Dự án PEDC:Khó khăn nảy sinh nhiều sáng kiến

“Trong cái khó, ló cái khôn” - điều đó đúng với thực tế khi triển khai Dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (PEDC) trong gần một thập kỷ qua (2001 - 2010). Với mục tiêu chiến lược và nhân văn là đảm bảo quyền được hưởng một nền giáo dục cơ bản và chất lượng cho tất cả mọi trẻ em, Dự án PEDC bao phủ trên 40 tỉnh với 227 huyện thuộc những địa bàn khó khăn nhất về giáo dục của cả nước.

Một cách tiếp cận thực tiễn và nhân văn

Giám đốc dự án, ông Đặng Tự Ân cho biết: PEDC dành tới 67% tổng kinh phí cho việc xây dựng cơ sở vật chất các điểm trường lẻ, tương ứng với 92% kinh phí nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới.

Những năm qua, ngành Giáo dục huyện Mèo Vạc (Hà Giang) luôn thực hiện tốt chính sách học sinh nội trú dân nuôi cho con em đồng bào dân tộc khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Hiện toàn huyện có hơn 6.400 em, trong đó có hơn 3.600 em cấp tiểu học, 1.500 em học sinh THCS, còn lại là hệ mầm non. Trong ảnh: Giờ học vật lý của học sinh lớp 8, trường THCS nội trú dân nuôi Cán Chủ Phìn. Ảnh: Trọng Nghiệp - TTXVN


Chọn điểm trường là đối tượng chính cần được hỗ trợ, dự án PEDC đã thể hiện một cách tiếp cận rất thực tiễn. Bởi, trong một đất nước trải dài hàng nghìn km, với rất nhiều dân tộc sinh sống, những đối tượng bị thiệt thòi nhất về điều kiện và cơ hội học tập chính là trẻ em ở các điểm trường lẻ. Bình quân tại 40 tỉnh thuộc PEDC, một trường tiểu học (thường là gắn với 1 xã) có 3,5 điểm trường lẻ. Cá biệt như Hà Giang, Điện Biên có nơi có tới 18 điểm trường lẻ, điểm xa nhất cách điểm trường chính 27 km đường đi bộ. Điểm trường là nơi rất tạm bợ, đa số do các giáo viên trẻ mới ra trường về giảng dạy, dân cư quanh đó rất lạc hậu và khó khăn về kinh tế. Xa trường chính cũng có nghĩa là xa sự quản lý sát sao của nhà trường. Trong khi đó, học sinh ở các điểm lẻ đa số là lớp 1,2,3 – giai đoạn đầu tiểu học rất cần được đảm bảo an toàn, được chăm lo và đầu tư. Với việc chọn đầu tư cho điểm trường – PEDC đã chọn hỗ trợ cho đúng khu vực có chất lượng yếu kém nhất về giáo dục của cả nước.

Đúng như mong đợi, sau 9 năm nỗ lực, đến nay PEDC đã xây mới và sửa chữa được 19.861 phòng học và 5.101 phòng giáo viên tại 6.415 điểm trường lẻ. Từ dự án này, hệ thống điểm trường của cả nước đã thay đổi về chất: Từ chỗ đa số là tạm bợ, tranh tre nứa lá đã được thay thế bằng phòng học kiên cố, khang trang. PEDC còn đầu tư đồng bộ: Nội thất bàn ghế, bảng chống lóa, hệ thống ánh sáng, công trình nước sạch, khu vệ sinh cho các điểm trường.

Cô giáo Phạm Thị Thúy Hồng, Hiệu phó Trường Tiểu học Tân Thanh 3, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Cách đầu tư đồng bộ này của PEDC không chỉ đảm bảo môi trường sư phạm an toàn cho học sinh, giúp các em đến trường đều đặn hơn, không bỏ học vì lớp tối, dột vào suốt một mùa mưa như trước mà còn dần thay đổi và hình thành lối sống văn minh trong cộng đồng dân cư quanh đó. Dù là người dân tộc nhưng các em đã biết đi vệ sinh, rửa tay trước khi ăn... Tiếc rằng hiện nay do nguồn điện ở các vùng thôn quê quá yếu nên nhiều khi hệ thống đèn điện lớp học ở các điểm lẻ bật không sáng lên được, bài giảng điện tử cũng thi thoảng mới làm được. Giá như có thêm chiếc máy phát điện, sự đầu tư này sẽ hoàn chỉnh hơn...”.

