Đáp ứng xu hướng lao động toàn cầu
Theo thông tin từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tiếp cận với chuẩn chất lượng của khu vực ASEAN và thế giới, thực hiện Đề án “Chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế” theo Quyết định số 371/QĐ-TTg ngày 28/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ, hiện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã hoàn thành việc chuyển giao 34 bộ chương trình đào tạo các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, trong đó có 12 bộ chương trình chuyển giao từ Australia và 22 bộ chương trình chuyển giao từ Đức.
Vào học theo các chương trình này ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao ngay tại Việt Nam, người học được trang bị toàn bộ năng lực, kỹ năng nghề nghiệp theo chuẩn quốc tế, bằng đạt chuẩn quốc tế, được quốc tế công nhận. Điều này tạo điều kiện cho lao động Việt Nam có cơ hội việc làm rộng mở hơn, nhanh chóng thích ứng với thị trường lao động cả trong nước và quốc tế.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 Nguyễn Khánh Cường cho biết: Tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế để thực hiện các chương trình đào tạo cho các cấp trình độ của giáo dục nghề nghiệp, đến thời điểm này, Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (đóng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) đã có 7 ngành nghề đào tạo đạt chuẩn trình độ theo tiêu chuẩn của Đức. Đó là các nghề: Điện tử công nghiệp, cơ điện tử, chế tạo thiết bị cơ khí, cơ khí xây dựng, lắp đặt thiết bị cơ khí, cắt gọt kim loại, công nghệ hàn.
Để triển khai đào tạo chương trình này, cơ sở vật chất và trang thiết bị của Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 được đầu tư đồng bộ, theo tiêu chuẩn của Đức, đáp ứng được yêu cầu sản xuất thực tiễn của doanh nghiệp. Sinh viên được học trên các thiết bị thực hành của trường và trên các thiết bị trong các nhà xưởng, dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp. Tất cả hoạt động đào tạo được kiểm soát bởi hệ thống đảo bảo chất lượng đào tại theo quy định của nước bạn. Trong thời gian học chuyên môn tại Trường, sinh viên còn được học để có chứng chỉ tiếng Đức. Sau khi tốt nghiệp, có chứng chỉ tiếng Đức, người lao động có thể xin visa và sang Đức làm việc.
Thực tế, trong quá trình sinh viên học tập ở Trường, các doanh nghiệp của Đức đã sang tham gia đào tạo và đã có sự tuyển chọn trước. Sau khi sang Đức, các lao động sẽ có 3 - 6 tháng học để hội nhập và sau đó làm chính thức tại doanh nghiệp. Hiện nay, Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 đã được trao chứng nhận Tổ chức thực hiện kỳ thi tốt nghiệp tương đương tiêu chuẩn Đức, có đủ điều kiện tự tổ chức kỳ thi và cấp bằng nghề theo tiêu chuẩn Đức.
Còn tại Trường Cao đẳng Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, từ thực tế đổi mới trong chương trình đào tạo nghề theo hướng nâng cao chất lượng, được quốc tế công nhận, bà Nguyễn Thị Trúc Phương, Trưởng khoa Quản trị - Kinh doanh nêu dẫn chứng về một chuyên đề cụ thể mà sinh viên ngành Logistics của trường đã được trang bị. Đó là, trong khuôn khổ chương trình “Australia cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực”- chương trình do Chính phủ Australia hỗ trợ Việt Nam đào tạo, tiếp cận và sử dụng nguồn nhân lực có trình độ cao và kỹ năng đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, các sinh viên chuyên ngành Logistics được hướng dẫn chuyên đề “Chọn và xử lý đơn hàng” theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề của các nền kinh tế thành viên APEC đối với lĩnh vực logistics.
Trong quá trình học, sinh viên được hướng dẫn cụ thể về quy trình chọn và xử lý đơn hàng trong kho mô phỏng, cách sử dụng một số thiết bị chuyên dụng tại các kho hàng hiện nay. Bên cạnh đó, sinh viên được trực tiếp sử dụng các trang thiết bị trong kho hàng như: xe đẩy tay, xe dọn bàn, máy in tem nhãn… để sau khi tốt nghiệp, các em có thể bắt tay vào làm việc, thao tác thành thạo với các thiết bị hiện đại đang được sử dụng tại các doanh nghiệp ở trong nước và quốc tế.
Gắn kết thị trường, đào tạo theo địa chỉ
Đào tạo theo địa chỉ, gắn kết với thị trường sẽ giúp công tác đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt được hiệu quả cao hơn. Qua đó, cơ sở đào tạo cũng sẽ được người sử dụng lao động ghi nhận về trách nhiệm, khẳng định uy tín với sản phẩm đào tạo của mình.
Bà Nguyễn Thị Lý, Hiệu trường Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, nhiều năm qua, Trường đã tiến hành khảo sát phân tích nhu cầu thị trường lao động, thông qua thống kê nhu cầu tuyển dụng, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp, để điều chỉnh quy mô tuyển sinh. Trường tổ chức lấy ý kiến về hiệu chỉnh chương trình đào tạo theo thực tế xã hội, rà soát hệ thống tài liệu giảng dạy và bài tập thực hành với những nội dung bám sát thực tế và có sự tham gia của doanh nghiệp, tăng cường hoạt động thực tập thực tế tại doanh nghiệp của giảng viên.
Mới đây, trường tổ chức đánh giá và cập nhật chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp để áp dụng cho khóa tuyển sinh năm 2020. Hoạt động đánh giá và cập nhật chương trình đào tạo được tổ chức định kỳ 3 năm/lần, nhằm đánh giá lại chương trình đào tạo đã ban hành để cập nhật, bổ sung những thay đổi trong quy định của Nhà nước, những tiến bộ mới của khoa học công nghệ trong lĩnh vực ngành, nghề đào tạo, các vấn đề kinh tế xã hội, các kết quả nghiên cứu liên quan đến chương trình đào tạo, phản hồi của các bên liên quan, những thay đổi trong nội dung chuyên môn để phù hợp với thực tiễn sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của thị trường lao động. Nhờ đó, học sinh, sinh viên nhiều ngành của Trường như: công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, bảo trì và sửa chữa ô tô, công nghệ kỹ thuật cơ khí… đã được doanh nghiệp đăng ký nhận vào làm việc ngay từ khi chưa tốt nghiệp.
Theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 Nguyễn Khánh Cường, để gắn kết với thị trường lao động, đào tạo theo địa chỉ, đón đầu nhu cầu lao động chuyên về lĩnh vực hàng không và các ngành nghề khác ngay tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai - nơi nhà trường đứng chân, Trường đang kết hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Đồng Nai để thực hiện đào tạo theo đơn đặt hàng của tỉnh. Cụ thể, năm nay Trường tuyển sinh 200 học sinh của tỉnh Đồng Nai vào học một số ngành nghề chất lượng cao, trong đó có ngành lắp đặt truyền dẫn quang và lắp đặt trạm viễn thông nhằm đáp ứng nguồn nhân lực trong thời gian tới cho Sân bay Long Thành.
Cũng theo ông Nguyễn Khánh Cường, Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 đóng tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là nơi có nhu cầu nhân lực các ngành kỹ thuật rất lớn. Do đó, trên cơ sở nắm bắt kịp thời nhu cầu lao động của các địa phương, ngoài việc mở các ngành nghề đào tạo mới, đối với những ngành nghề truyền thống của Trường, Trường có sự điều chỉnh, bổ sung và tích hợp, đưa vào chương trình giảng dạy những yếu tố mới liên quan đến tự động hóa, internet kết nối vạn vật… để sản phẩm đào tạo đáp ứng được thị trường lao động.