Theo đó, năm học 2019 - 2020, Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã phải tham mưu UBND các quận, huyện, thị xã rà soát cơ sở vật chất của các trường, điều tra dân số trên địa bàn để xác định tiềm lực đón học sinh đầu cấp. Từ đó phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường công lập và ngoài công lập, phân tuyến tuyển sinh hợp lý, huy động tối đa cơ sở vật chất và giáo viên để giảm sĩ số học sinh/lớp, điều hòa số lượng học sinh giữa các trường. Tuyệt đối tránh tình trạng trường thì có nhiều học sinh trái tuyến, trường lại tuyển sinh không đảm bảo số lượng học sinh, không sử dụng hết công suất của trường.
Về công tác tuyển sinh đầu cấp vào mầm non, lớp 1, lớp 6, lớp 10, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã nắm rõ mốc thời gian, công việc phải làm, phân công công việc cụ thể của phòng, trường. Sau khi phân công, cần tạo điều kiện tối đa về con người, cơ sở vật chất, đặc biệt là máy tính và công nghệ hiện đại phục vụ công tác tuyển sinh trực tuyến. Điều đặc biệt là tuyển sinh bậc Trung học phổ thông năm nay bắt đầu áp dụng hình thức trực tuyến để giảm thời gian đi lại, phiền hà cho phụ huynh.
Năm học 2019 - 2020, Hà Nội tuyển vào lớp 1 khoảng 167.000 học sinh, giảm 13.000 học sinh so với năm trước nhưng lại tăng hơn 30.000 học sinh so với số học sinh lớp 5 ra trường. Tuyển vào lớp 6 khoảng 132.000 học sinh, tăng 2.000 học sinh so với năm trước, tăng khoảng 30.000 học sinh so với số học sinh lớp 9 ra trường. Tuyển sinh lớp 10 có khoảng 101.000 học sinh, giảm 4.000 học sinh so với năm học trước và tăng khoảng 25.000 học sinh so với số học sinh lớp 12 ra trường.
Tuy số liệu tuyển sinh ở cả 3 cấp không cao bằng năm học trước nhưng so với số học sinh cuối cấp sẽ ra trường ở mỗi cấp thì số học sinh tuyển vào đầu cấp năm học 2019 - 2020 là rất cao. Vì thế, Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã cần xây dựng phương án tuyển sinh hợp lý cho từng trường trên địa bàn.