Trong cái khó, ló cái khôn

Không chỉ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, dự án PEDC còn rất chú ý đầu tư trang bị, tập huấn về các phương pháp giảng dạy mới – lấy học sinh làm trung tâm cho đội ngũ giáo viên ở tất cả các điểm trường lẻ trong cả nước. Bà Nguyễn Hồng Liễu, Giám đốc Sở GD - ĐT Ninh Thuận cho biết: Kết quả bền vững nhất mà PEDC để lại cho Ninh Thuận là một đội ngũ thầy cô trực tiếp đứng lớp sau tập huấn đã biết cách tổ chức lớp học và truyền thụ kiến thức cho các em một cách thật vui, trang trí lớp học đẹp và thân thiện... Điều này rất có ý nghĩa bởi học sinh đa số người Đắc G Lây ở Ninh Thuận sẽ không đến lớp đều nếu lớp học không vui hơn ở nhà, không hấp dẫn hơn các lễ hội quanh năm diễn ra của đồng bào. Mà chỉ có đến lớp đều, chất lượng học tập mới được đảm bảo.

Tính đến nay, PEDC đã tập huấn cho 39.913 giáo viên ở 14.902 điểm lẻ và 8.544 giáo viên ở 4.272 điểm trường chính về phương pháp và kỹ thuật giảng dạy lấy học sinh làm trung tâm, giáo dục hòa nhập, tăng cường ngôn ngữ tiếng Việt và huy động sự tham gia của cộng đồng. Bên cạnh đó PEDC cũng cung cấp miễn phí hàng triệu bộ tài liệu, dụng cụ học tập... cho các điểm trường.

Lớp học khang trang, cô giáo trẻ với đủ kiến thức và nhiệt tình... vẫn chưa đủ để đảm bảo cho nhóm đối tượng trẻ vùng dân tộc, khó khăn ở các điểm trường lẻ đạt kết quả học tập tốt. Các chuyên gia tư vấn, cán bộ dự án PEDC sau nhiều lần đi thực tế đã phát hiện ra rằng còn thiếu một sự liên kết chặt chẽ giữa cộng đồng dân cư và nhà trường. Và thế là lần đầu tiên trong hệ thống giáo dục nước ta xuất hiện một đội ngũ nhân viên hỗ trợ giáo viên (NVHTGV) và cán bộ phát triển giáo dục cộng đồng. Họ là những người bản địa, có thể là một cán bộ giáo dục đã nghỉ hưu, một thanh niên mới học xong THPT... Họ đảm nhận việc “thông ngôn”, giúp trẻ dân tộc hiểu cô giáo người Kinh trong các giờ đầu tiên làm quen với tiếng Việt. Trong thực tế, đội ngũ NVHTGV này đã rất hữu ích, giúp chất lượng giáo dục tiếng Việt – nền tảng cho các môn học khác được nâng lên rõ rệt, dù chỉ nhận mức thù lao ít ỏi (khoảng vài trăm nghìn đồng/tháng). Cùng với đội ngũ này, PEDC còn lập Quỹ Hỗ trợ điểm trường để kịp thời hỗ trợ các em có nguy cơ bỏ học đôi khi vì những lý do rất nhỏ như: Thiếu một đôi giày ấm để vượt qua con đường lầy mùa đông ở miền núi, thiếu SGK do vừa bị lũ cuốn... Số tiền của Quỹ này cũng không nhiều: 6 - 7 triệu đồng/trường/năm nhưng nó đã góp phần làm cho tỷ lệ trẻ hoàn thành bậc tiểu học trong cả nước tăng từ 72% trước khi triển khai dự án lên 86% hiện nay. Tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa cộng đồng và nhà trường - đó chính là sáng kiến hay nảy sinh từ một dự án vùng khó mà đến nay toàn hệ thống giáo dục – kể cả vùng thuận lợi của cả nước đang phải học tập.

Hoàng Hoa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN