Giám sát để đưa các trường ngoài công lập vào khuôn khổ

Những ồn ào về việc tăng học phí đang đặt ra nhiều câu hỏi về việc quản lý các trường phổ thông ngoài công lập hiện nay.

"Tiền nào, chất lượng ấy"?

Có thể thấy ngay điểm mạnh của trường ngoài công lập là đội ngũ giáo viên hầu hết được đào tạo chính quy đạt chuẩn và trên chuẩn, có kinh nghiệm giảng dạy, quan tâm chăm sóc học sinh, luôn học tập để nâng cao tay nghề, đạt hiệu quả giảng dạy cao. Về cơ sở vật chất được đầu tư quy mô, đồng bộ; số lượng học sinh mỗi lớp ít, nhà trường có điều kiện quan tâm đến sự phát triển cá nhân. Về mặt giáo trình, chương trình dạy và học được cập nhật và tham khảo chặt chẽ giáo trình, chương trình của nước ngoài và có khi được liên kết với cả các trường quốc tế.

Để đưa con vào học tại những trường tư có thương hiệu hiện nay, phụ huynh phải đóng góp những khoản học phí rất lớn.

Đã có không ít trường ngoài công lập có chất lượng dạy học nổi trội hơn hẳn các trường công lập như Trường Tiểu học, THCS và THPT Nguyễn Khuyến; Trường Tiểu học, THCS và THPT Ngô Thời Nhiệm tại TP Hồ Chí Minh; Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Marie Curie; Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành tại Hà Nội...

Theo Số liệu thống kê giáo dục tiểu học đến hết năm 2016 của Bộ GD-ĐT, số trường phổ thông ngoài công lập trên cả nước ở năm này là gần 600 trường. Tổng số học sinh các cấp xấp xỉ 276.000 học sinh với hơn 9.120 lớp (bình quân hơn 30 học sinh/lớp).

Về cơ bản, chuyện tăng học phí của các trường ngoài công lập không phải là mới. Từ nhiều năm nay, các trường cấp phổ thông ngoài công lập liên tục tăng học phí với rất nhiều trường có mức học phí trăm triệu đồng. Mới nhất trong năm nay, trường liên cấp TH School (Hà Nội) khiến nhiều người bất ngờ với mức thu học phí cao so với mặt bằng chung. Cụ thể, 210 - 470 triệu đồng/năm nếu đóng một lần từ đầu năm học. Những “thương hiệu” nổi tiếng như trường Quốc tế Nhật Bản, Quốc tế Hà Nội, Quốc tế Anh, Trường phổ thông Việt - Úc, Quốc tế đa cấp Anh Việt Hoàng gia đều có mức học phí 9 con số.

Tại TP Hồ Chí Minh, mức học phí còn “ngất ngưởng” hơn. Các em học tại Trường Quốc tế Mỹ (TAS) phải đóng học phí từ hơn 200 triệu đồng (hệ mầm non) đến hơn 430 triệu đồng (lớp 11 và 12) mỗi năm học. Chương trình quốc tế tại trường Quốc tế Singapore (SIS) có mức học phí từ 210 triệu (hệ mầm non) - 430 triệu đồng/năm học.

Với cấp phổ thông, học phí thấp nhất là 360 triệu đồng (lớp 1), cao nhất là hơn 560 triệu đồng (lớp 12).

Trường Quốc tế TP Hồ Chí Minh (ISHCMC) nổi tiếng với mức học phí cao tốp đầu cả nước. Để cho con theo học tại đây, phụ huynh phải đóng từ gần 250 triệu đồng (hệ mầm non học cả ngày) đến gần 655 triệu đồng (lớp 12).

Lý giải cho mức học phí cao chóng mặt này, các trường đều cho rằng học sinh sẽ được học những chương trình giáo dục có thể tiếp cận nền giáo dục “đẳng cấp quốc tế” do các liên kết với các tổ chức quốc tế hình thành.

