Năm 2024, trường Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến mở 6 ngành mới, chủ yếu thuộc lĩnh vực kỹ thuật, gồm Khoa học dữ liệu (thuộc lĩnh vực Toán và thống kê), Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin (lĩnh vực Máy tính và công nghệ thông tin), Quan hệ lao động (lĩnh vực Kinh doanh và Quản lý).
Cũng theo kế hoạch, ngành Quan hệ lao động đào tạo hệ cử nhân, 5 ngành còn lại (Khoa học dữ liệu, Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin) sẽ đào tạo cả hệ cử nhân và kỹ sư. Trong đó, chương trình cử nhân thông thường kéo dài trong 3 - 4 năm, còn bằng kỹ sư dài hơn khoảng 6 tháng đến một năm.
Đại diện trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết: Công tác xây dựng ngành mới có vai trò quan trọng trong việc đa dạng hóa và mở rộng các ngành đào tạo của nhà trường, nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội cũng như góp phần nâng cao vị thế của trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Công tác xây dựng ngành mới đã được xác định trong phương hướng và kế hoạch phát triển chung của trường, phù hợp với yêu cầu về nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phù hợp với nhu cầu của xã hội và người học.
Theo Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, để được chuyển từ trường đại học lên đại học, các trường phải đáp ứng các điều kiện: Trường đại học đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp; Có ít nhất ba trường thuộc trường đại học được thành lập theo quy định; có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người; Có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường đại học công lập; có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.
Việc xây dựng ngành mới của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân được khẳng định tuân thủ theo đúng quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo tính khoa học và phát huy tối đa nguồn lực hiện có của trường.
Thông tin này cũng nằm trong lộ trình phát triển thành đại học của nhà trường. Liên quan đến chiến lược phát triển Trường đại học Kinh tế quốc dân chuyển đổi sang đại học, ThS. Bùi Đức Dũng, trưởng phòng tổng hợp,Trường Đại học Kinh tê Quốc dân cho biết, trường đang từng bước thực hiện chiến lược phát triển thành Đại học Kinh tế quốc dân. Tập trung hoàn thành việc thành lập 3 trường, gồm Trường Công nghệ, Trường Kinh doanh, Trường Kinh tế, các trường này trực thuộc Đại học Kinh tế quốc dân; Xác định phương hướng tuyển sinh từ năm 2025.
Trường Đại học Ngoại thương vừa công bố các phương thức xét tuyển đại học chính quy năm 2024. Dự kiến tuyển sinh 4.130 chỉ tiêu, tăng 30 chỉ tiêu so với năm trước.
Năm 2024, Trường Đại học Ngoại thương dự kiến tuyển sinh ngành Khoa học máy tính, chương trình Khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh, đồng thời bắt đầu tuyển sinh chương trình song bằng với Đại học Queensland (Australia) ngành Kinh doanh quốc tế, chương trình Kinh doanh quốc tế (International Business) và Phân tích dữ liệu kinh doanh (Business Analytics) tại trụ sở chính Hà Nội.
Cụ thể, các phương thức xét tuyển đại học chính quy năm 2024 của Trường Đại học Ngoại thương gồm:
Phương thức 1: Xét tuyển dựa trên kết quả học tập trung học phổ thông dành cho thí sinh tham gia/đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hoặc trong cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia, đạt giải (nhất, nhì, ba) học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố lớp 11 hoặc lớp 12, và thí sinh thuộc hệ chuyên của trường trung học phổ thông trọng điểm quốc gia/trung học phổ thông chuyên Thời gian đăng ký nguyện vọng dự kiến từ ngày 20/5 đến 17 giờ ngày 30/5/2024.
Phương thức 2: Xét tuyển kết hợp giữa Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập trung học phổ thông /chứng chỉ năng lực quốc tế dành cho thí sinh hệ chuyên, hệ không chuyên của các trường trung học phổ thông. Thời gian đăng ký nguyện vọng dự kiến từ ngày 20/5 đến 17 giờ ngày 30/5/2024. Lưu ý: Thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông do nước ngoài cấp bằng phải kiểm định bằng tốt nghiệp theo quy định của Việt Nam.
Phương thức 3: Xét tuyển kết hợp giữa Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024. Thời gian đăng ký xét tuyển dự kiến tháng 7/2024 (theo kế hoạch tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Phương thức 4: Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 theo các tổ hợp môn xét tuyển của trường. Thời gian đăng ký xét tuyển dự kiến tháng 7/2024 (theo lịch của Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Phương thức 5: Xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi Đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức trong năm 2024. Thời gian đăng ký nguyện vọng dự kiến từ ngày 20/5 đến 17 giờ ngày 30/5/2024.
Phương thức 6: Xét tuyển thẳng năm 2024. Thời gian nộp hồ sơ xét tuyển dự kiến tháng 6 năm 2024 theo kế hoạch tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ngoài 6 phương thức trên, Trường Đại học Ngoại thương cũng xét tuyển đặc thù với Chương trình định hướng phát triển quốc tế: Kinh tế chính trị quốc tế. Thời gian đăng ký dự kiến từ ngày 6/5 đến trước 17 giờ ngày 30/5/2024.
Năm 2023, Trường Đại học Ngoại thương tuyển 4.100 sinh viên cho 3 cơ sở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Quảng Ninh. Như vậy, chỉ tiêu năm nay dự kiến tăng thêm 30 sinh viên. Điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 dao động từ 26,2-28,5 điểm. Ngành Ngôn ngữ Trung, tổ hợp D01 (Văn, Toán, tiếng Anh) lấy điểm chuẩn cao nhất - 28,5 điểm, trung bình 9,5 điểm một môn. Ngành Kinh tế, tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) ở trụ sở Hà Nội lấy điểm chuẩn là 28,3. Ngành Ngôn ngữ Pháp thấp nhất - 26,2 điểm, trung bình 8,7 điểm mỗi môn.
Nói đến đào tạo kỹ sư phải nói đến các trường có thế mạnh như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Giao thông vận tải, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông... Tuy nhiên, việc mở mới các ngành đào tạo kỹ thuật trong khối các trường có thế mạnh về kinh tế quản trị, Marketing, Thương hiệu... khiến dư luận quan tâm.
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có dự thảo báo cáo tóm tắt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kì 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia có sứ mạng cùng đại học quốc gia dẫn dắt và thực hiện vai trò nòng cốt trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển một số lĩnh vực, ngành trọng điểm của quốc gia; có năng lực, uy tín và chất lượng đứng đầu trong lĩnh vực, ngành đào tạo tương ứng.
Tới năm 2030, phát triển 20 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia, trong đó mỗi lĩnh vực, ngành có 1 đến 2 cơ sở giáo dục đại học (bảng sau; chú trọng nâng cao chất lượng, tăng quy mô đào tạo sau đại học gắn với phát triển nghiên cứu và đổi mới sáng tạo để ít nhất 20 lượt lĩnh vực có mặt trong các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín.