thế hệ trẻ hôm nay

Trong những năm gần đây, xu hướng chọn ngành nghề của xã hội bộc lộ điểm bất cập là nhiều học sinh giỏi ít hướng về ngành sư phạm. Trong khi yêu cầu phát triển của đất nước ngày càng đòi hỏi đội ngũ nhà giáo phải được nâng cao cả về lượng và chất. Do đó, việc thu hút được học sinh giỏi theo ngành sư phạm cần được xem là một trong những chiến lược quan trọng của ngành giáo dục.


pTối 18/11/2012 tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP Hồ Chí Minh diễn ra Lễ tuyên dương 149 Nhà giáo trẻ tiêu biểu lần thứ V - năm 2012 do Thành đoàn TP Hồ Chí Minh tổ chức. Đây là những nhà giáo trẻ tiêu biểu trong công tác giảng dạy được bình chọn từ các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp TP Hồ Chí Minh. Trong ảnh: Các giáo viên nhận danh hiệu Nhà giáo trẻ tiểu biểu lần thứ V - năm 2012. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN

 

Đổi mới chính sách để thu hút người giỏi đến với ngành sư phạm luôn là vấn đề quan trọng của ngành sư phạm trong công cuộc đổi mới nền giáo dục nước nhà.

 

Để có trò giỏi, phải có thầy giỏi


Một thực tế đang diễn ra với ngành sư phạm là, do học sinh giỏi không mặn mà nên ngành sư phạm đang được nhìn nhận là vừa thiếu người học và người học cũng chưa thực sự giỏi.


Nhiều chuyên gia giáo dục nhìn nhận, để nâng cao chất lượng của ngành sư phạm trước hết đầu vào cũng phải lựa chọn được những học sinh xuất sắc, giỏi. Tuy nhiên, thực tế dễ nhận thấy ở nhiều mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng gần đây là, học sinh giỏi không mặn mà với ngành sư phạm. Nguyên nhân của thực trạng này là do sinh viên sư phạm ra trường khó kiếm việc làm và đời sống của đại bộ phận giáo viên còn nhiều khó khăn. Để ngành sư phạm thu hút được người giỏi thì yêu cầu bức thiết hiện nay là phải có chính sách ưu đãi đối với sinh viên ĐH, CĐ ngành sư phạm.


Một giảng viên (xin giấu tên) của ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, sinh viên sư phạm khi tốt nghiệp rất khó tìm việc làm. Dù có theo nghề giáo viên thì đồng lương ít ỏi không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống. Một số nơi thiếu giáo viên nhưng vẫn khó tuyển dụng vì biên chế không có. Về lâu dài, cần có những chính sách ưu đãi tốt hơn đối với đội ngũ giáo viên, đặc biệt là cần quan tâm đãi ngộ để giáo viên có thể đủ sống, không phải bươn chải với công việc ngoài nghề nghiệp.


Chia sẻ về điều này, GS Nguyễn Viết Thịnh, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tâm sự: “Tôi còn nhớ vào những năm thập kỷ 80, đầu những năm 90 thế kỷ trước, trong giới sinh viên lưu truyền câu nói là “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Nhưng khi đó, do kịp thời có chính sách rất tích cực cho sinh viên sư phạm như không phải đóng học phí, giáo viên ra trường có hệ số đứng lớp nên chúng ta đã tuyển được đội ngũ tốt, với chất lượng sinh viên đầu vào cao. Lớp sinh viên ấy hiện nay ít nhất đã có 10 - 15 năm thâm niên trong nghề. Nhưng giờ đây, các trường sư phạm, khoa sư phạm đang phải đối mặt với những khó khăn trong đầu vào. Đây là một bất cập cần được tháo gỡ kịp thời”.

 

Cần có nhiều chính sách thu hút


Theo nhiều chuyên gia sư phạm, cần có những chính sách, cơ chế riêng về chế độ tiền lương, phụ cấp, tạo việc làm thì mới có thể thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm.


Theo thống kê của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, hàng năm, trường tuyển khoảng 2.000 sinh viên. Để thu hút học sinh giỏi ở bậc phổ thông, nhà trường thường có cơ chế tuyển thẳng những em đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; tặng học bổng để khuyến khích sinh viên giỏi trong quá trình học.


Tiến sĩ Nguyễn Hắc Hải, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, chính sách tuyển dụng của các địa phương rất quan trọng. Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương cần có chính sách đãi ngộ, tạo “đầu ra” cho sinh viên, nhất là sinh viên khá, giỏi. Có như vậy mới thu hút được nguồn “đầu vào” có chất lượng. Bên cạnh đó, để học sinh yêu thích nghề sư phạm thì các trường phổ thông cần có bộ phận hướng nghiệp và chế độ đãi ngộ của xã hội với ngành sư phạm phải được quan tâm”.


Còn GS Nguyễn Viết Thịnh, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội đề xuất, các trường ngoài việc căn cứ vào nhu cầu của mình để tuyển sinh, cần căn cứ vào nhu cầu xã hội để mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm. Đồng thời, đội ngũ giáo viên cho tương lai cũng cần phải nâng chuẩn, trước hết từ giáo viên mầm non, tiểu học.


Theo GS. TS Nguyễn Kim Hồng, Phó Hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, các địa phương có thể tạo ra những chính sách ưu đãi nhằm thu hút học sinh khá, giỏi thi vào các trường sư phạm. “Vừa qua, tôi đã kiến nghị với Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh về việc bán hoặc cho thuê nhà với những giáo viên gặp khó khăn về nhà ở đang làm việc tại thành phố. Điều này sẽ giúp họ yên tâm hơn để thực hiện tốt công tác giảng dạy. Nắm bắt được những điểm khó khăn để trợ giúp họ thì mới mong hút được những người thực sự giỏi”, GS Nguyễn Kim Hồng nêu dẫn chứng.


Nếu chúng ta có những chính sách ưu đãi nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên thì có thể khắc phục phần nào khó khăn về tuyển sinh của các trường sư phạm. Tôn vinh các thầy cô giáo có công không chỉ bằng tinh thần mà còn phải bằng vật chất thiết thực. Đồng thời, các trường sư phạm cần được ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất kết hợp chính sách đào tạo giáo viên theo hướng chú trọng về nâng cao trình độ của đội ngũ giảng viên, nhất là đội ngũ giảng viên được đào tạo ở các nước có nền giáo dục chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập giáo dục của đất nước. Về lâu dài, cũng cần có những thay đổi trong chương trình đào tạo, nhất là việc tăng cường nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.


Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình từng nói: “Cần tập trung sửa đổi chính sách đối với nhà giáo và cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Làm cho giáo viên đáp ứng yêu cầu về phẩm chất, năng lực và có thu nhập từ lương và phụ cấp cao hơn mức thu nhập trung bình trong xã hội; đồng thời làm cho nghề dạy học trở thành một trong những lĩnh vực nghề nghiệp được xã hội thực sự coi trọng và có sức hút đối với học sinh khá, giỏi”.

 

Thầy giáo Lương Văn Định, trưởng phòng GD - ĐT Yên Dũng (Bắc Giang), người vừa được vinh danh Nhà giáo ưu tú: “Tôi sẽ luôn chọn nghề giáo” Xã hội có nhiều đổi thay, mặt trái của nền kinh tế thị trường tác động không nhỏ tới ngành giáo dục và mỗi thầy, cô giáo. Không ít giáo viên không dũng cảm vượt qua được những cám dỗ đời thường, thậm chí sa ngã, điều này rất đau lòng. Nhiều học sinh thực sự giỏi cũng không muốn theo nghề giáo. Tôi đã làm cuộc điều tra xã hội học về lòng yêu nghề, sự lựa chọn nghề nghiệp đối với đội ngũ giáo viên. Rất tiếc có ý kiến cho rằng không có sự lựa chọn nào khác nên phải theo nghề dạy học, nhiều ý kiến coi đây là nghề để kiếm sống... Số người thực sự yêu nghề, tâm huyết với nghề, dù khó khăn cũng không bỏ nghề không có nhiều. Điều này đáng để chúng ta suy nghĩ về sự quan tâm của xã hội đối với giáo viên, mức thu nhập của thầy cô so với lao động các ngành nghề khác, về việc bồi dưỡng lý tưởng, định hướng nghề nghiệp cho các em lựa chọn nghề thầy trong tương lai... Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Nên khi đã chọn nghề này hãy giữ gìn chuẩn mực của người thầy dù trong cuộc sống còn có những khó khăn, vất vả. Bởi người thầy luôn được các em học sinh tin yêu và cả xã hội trân trọng, tôn vinh. Tôi luôn trân trọng tình cảm, sự quý trọng của bao thế hệ học trò đã dành cho tôi. Hơn 30 năm trong nghề, nhiều năm dạy đội tuyển cho huyện, gắn bó với nhiều thế hệ học trò. Điều làm tôi trân trọng và tự hào nhất là các học sinh vẫn luôn nhớ tới thầy, thường xuyên thăm hỏi, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống với thầy. Nếu chọn lại tôi sẽ vẫn chọn nghề giáo.

 

Cô giáo Nguyễn Thanh Thêm, Hiệu trưởng trường Mẫu giáo xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau: “Khi tâm huyết với nghề sẽ vượt qua mọi trở ngại” Khi về Đất Mũi, Cà Mau để mở trường lớp mẫu giáo, tôi đã gặp muôn vàn khó khăn về điều kiện sinh hoạt, nơi ở nhưng trở ngại lớn nhất là nhận thức về ngành học mầm non còn hạn chế. Người dân nơi đây quan niệm đi học mẫu giáo chỉ để học ca hát. Hơn nữa, nhiều phụ huynh cho rằng việc đi học mầm non là không quan trọng và cần thiết. Để thu hút trẻ ở độ tuổi mầm non đến lớp, chúng tôi phải kết hợp vận động các gia đình với chú trọng bồi dưỡng đội ngũ giáo viên với phương châm thà thiếu chứ không để yếu. Sau 13 năm phấn đấu nỗ lực, từ một căn phòng chật hẹp chỉ có một phòng học với 1 cô giáo, 24 trẻ, đến nay trường mẫu giáo xã Đất Mũi đã có được một ngôi trường tương đối khang trang với 5 phòng học 8 cán bộ giáo viên, 123 trẻ. Sự thành công trong nghề dạy học phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Người giáo viên phải rèn luyện nâng cao tay nghề bằng sự kiên nhẫn, góp nhặt kinh nghiệm. Giới trẻ bây giờ có nhiều lựa chọn nhưng các em nên nghĩ đến tình yêu nghề nghiệp. Tôi tự hào là mình đã cùng chung sức xây dựng thành công một ngôi trường khang trang nơi cực Nam của Tổ quốc và hơn thế, ngôi trường này học sinh đã trưởng thành vươn cánh bay xa trên khắp mọi miền đất nước.

 

Lê Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN