Một số địa phương đón học sinh trở lại trường trong tháng 12

Sau khi triển khai tiêm vaccine cho học sinh, từ tháng 12, nhiều địa phương sẵn sàng đón học sinh trở lại trường học trực tiếp. Tuy nhiên, muốn học sinh đi học trực tiếp nhà trường phải tuân thủ cấp độ phòng dịch được địa phương liên tục cập nhật trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.

Hà Nội chốt từ ngày 6/12, tại các đơn vị xã, phường, thị trấn của tất cả 30 quận, huyện, thị xã có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2, trong 14 ngày tính đến thời điểm ngày 30/11 không có các ca F0 trong cộng đồng, cho phép học sinh các khối lớp 10, 11, 12 của các trường trung học phổ thông, các trung tâm giáo dục nghề giáo dục thường xuyên trở lại trường học trực tiếp. Học sinh cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở học trực tuyến. Cấp mầm non nghỉ học tại nhà.  

Chú thích ảnh
Học sinh THPT ở Hà Nội tiêm vaccine sẵn sàng trở lại trường học trực tiếp. Ảnh: Trung Nguyên 

Với các huyện, thị xã ngoại thành, học sinh các khối lớp 9, 10, 11, 12, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên đi học trực tiếp. Học sinh cấp tiểu học và khối 6, 7, 8 học trực tuyến; trẻ mầm non nghỉ học tại nhà.     

Hà Nội cũng lưu ý với những trường có học sinh cư trú trên nhiều địa bàn khác nhau cần nắm rõ thông tin của học sinh, cấp độ dịch và quy định cho đi học trở lại của địa phương nơi học sinh cư trú để bố trí linh hoạt giữa học trực tiếp và học trực tuyến nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho học sinh.

Tuy nhiên, nếu xét ở quy mô cấp quận, huyện, thị xã theo tiêu chí trong 14 ngày (tính đến 30/11), không có ca F0 cộng đồng thì không địa phương nào đủ điều kiện. Cụ thể, theo đánh giá cấp độ dịch trong phòng chống dịch COVID-19 của UBND Thành phố đến 26/11 thì toàn thành phố đang ở cấp độ 2. Vậy, để xác định được cấp độ dịch thì Hà Nội phải công bố cấp độ dịch mới thì mới quyết định được địa bàn nào cho học sinh trở lại trường.     

UBND TP Hồ Chí Minh đã có quyết định cho phép các trường trên địa bàn Thành phố thí điểm dạy học trực tiếp từ ngày 13/12 đối với lớp 1, 9, 12 trong hai tuần. Dự kiến ngày 27/12, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sẽ tổ chức hội nghị sơ kết, rút kinh nghiệm hai tuần thí điểm dạy học trực tiếp.

Căn cứ kết quả này, Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Y tế tham mưu UBND TP xem xét việc quyết định tiếp tục mở rộng dần đối tượng hoặc tổ chức dạy học trực tiếp toàn Thành phố từ ngày 3/1/2022.     

Theo Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, việc mở cửa trường tiểu học, THCS, THPT còn phụ thuộc vào mức độ dịch ở địa phương. Các địa phương có mức độ dịch cấp độ 1, 2, 3 sẽ được mở cửa trường.  

Đồng thời Sở cũng có hướng dẫn tạm thời về việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Các cơ sở giáo dục có cấp học THPT hoạt động theo cấp độ dịch của thành phố. Các cơ sở giáo dục còn lại hoạt động theo cấp độ dịch của thành phố Thủ Đức hoặc quận, huyện nơi trường trú đóng.   

Các cơ sở giáo dục ở địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1 (nguy cơ thấp) được phép tổ chức dạy học trực tiếp, đảm bảo quy định về phòng chống dịch. Các trường THCS, THPT thực hiện toàn bộ thời lượng theo kế hoạch giáo dục nhà trường. Trong đó, thời khóa biểu dạy học trực tiếp không quá 30 tiết/tuần, ưu tiên cho chương trình chính khóa, các hoạt động phụ đạo, bồi dưỡng. Thời lượng dạy học còn lại, các cơ sở được thực hiện trên Internet.     

Cơ sở giáo dục ở địa bàn được xác định dịch cấp độ 2 (nguy cơ trung bình) tổ chức dạy học trực tiếp, đảm bảo quy định về phòng chống dịch; củng cố điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị, phương tiện, sẵn sàng chuyển sang hình thức dạy học khác khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Trong đó, trẻ từ 25 tháng đến 6 tuổi được đi học trực tiếp nhưng không tổ chức hoạt động ngoài nhà trường. Các trường kết hợp gửi clip về hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, tạo điều kiện cho phụ huynh hỗ trợ chăm sóc trẻ tại nhà.     

Cấp tiểu học cho lớp 1, 2 học trực tiếp toàn bộ, thời lượng học 100%. Lớp 3, 4, 5 cũng đi học trực tiếp nhưng với thời lượng 50%. Cấp THCS, THPT, Giáo dục thường xuyên thực hiện toàn bộ thời lượng dạy học theo kế hoạch giáo dục nhà trường. Trong đó, thời khóa biểu trực tiếp không quá 18 tiết/tuần, ưu tiên chương trình chính khóa, phụ đạo, bồi dưỡng học sinh. Riêng học sinh lớp 6, 9, 12 có thể bố trí thời lượng học trực tiếp tăng thêm nhưng không quá 24 tiết/tuần. Trung tâm ngoại ngữ, tin học được hoạt động tối đa 50% số lượng học viên tại cùng một thời điểm, phối hợp dạy trực tuyến và trực tiếp.     

Đà Nẵng thống nhất cho các khối lớp 1, 8 và 9 đi học trực tiếp từ ngày 6/12. Riêng khối lớp 1 không tổ chức học bán trú trong tuần học đầu tiên mà chủ yếu để các em làm quen với trường lớp. Trước đó, học sinh lớp 10 và 11 toàn Thành phố Đà Nẵng trở lại trường trong thời điểm thành phố không còn phường “vùng cam”.       

Tại Long An, học sinh cấp THPT (kể cả giáo dục thường xuyên) đi học trở lại kể từ ngày 6/12/2021. Học sinh cấp THCS đi học trở lại kể từ ngày 20/12/2021. Học sinh cấp tiểu học và mầm non đi học trở lại kể từ ngày 3/1/2022.     

Trước đó, Bộ GD&ĐT thống kê đến ngày 29/11, cả nước có 9 tỉnh, thành phố đón học sinh đến trường học trực tiếp, 34 tỉnh thành kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình. Hiện có 20 tỉnh hoàn toàn tổ chức dạy học trực tuyến, hoặc qua truyền hình cho học sinh là: An Giang, Bạc Liêu, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Hưng Yên, Kiên Giang, Long An, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Tây Ninh, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hà Nam, Gia Lai.

Lê Vân/Báo Tin tức
Đà Nẵng cho phép học sinh lớp 8-9 và lớp 1 đi học lại vào ngày 6/12
Đà Nẵng cho phép học sinh lớp 8-9 và lớp 1 đi học lại vào ngày 6/12

Thành phố Đà Nẵng thống nhất cho học sinh lớp 8-9 và lớp 1 đi học lại từ ngày 6/12 nhưng lớp 1 chỉ được đi học 1 buổi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN