Diễn đàn về đề án tuyển sinh 2017

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) vừa công bố “Dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2017”. Có rất nhiều ý kiến của các giáo viên, chuyên gia, phụ huynh, học sinh đã góp ý cho dự thảo. Báo Tin Tức xin trích đăng ý kiến của một số chuyên gia, giáo viên.

GS Phùng Hồ Hải, Tổng thư ký Hội Toán học Việt Nam: Phản đối thi trắc nghiệm môn toán

Có 3 lý do để Hội Toán học Việt Nam phản đối hình thức thi trắc nghiệm môn Toán.

Thứ nhất, việc quyết định hình thức thi trắc nghiệm môn Toán đưa ra đột ngột, gấp gáp. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của giáo viên và học sinh do thiếu sự chuẩn bị và phương án thi sẽ ảnh hưởng trực tiếp cách dạy và học. 

Thứ hai, về góc độ chuyên môn và theo đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, việc chuyển hình thức thi từ tự luận sang trắc nghiệm là sự thay đổi không phù hợp mục tiêu của đào tạo Toán bậc THPT. 

Dự thảo đề án thi 2017 gây ra nhiều tranh cãi. Ảnh: Trần Lê Lâm- TTXVN

Thứ ba, quyết định thi trắc nghiệm môn Toán dựa chủ yếu vào cơ sở và kinh nghiệm của kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội trong 3 năm qua. Trong khi đó, kỳ thi này chưa có bất cứ đánh giá khoa học nào về ưu điểm, khẳng định tốt hơn đối với học sinh.

Theo Hội Toán học, muốn đổi mới thì trước tiên cần xác định mục tiêu và chương trình đào tạo, từ đó đề ra phương án thi phù hợp. Các quyết định về thi tuyển cần có sự thảo luận sâu rộng trong các cơ quan quản lý và giới chuyên môn, cùng những hội thảo khoa học. Từ những thống nhất này, thời gian tới, Hội Toán học Việt Nam sẽ sớm có văn bản gửi Bộ GD - ĐT, các cơ quan thẩm quyền về vấn đề này. Trước đó, ban chấp hành Hội Toán học đã có nhiều cuộc họp và thống nhất sẽ có một kiến nghị bằng văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội. 

Thày giáo Bùi Gia Nội, giáo viên môn Vật lý, thành phố Việt Trì, Phú Thọ: Nhiều băn khoăn

“Đọc qua Đề án thi năm 2017 của Bộ GD - ĐT. Cá nhân tôi là một giáo viên trực tiếp giảng dạy không khỏi có những băn khoăn:

Thứ nhất: Một đề án thay đổi rất nhiều hình thức thi cử mà chưa hề được thử nghiệm (thực nghiệm sư phạm) đã đem áp dụng toàn quốc với hơn một triệu thí sinh thì có vội vàng không?

Thứ hai: Chủ trương là giảm tải áp lực thi cử, vậy mà nếu tính số môn thi liên quan thì lại tăng so với trước đây. Theo lộ trình thì tới năm 2019, sẽ thi trong chương trình cả 3 năm cấp 3, ở cả 7 môn học như vậy thì có quá nặng không?

Thứ ba: Một kỳ thi dùng để xét tuyển ĐH nhưng tổ hợp môn thi quá nhiều và tràn lan như vậy không thể đánh giá đúng năng lực phù hợp của thí sinh với ngành học (chẳng hạn một em học ngành Cơ khí, cần chủ yếu các môn Toán, Lý, Anh; nhưng phải thi cả môn Sinh, môn Hóa). Ngành nghề hình thành trong xã hội là sự phân công lao động dựa trên thiên hướng cá nhân, thiên hướng cá nhân là năng khiếu vận động của một chủ thể đối với một lĩnh vực khoa học và công việc nhất định, năng lực đó được phát hiện và phát triển thông qua hoạt động giáo dục. Như vậy đề án thi tích hợp là sự cào bằng các năng lực cá nhân, mất ý nghĩa quan trọng nhất của thi cử là phát hiện, phát triển năng khiếu nghề nghiệp và sự phân công phân cấp lao động cho xã hội.

Thứ tư: Giáo dục là quốc sách cơ bản của một Quốc gia, nó cần đảm bảo tính ổn định và đồng bộ. Vậy mà năm nào vào học chính thức, thậm chí gần ngày thi rồi mà cũng "đổi mới...", giáo viên không kịp chuẩn bị, phụ huynh lo lắng, học sinh mất phương hướng.

Thứ năm: Áp dụng hình thức thi trắc nghiệm quá máy móc và tràn lan. Môn Toán là môn thể hiện năng lực lập luận, khả năng diễn đạt và tư duy logic. Nếu môn Toán mà thi trắc nghiệm thì sẽ đánh mất bản chất ý nghĩa giáo dục vô cùng quan trọng (chỉ sau triết học) của môn học này. Tương tự, môn Văn là môn học rèn luyện khả năng ngôn ngữ, năng lực cảm thụ, khả năng biểu đạt, với ý nghĩa nhân văn, cũng không nên tổ chức thi trắc nghiệm. 

Thứ sáu: Vì một kì thi mà không có mục đích cụ thể (là để xét tốt nghiệp hay tuyển sinh) nên lại cho phép các trường tổ chức thi riêng. Tức là nhiều em học sinh sẽ vẫn trải qua 2 kì thi đầy áp lực. Như thế thì không hề  tiết kiệm và giảm tải.

Thứ bảy: Mục đích của kì thi là đánh giá phân loại để tuyển chọn; yêu cầu quan trọng nhất của một kì thi là nghiêm túc và công bằng. Nhưng mục đích thì nửa vời, thi tại địa phương, cộng với căn bệnh thành tích cố hữu thì liệu có đạt được những mục đích và yêu cầu nói trên?
Nhóm pv
Sửa đổi Thông tư 30,  tránh “bình mới, rượu cũ”
Sửa đổi Thông tư 30, tránh “bình mới, rượu cũ”

Dự thảo Thông tư 30 (sửa đổi) về đánh giá học sinh tiểu học đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi, nhất là giáo viên, chuyên gia và cha mẹ học sinh. Bên cạnh sự ủng hộ những nội dung sửa đổi mang tính tiếp thu của Bộ GD - ĐT, cũng có không ít ý kiến cho rằng dự thảo về cơ bản vẫn chỉ là “bình mới, rượu cũ”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN