Hệ lụy bùng nổ các trường đại học-Bài 2: Chỉ có chất lượng đào tạo mới thu hút được người học

Các chuyên gia giáo dục nhận định, quy mô đại học mở rộng trong khi chất lượng chưa tương xứng khiến người học quay lưng. Vì vậy, Bộ GD – ĐT, các trường ĐH trực thuộc các Bộ, ngành, tập đoàn kinh tế cần tự xem lại về chất lượng đào tạo thì mới mong được người học đón nhận.

Một giờ học ngoại ngữ của sinh viên FPT do giảng viên nước ngoài thực hiện.

Trước tình trạng nhiều trường không tuyển sinh được; nhiều ngành đứng trước nguy cơ đóng cửa; một số trường “vớt vát” xin kéo dài thời gian tuyển sinh, GS.TSKH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bày tỏ: “Việc xin kéo dài thời gian tuyển sinh mà không xin hạ điểm chuẩn, hạ điểm sàn thì cũng có thể xem xét, cho phép để trường tuyển đủ chỉ tiêu. Nhưng bản thân việc các trường không tuyển sinh được thì bên cạnh những vướng mắc cần nghiên cứu để khắc phục, còn cho thấy một tín hiệu tích cực. Đó là những cơ sở giáo dục ĐH nào chỉ chạy theo số lượng, không quan tâm đến đảm bảo chất lượng thì trước sau cũng mất uy tín trước xã hội và cũng sẽ bị người học quay lưng”.

GS Đào Trọng Thi phân tích, trước đây có quan niệm chung “vào được ĐH là tốt rồi”. Nhưng nay đã chuyển sang hướng người học được lựa chọn trường học nào tốt, trường nào phù hợp với trình độ, năng lực và điều kiện của mình. “Tôi cho rằng đây là một động lực để các trường cần phấn đấu, nâng cao chất lượng đào tạo của mình để có thể có được sự chấp nhận của xã hội, có năng lực cạnh tranh tốt hơn. Và đây chính là cơ hội để các cơ sở giáo dục ĐH, đặc biệt là những cơ sở giáo dục ĐH ngoài công lập nhìn nhận lại mình. Rất có thể tình huống như vậy sẽ tạo ra sự sàng lọc để những cơ sở nào đáp ứng được nhu cầu của xã hội thì tồn tại và phát triển, còn nếu đi ngược lại thì sẽ bị đào thải” – GS Đào Trọng Thi nhận định.

GS Đào Trọng Thi cho biết: Chính phủ và Bộ GD – ĐT rất quan tâm tới việc thực hiện những ý kiến góp ý với Luật Giáo dục và quan tâm hơn đến điều kiện để đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH. “Tôi nhận thấy việc thành lập trường ĐH, CĐ và việc nâng cấp các trường CĐ lên ĐH dường như vẫn chưa có chuyển biến. Tất nhiên, không có một yêu cầu nào về hạn chế phát triển trường ĐH, CĐ ngoài công lập hay phát triển mạng lưới các trường ĐH, CĐ theo quy hoạch đã được phê duyệt. Nhưng việc phát triển đó phải đảm bảo các điều kiện thành lập trường và đảm bảo các điều kiện về chất lượng. Việc này tôi nhận thấy vẫn chưa có chuyển biến” – GS Đào Trọng Thi cho hay.

Đồng quan điểm với việc thu hút người học bằng chất lượng, GS- VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD – ĐT cho hay, chúng ta đặt vấn đề “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục” là rất đúng. Nhưng muốn đổi mới thì trước hết phải chấn chỉnh cho tốt. Chuẩn bị những điều kiện tối thiểu để có chất lượng nhà trường như trường lớp phải đủ, thầy cô giáo phải đủ theo cơ cấu của môn học. Cụ thể ở giáo dục ĐH cần chấn chỉnh trước hết việc mở trường, việc này chỉ có Thủ tướng mới có thẩm quyền. “Tiêu chí đầu tiên mang tính đột phá để có nguồn nhân lực chất lượng cao, theo tôi là nâng cao chất lượng. Nếu đủ sức làm chất lượng thì cho mở trường”, GS- VS Phạm Minh Hạc nói.

Lê Vân

Bài 3: Không còn dễ thành lập trường đại học

Hệ lụy bùng nổ các trường đại học- Bài 1: Thừa trường, thiếu học sinh
Hệ lụy bùng nổ các trường đại học- Bài 1: Thừa trường, thiếu học sinh

Vài năm trở lại đây, việc mở trường đại học, mở ngành ồ ạt, tăng chỉ tiêu tuyển sinh… đã khiến chất lượng đại học xuống dốc. Điều này thể hiện rõ trong mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) 2011

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN