Giáo viên như "siêu nhân"
Cô giáo Nguyễn Thị Lan (một giáo viên ở ngoại thành Hà Nội) chia sẻ: "Lớp tôi dạy có 47 học sinh thì có 20 học sinh đi học, 27 học sinh không đến lớp. Giáo viên vừa dạy zoom, vừa dạy trực tiếp, đo nhiệt độ cho học sinh, xịt cồn từng bạn. Mạng ở trường yếu nên có lúc cô lại bị out ra nên học sinh trong zoom rất nhốn nháo. Giáo viên diện F1, F0 tăng nhanh vì số học sinh có bạn bị F0 rở lại trường".
Điều cô Lan đặt ra là chất lượng học của học sinh liệu có thực sự được đảm bảo nếu duy trì việc dạy on-off như hiện nay hay không? Học sinh ở Hà Nội trở lại trường đã trải qua 3 tuần học, các giáo viên đã quen với các tiết học on-off nhưng để bắt đầu mỗi tiết học phải mất 10-15 phút ổn định lớp. Lý do là cô vừa ổn định lớp học online, vừa làm công tác phòng dịch trên lớp.
Cô Nguyễn Thị Hiền (Giáo viên Trường THCS Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Cùng lúc giáo viên phải xoay đủ kiểu, khi thì viết lên bảng, khi học sinh hỏi trên máy tính. Chưa kể có lúc mạng internet không ổn định”.
Cô Phạm Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường THCS Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng, học sinh đi học trực tiếp giáo viên phải cố gắng gấp nhiều lần trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp. Giáo viên vừa phải đảm bảo an toàn phòng dịch lớp học trực tiếp, vừa thực hiện chương trình online, offline. "Thực sự giáo viên rất vất vả"- cô Bình nhận xét.
Đây cũng là tình trạng chung của nhiều giáo viên hiện nay. Một giáo viên THCS ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) tâm sự: “Giáo viên liên tục "lên lớp" giữa các tiết học là chuyện thường xuyên khiến chúng tôi rất mệt mỏi”.
Tại các diễn đàn giáo dục, nhiều giáo viên chia sẻ tình trạng phải căng mình dạy on-off khiến dư luận đặt ra câu hỏi, liệu chất lượng học có đảm bảo.
“Quay xe” hay thích nghi?
Một giáo viên dạy THCS ở quận Lê Chân (Hải Phòng) cho biết: “Điều tôi mong mỏi nhất bây giờ là nhà trường chuyển đổi hoàn toàn hình thức dạy học sang trực tuyến. Mặc dù giáo viên biết việc dưa học sinh trở lại trường là quan trọng, giúp trẻ phát triển đầy đủ, nhưng thử hỏi trong bối cảnh hiện tại, con trẻ phát triển ra sao khi đến lớp thì vắng vẻ, tâm lý thì bất ổn do tình hình dịch bệnh?".
Một số hiệu trưởng mong muốn quay lại học trực tuyến. “Học trực tuyến chắc chắn không hiệu quả bằng trực tiếp, nhưng nếu dịch bệnh chưa được kiểm soát thì sẽ rất khó khăn cho thầy và trò. Hiện nay các trường học ở Hà Nội đang tổ chức học trong tình trạng “giật gấu vá vai” bởi thiếu giáo viên và lớp học thưa vắng nhưng vẫn phải đảm bảo dạy”, một Hiệu trưởng trường THCS ở Long Biên, Hà Nội giấu tên cho biết.
Tuy nhiên, nhìn ở góc độ thích nghi với dịch bệnh, PGS.TS Trần Thành Nam chuyên gia tâm lý, chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) phân tích: “Hãy nói với học sinh, sinh viên rằng cách thức vượt qua nỗi sợ là đối diện với nó chứ không phải né tránh mãi. Né mãi cũng không phải là giải pháp và thậm chí còn làm chúng ta lo sợ hơn. Hãy giúp các bạn phân biệt được nguy cơ với xác xuất xảy ra. Ví dụ như nguy cơ tai nạn giao thông lúc nào chẳng có. Nhưng nếu các em thực hiện đúng các quy định về an toàn thì bạn sẽ giảm thiểu được rất nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Và vì vậy, nhà trường sẽ luôn đồng hành cùng học sinh, sinh viên để bảo vệ bản thân chính mình an toàn khi trở lại trường trong bình thường mới”.
Chuyên gia cũng đã chỉ ra những khó khăn và các vấn đề ảnh hưởng sức khỏe khi học tập và làm việc ở nhà lâu dài như: Thay đổi lịch sinh học, Weekday Saturday (động cơ yếu), cô đơn, mất tập trung, không thực sự kết nối với việc học, bị làm phiền liên tục, mất tập trung, bị phân tán bởi việc nhà khi năng suất nhất, dễ tự thưởng, mải chơi và đặc biệt dễ bị tổn thương sức khỏe tâm thần.
Một số chuyên gia tâm lý cũng chỉ ra, việc trở lại trường lần này ở các lứa tuổi, nhà trường vẫn chưa có sự chuẩn bị kỹ càng. Bởi khi trở lại trường, cả phụ huynh, học sinh, nhà trường phải được an tâm về hệ thống hỗ trợ, hiệu quả giáo dục và mục tiêu cho tương lai... Sẵn sàng các điều kiện về sức khoẻ và tinh thần...
Việc vừa đi vừa dò đường như hiện nay đã ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ, tâm lý và chất lượng dạy và học trong nhà trường trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp.