Cô giáo Nguyễn Thị Hiền, Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn, trường THPT chuyên Thái Bình (TP Thái Bình): “Lo lắng cho một tác phẩm nào đó có ảnh hưởng tốt hay xấu đến lứa tuổi này cũng là một việc làm tích cực”.Học sinh THPT là lứa tuổi đang có sự thay đổi lớn về tâm sinh lý. Các em luôn muốn khẳng định mình, cho rằng mình đã đủ trưởng thành để quyết định được mọi chuyện một cách tốt nhất. Vì vậy, giáo dục các em bằng các tiết học khô cứng nặng về các khái niệm mang lại hiệu quả không cao.
Thực ra, văn học là một môn nghệ thuật có tác động mạnh đến đời sống xã hội. Những ảnh hưởng của nó rất tự nhiên, nên nhuần thấm, có hiệu quả. Việc lo lắng cho một tác phẩm nào đó có ảnh hưởng tốt hay xấu đến lứa tuổi này cũng là một việc làm tích cực của một người có ý thức thiết tha với việc phát triển các giá trị tốt đẹp của cuộc sống, nhất là với thế hệ trẻ. Vì vậy, ý kiến của tác giả Nguyễn Sóng Hiền chúng ta cũng không nên nhìn nhận với một thái độ kì thị.
Học sinh giờ được tiếp xúc với đủ loại văn hóa văn học khác nhau. Ảnh: TTXVN |
Với ý kiến về Chí Phèo, tôi nghĩ những lo lắng của tác giả là do hiểu tác phẩm chưa thấu đáo, chỉ nhìn những biểu hiện bên ngoài mà chưa thấy giá trị đích thực của nó. Những tác phẩm văn học có ý nghĩa giáo dục tốt đẹp với con người không phải chỉ viết về cái đẹp. Văn chương không chỉ có quyền viết về cái xấu, các ác mà cũng cần viết về cái xấu, cái ác để thức tỉnh con người, giúp họ nhận diện được nó, biết cách tránh xa nó.
Những người đã đọc, đã học "Hạnh phúc một tang gia" (trích Số đỏ - Vũ Trọng Phụng) hẳn sẽ biết cảnh tỉnh mình trước những cách nói năng, ứng xử vô duyên, thiếu nghiêm túc trong một đám tang. Cũng như vậy, học "Chí Phèo" (Nam Cao) sẽ biết tìm cách nhận diện những nguy cơ đẩy mình vào sự tha hóa, biết bảo vệ những giá trị nhân tính trong con người mình.
Trong truyện, khi miêu tả những hành động lưu manh, côn đồ của Chí, tác giả Nam Cao vừa phản ánh sự tha hóa, vừa cho thấy nỗi đau, khát vọng tha thiết được sống một cuộc sống bình thường, lương thiện như bao người. Ngay tiếng chửi trêu ngươi, thách thức kia cũng gói trong đấy bao đau đớn của một người bị đồng loại bỏ rơi xa lánh.
Anh ta đang khao khát được giao tiếp với họ dù ở hình thức tồi tệ nhất. Vậy mà chỉ có âm thanh của một con chó dữ và một thằng say rượu vang lên trong đêm thanh vắng. Nếu không thấy được những giá trị ấy mà chỉ nhìn nhận tiếng chửi của Chí như những hành động lưu manh thuần túy thì sẽ tất yếu đi đến phủ nhận giá trị của tác phẩm và có những lo lắng không cần thiết.
Hơn nữa, Nam Cao viết tác phẩm này không phải để minh oan cho những hành động côn đồ của Chí, mà mục đích của nhà văn là để cảnh tỉnh con người thấy được hậu quả ghê gớm của sự lạnh lùng, tàn bạo, định kiến. Vấn đề Nam Cao đề cập đến trong Chí Phèo đã vượt ra khỏi thời đại mà nhà văn sống, và vẫn còn nguyên giá trị trong xã hội chúng ta hôm nay.
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, sự lộng hành của cái xấu, cái ác khiến người ta sống thu mình lại trong tổ kén của mình, thờ ơ, vô cảm với những người xung quanh. Thái độ lạnh lùng, định kiến ấy đã đẩy Chí trượt nhanh hơn trên con đường tha hóa. Ngày nay, nếu chúng ta vẫn chỉ nghĩ đến bản thân, vô cảm trước mọi cảnh đời, dùng định kiến mà đối xử với những người trót lầm đường lạc lối thì hậu quả sẽ thế nào? Chắc hẳn những Chí Phèo của thời đại hôm nay sẽ tiếp tục ra đời để làm nên những bi kịch.
Từ kinh nghiệm dạy các lớp chuyên Văn nhiều năm, theo tôi, giáo viên sẽ là người giúp học sinh không chỉ không bị ảnh hưởng tiêu cực mà thậm chí còn có những hiểu biết sâu sắc hơn về cuộc sống.Trong "Chí Phèo" của Nam Cao có nhiều câu văn mang tính khái quái triết lí sâu sắc về cuộc sống, trong đó có cả những đúc kết về việc cai trị, áp chế, lợi dụng người khác. Nhưng tôi nghĩ nếu giáo viên có những định hướng đúng đắn các em học sinh sẽ không bị ảnh hưởng tiêu cực, mà thậm chí còn biết thông tuệ, sâu sắc, biết mình biết người hơn trước cuộc sống.
Với các tác phẩm hiện thực xã hội mà tác phẩm "Chí Phèo" là một điển hình, chính giáo viên cũng phải tìm được cách thổi hồn thời đại vào đó thì học sinh sẽ rất hứng thú. Tác phẩm văn học là một quá trình động. Ý nghĩa của nó có thể được bổ sung hoặc thay đổi theo lớp độc giả mới. Trước đây, "Chí Phèo" được nhìn nhận nhiều ở góc độ mâu thuẫn giai cấp, nhưng ngày nay chúng ta lại đi sâu hơn vào những giá trị nhân văn cao cả mang tính phổ quát mọi thời đại của nó. Nếu giáo viên không chịu tìm tòi, hiểu giá trị tác phẩm một cách nông cạn thì sẽ không thể giúp học sinh có hứng thú với tác phẩm. Nếu giáo viên biết định hướng học sinh thâm nhập tác phẩm ở cả những giá trị mới, đưa tác phẩm lại gần với cuộc sống hiện nay thì học sinh vẫn rất hứng thú.
Phương pháp giảng dạy của Chương trình môn Ngữ văn mới khuyến khích học tập theo hướng mở, học sinh phát hiện, đề xuất các cách hiểu mới, khác lạ là rất đáng ủng hộ. Học sinh học văn theo hướng mở là phải có những kiến giải cá nhân về tác phẩm văn học. Giáo viên không nên và không được phép vùi dập những phát hiện của các em, bởi bản thân những phát hiện ấy đã chứng tỏ sự chủ động tích cực của người học. Song thầy cô sẽ là người giúp các em trang bị cho mình những công cụ cần thiết (những kiến thức lí luận văn học cơ bản, kiến thức xung quanh tác phẩm...) để có thể hiểu đúng về tác phẩm, biết sàng lọc giữ lại những giá trị chân chính.
Thày giáo Nguyễn Thế Minh, nguyên giảng viên trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội:“Chuyện đưa Chí Phèo ra khỏi sách giáo khoa lớp 11 có lẽ cũng chỉ là chuyện của 1 tuần mà thôi!”