Doanh nghiệp trực tiếp đến ‘đặt hàng’ nhân lực chất lượng cao ở các trường

Mô hình hợp tác đào tạo nguồn nhân lực giữa trường Đại học, cao đẳng, trung cấp và doanh nghiệp là hướng mở cho các trường Đại học trong giai đoạn tự chủ sắp tới. Nhiều trường Đại học sẵn sàng mở cửa tuyển sinh ngành đào tạo mới đáp ứng các "đơn đặt hàng" nguồn nhân lực chất lượng cao.

Mở hàng loạt ngành học mới đáp ứng “đơn đặt hàng”

Mô hình hợp tác doanh nghiệp - trường học - sinh viên đang nắm thế chủ đạo trong giai đoạn hiện nay. Thay vì chờ các trường tuyển sinh xong mới tài trợ học sinh giỏi bằng học bổng, tạo cơ hội để sinh viên thực tập, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng tham gia vào cả các kỳ tuyển sinh.

Những ngành học mới, công nghệ cao được các trường mở ra để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp tuyển dụng.

Họ đặt ra bài toán nhân lực và các trường sẽ góp phần giải bài toán khó bằng các phương pháp tuyển sinh như mở tổ hợp tuyển sinh mới hoặc thậm chí là mở cả ngành học mới.

Tại Hà Nội, trường Đại học Thủy lợi tuyển sinh ngành học mới là chuyên ngành Kỹ thuật xây dựng công trình hàng không thuộc ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông. Ngành công trình hàng không thường nằm trong ngành học Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông được đào tạo ở trường Đại học Xây dựng hoặc Đại học Giao thông vận tải. Nguyên do của việc mở một ngành riêng là do trường được một công ty xây dựng công trình hàng không “đặt hàng” riêng nguồn nhân lực này.

Theo GS.TS Trịnh Minh Thụ - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi, các trường hiện nay đều đón đầu thị trường lao động tương lai và đầu tư đa ngành. Đây là cách đáp ứng tốt nhất nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao ở giai đoạn Cách mạng Công nghiệp 4.0 với sự xuất hiện trí tuệ nhân tạo, công nghệ tự động hóa, vật liệu mới và công nghệ thông tin trong phân tích dữ liệu đã và đang tác động rất lớn đến giáo dục đại học không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới.
 
Tương tự trường Đại học công nghệ Giao thông vận tải có 2 ngành học công nghệ kỹ thuật giao thông (chuyên ngành công nghệ kỹ thuật xây dựng cầu đường bộ) và công nghệ kỹ thuật cơ khí (chuyên ngành cơ khí máy xây dựng) tuyển sinh năm 2018 dưới mô hình đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

Theo ông Ngô Quốc Trinh - Trưởng phòng Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế của trường, với mô hình này, sinh viên tốt nghiệp loại khá trở lên, đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp xây dựng đã đặt hàng với trường sẽ được tuyển dụng đi làm ngay, đồng thời được hoàn trả toàn bộ học phí đào tạo đại học trong toàn khóa học. Sinh viên được tuyển dụng phải cam kết làm việc tại các doanh nghiệp trên tối thiểu 5 năm.

Bên cạnh ngành xây dựng, công nghệ thông tin cũng là ngành tuyển sinh “nóng” với rất nhiều đơn đặt hàng của các doanh nghiệp.

TS Phan Minh Đức – Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cho biết, trong mùa tuyển sinh 2018, Trường tuyển sinh với chỉ tiêu 150 sinh viên chuyên ngành CNTT (chương trình đào tạo đại học hệ chính quy truyền thống); đối với chương trình chất lượng cao định hướng cho thị trường Nhật Bản, có 45 chỉ tiêu. Các em sẽ được đào tạo kỹ năng tiếng Nhật. Tiếp đó, chương trình kỹ sư chất lượng cao Việt-Pháp, chuyên ngành CNTT có 40 chỉ tiêu.
 
Với các chương trình đào tạo đặc thù chuyên ngành CNTT, trường thực hiện ký kết hợp tác với doanh nghiệp, mời doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo cùng trường (sinh viên sẽ học và thực hành với tỷ lệ ít nhất là 30% khối lượng chương trình với doanh nghiệp). Từ đó đổi mới chương trình đào tạo đặc thù này được cải tiến rất nhiều, gần sát với “đơn đặt hàng” sử dụng nguồn nhân lực từ phía doanh nghiệp.

Trường cao đẳng, trung cấp tự tin cam kết có việc với sinh viên tốt nghiệp

Kể từ mùa tuyển sinh năm 2017, các trường Cao đẳng, Trung cấp bắt đầu hút thí sinh bằng các cam kết đảm bảo việc làm, hoàn trả lại 100% học phí nếu sinh viên tốt nghiệp mà không có việc làm.

Đào tạo nguồn nhân lực sát với nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội sẽ tăng cơ hội có việc làm cho sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp.

Mùa tuyển sinh 2018 tiếp tục là áp lực đè nặng lên các trường đại học khi các trường Cao đẳng tỏ rõ lợi thế tạo việc làm cho sinh viên nhờ sự gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp. Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cam kết sẽ hoàn trả lại 100% học phí nếu học sinh, sinh viên tốt nghiệp xong không có việc làm.

Theo ông Đồng Văn Ngọc- Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, để có được cam kết này, nhà trường đã có những thay đổi đột phá trong công tác đào tạo.

“Nhà trường đang hợp tác chặt chẽ với 106 doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân... đây là nguồn bảo đảm việc làm cho học sinh, sinh viên nhà trường. Hợp tác sâu rộng với các doanh nghiệp đang là một lợi thế lớn của nhà trường trong tiếp cận và đào tạo nguồn nhân lực sát với nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Đồng thời, nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp”.

Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp đưa ra số liệu tỷ lệ học sinh tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp đạt trên 70%, ở một số ngành nghề trên 90%  với mức thu nhập từ 7-10 triệu đồng/tháng. Các trường đã từng bước chuẩn bị được các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và bộ chương trình chuyển giao để triển khai đào tạo thí điểm theo tiêu chuẩn Australia từ tháng 1/2018.

Việc gắn bó giữa đào tạo và nhu cầu doanh nghiệp của các trường rõ ràng đang mở ra nhiều cơ hội hấp dẫn cho các học sinh trước ngưỡng cửa chọn ngành nghề, chọn trường đăng ký tuyển sinh mùa 2018.

Minh Đăng/Báo Tin tức
'Khát' nhân lực ngành xây dựng công trình hàng không
'Khát' nhân lực ngành xây dựng công trình hàng không

Yêu cầu chuẩn bị đội ngũ nhân lực chất lượng cao đón đầu các yêu cầu xây dựng công trình hàng không ở các trình độ từ cử nhân đến tiến sĩ buộc chính doanh nghiệp hàng đầu về lĩnh vực này phải tìm đến trường đại học để cùng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển giao công nghệ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN