SchoolRank là công cụ giúp học sinh THPT tại Việt Nam tra cứu thứ hạng kết quả học tập của mình trên toàn quốc. Trên cơ sở đó, đánh giá năng lực học tập của bản thân, có phương án chọn trường, chọn ngành phù hợp từ sớm cũng như điều chỉnh việc học để đạt được kết quả mong muốn.
Năm 2025, kết quả xếp hạng học sinh THPT SchoolRank tiếp tục là một trong những tiêu chí quan trọng dùng để đăng ký tuyển sinh, xét cấp học bổng, và tham gia các chính sách tài chính của Trường Đại học FPT. Các thí sinh đạt Top50 và có tổng điểm môn Toán cùng hai môn bất kỳ trong học kỳ 2 lớp 12 từ 21 điểm trở lên sẽ đủ điểm chuẩn xét tuyển vào Trường ĐH FPT; thí sinh đạt Top40 có cơ hội tham gia chương trình “Học trước – Trả sau”, một chính sách tài chính linh hoạt cho phép sinh viên trả học phí dần trong vòng 5 năm sau khi tốt nghiệp; thí sinh thuộc Top10 còn có cơ hội được xét cấp học bổng Học đường của trường.
TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT cho biết: “Mỗi năm, hệ thống giáo dục của Việt Nam ghi nhận trên 500 ngàn thí sinh mới vào học đại học. Những năm gần đây, khoảng một nửa số thí sinh đó tham khảo xếp hạng của mình trên SchoolRank. Tôi nghĩ rằng đây là một con số tốt, đáp ứng được kỳ vọng của Trường Đại học FPT khi xây dựng công cụ này. Với xếp hạng SchoolRank, thí sinh biết được mình đang ở đâu, nằm trong số bao nhiêu % học sinh tốt nhất trên cả nước. Nếu đạt xếp hạng cao từ Top10 đến Top50, các em có thể dùng chứng nhận này để tham khảo đánh giá năng lực học tập, xét tuyển sinh và bổ sung vào hồ sơ du học. Đối với riêng Trường Đại học FPT, xếp hạng SchoolRank là một tiêu chí quan trọng dùng để xét tuyển. Người học phải nằm trong Top nhất định mới đủ sàn chất lượng để theo học tại trường”.
Trường Đại học FPT bắt đầu phát triển công cụ đánh giá xếp hạng học sinh THPT SchoolRank năm 2020. Xếp hạng SchoolRank dựa trên phương pháp luận ATAR (Australian Tertiary Admission Rank) – công cụ đánh giá thứ hạng học sinh tại Úc, đồng thời sử dụng các giải thuật dự báo, big data và trí tuệ nhân tạo để phân tích kết quả học bạ và điểm thi của học sinh. Công cụ này đã được điều chỉnh để phù hợp với chương trình giáo dục tại Việt Nam, giúp học sinh có cái nhìn tổng quan về năng lực học tập của mình so với các học sinh THPT trên cả nước.