Cụ thể, Trường Quốc tế TP Hồ Chí Minh theo chương trình International Baccalaureate (tạm dịch: Tú tài quốc tế), được hiệp hội IB (Australia) kiểm định hàng năm. Trường phổ thông song ngữ liên cấp Wellspring sử dụng giáo trình được cấp phép Massachusetts theo tiêu chuẩn Common Core tiên tiến của Mỹ...

Với các trường ngoài công lập không phải là trường quốc tế cũng có những chương trình giáo dục song ngữ với nhiều môn như toán, khoa học, CNTT được dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Đây được xem là một trong những tiêu chí chọn trường hàng đầu của các bậc phụ huynh.

Với cơ chế “thoáng” và “mở” cho nhiều loại giáo trình, đa dạng chương trình học, kiểm tra chất lượng như trên lại cộng thêm những phức tạp về cách tính toán, tăng giảm học phí, rắc rối hoàn toàn có thể nảy sinh nếu cơ chế giám sát không được thực hiện chặt chẽ.

Cùng với đó, khi quy mô phát triển rộng, số lượng học sinh ngày một lớn, việc các trường được thả lỏng việc tự quyết các vấn đề về học phí có thể ảnh hưởng đến hàng ngàn gia đình, tạo một luồng hiệu ứng dư luận không tốt trong xã hội.

Quy định nào điều chỉnh các trường tư thục?

Hiện nay Bộ GD- ĐT không có bộ phận quản lý hệ thống các trường ngoài công lập cấp phổ thông. Việc quản lý các trường tư cấp phổ thông thuộc các Sở GD-ĐT. Điều 51, Luật giáo dục sửa đổi 2009 có đề cập quy định về thẩm quyền; thủ tục; thành lập hoặc cho phép thành lập; cho phép hoạt động giáo dục; đình chỉ hoạt động giáo dục; sáp nhập; chia; tách; giải thể các loại hình trường ngoài công lập giống hoàn toàn với các trường công lập.

Quan điểm quản lý nhà nước đối với trung học phổ thông tư thục nói riêng được quy định trong Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009): “Trường dân lập, trường tư thục tự chủ và tự chịu trách nhiệm về quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà trường, tổ chức các hoạt động giáo dục, xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, huy động, sử dụng và quản lý các nguồn lực để thực hiện mục tiêu giáo dục”.

Như vậy, chủ tịch UBND cấp huyện quyết định đối với trường mầm non, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trường THCS. Chủ tịch UBND cấp tỉnh (thành phố trung ương) quyết định đối với trường THPT, hoặc các trường có cấp cao nhất là THPT.

Đơn cử, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý các trường ngoài công lập trên địa bàn, kể từ năm học 2015-2016, Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh cũng đã thành lập Phòng Quản lý cơ sở Giáo dục Ngoài công lập.

Về mặt quản lý, các chương trình học của các trường có yếu tố quốc tế được nhập khẩu từ nước ngoài về phải được sự cho phép của sở và Bộ GD-ĐT. Ngoài ra, các chương trình này đều đã qua một tổ chức kiểm định độc lập.

Trao đổi với phóng viên, một hiệu trưởng trường THPT quốc tế lớn tại Hà Nội cho biết, mỗi Sở GD-ĐT đều có phòng kiểm định chất lượng trường ngoài công lập và đã tiến hành kiểm định nhiều năm nay rồi. Với các trường có yếu tố nước ngoài, luật quy định phải được kiểm định độc lập bởi một tổ chức kiểm định quốc tế, với điều kiện tổ chức đó được Bộ GD-ĐT công nhận. Như vậy, các hoạt động của các trường phổ thông ngoài công lập được quy định rõ ràng chứ không phải tự phát như nhiều người vẫn tưởng.

Nói về vấn đề các trường ngoài công lập tự chủ hoàn toàn về tài chính, TS Khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến, Nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nêu quan điểm giáo dục phổ thông ngoài công lập thì được điều tiết theo quy luật của kinh tế thị trường: “Luật Giáo dục 2005 ghi rõ: Trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và đảm bảo kinh phí hoạt động. Trường tư thục do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và đảm bảo kinh phí hoạt động bằng vốn ngoài ngân sách nhà nước.

Trường có yếu tố nước ngoài (thường được gọi là trường quốc tế) có sự hợp tác, đầu tư của các tổ chức, cá nhân từ nước ngoài để phát triển giáo dục, hoặc có khoản tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật.

Các trường tự tham gia thị trường giáo dục, cung cấp một dịch vụ giáo dục được định giá trên cơ sở cung cầu và cơ chế cạnh tranh”.

Tuy nhiên, TS Phạm Đỗ Nhật Tiến cũng cho rằng, trong vấn đề học phí của các trường ngoài công lập, Nhà nước vẫn có những cơ chế riêng đảm bảo quyền lợi, sự công bằng cho người học thông qua việc giám sát chất lượng đào tạo của các trường, yêu cầu các trường thực hiện công khai.

“Về pháp lý, luật đã yêu cầu các trường phải công khai về chất lượng đào tạo, tài chính. Vấn đề ở đây là cơ chế giám sát hiện nay còn yếu, dẫn đến các trường lợi dụng kẽ hở quản lý để thao túng. Vì thế, cần tăng mạnh cơ chế giám sát, trong giáo dục, bao giờ cũng phải đặt vấn đề đảm bảo quyền lợi, chất lượng cho người học lên hàng đầu. Đây là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, để các trường tự tung tự tác như hiện nay sẽ dẫn đến những hậu quả rất phiền toái”- ông Tiến bày tỏ.

Thật khó cho phụ huynh học sinh khi mà bài toán chất lượng trường ngoài công lập lại đặt ra yêu cầu học sinh trải nghiệm thực tế mới đưa ra được câu trả lời. Thêm một lần nữa, câu chuyện lùm xùm quanh vấn đề tăng học phí cho ta thấy các trường ngoài công lập đang và sẽ là một vấn đề lớn của giáo dục Việt Nam hiện nay và trong tương lai.

Trả lời câu hỏi về các biện pháp tăng cường quản lý các trường tư thục đã, đang áp dụng trong bối cảnh các trường tư thục ngày một phát triển về quy mô, số lượng học sinh theo học như hiện nay, lãnh đạo Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD-ĐT cho biết công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm đinh chất lượng giáo dục ở các trường ngoài công lập vẫn được tiến hành thường xuyên. Cụ thể theo thông tư số 13/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT: “Trường phổ thông tư thục có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc tự kiểm tra các hoạt động của trường theo các quy định hiện hành.

Trường phổ thông tư thục chịu sự kiểm tra, thanh tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của luật pháp. Trường phổ thông tư thục có trách nhiệm thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục theo các quy định hiện hành của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Nếu có đủ căn cứ kết luận trường phổ thông tư thục vi phạm pháp luật, vi phạm các quy chế, quy định của Bộ GD-ĐT; không bảo đảm chất lượng giáo dục, không đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc giảng dạy, học tập, điều kiện vệ sinh và an toàn thì tùy theo mức độ vi phạm, cơ quan quản lý trực tiếp có trách nhiệm có thể bị Bộ GD-ĐT ra quyết định tạm ngừng tuyển sinh, đình chỉ hoạt động giáo dục, thậm chí trình cơ quan có thẩm ra quyết định giải thể trường.”

L.Sơn/Báo Tin Tức
Phải thông tin minh bạch các khoản thu đầu năm học
Phải thông tin minh bạch các khoản thu đầu năm học

Sau bài “Lạm thu đầu năm học, tại ai?”, phóng viên đã có trao đổi với nhà quản lý, các chuyên gia giáo dục về vấn nạn lạm thu, để có cái nhìn khách quan về vấn đề này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN