Đào tạo kế toán, kiểm toán chưa sát thực tế

Hiện nay cả nước có hơn 400 trường ĐH, CĐ thì có tới hơn 200 trường đào tạo chuyên ngành kế toán, kiểm toán. Mỗi năm có hàng vạn sinh viên ra trường. Chuyên ngành kế toán, kiểm toán thu hút hàng vạn sinh viên vào học. Tại các trường ĐH chuyên ngành kinh tế thì số lượng sinh viên ngành kế toán, kiểm toán chiếm đến 50%, vì đây vẫn là nghề “hot” được giới trẻ quan tâm. Tuy nhiên chất lượng nguồn nhân lực kế toán và kiểm toán lại là điều đáng phải bàn, nhất là hiện nay nước ta đang trong quá trình hội nhập và thực hiện các cam kết quốc tế trên rất nhiều lĩnh vực, trong đó có hệ thống kế toán và kiểm toán.

Giỏi tuân thủ, kém linh hoạt

Thực hiện quy trình kiểm toán thực tế tại công trường xây dựng Trụ sở Bộ Ngoại giao ( Hà Nội). Ảnh: Phạm Hậu – TTXVN

Ông Mai Thanh Tòng, Phó Chủ tịch Hội Kế toán TP.HCM cho biết: “Sinh viên tốt nghiệp ngành kế toán Việt Nam mới ra trường rất ít người có thể áp dụng một cách rành rọt những gì mình đã học được ở nhà trường vào công việc mà doanh nghiệp (DN) giao cho, dù là một công việc không phức tạp. Các nhà tuyển dụng, đặc biệt là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài luôn gặp khó khăn khi tìm những người kế toán vừa ý, và càng khó khăn hơn khi tìm những người kế toán có trình độ chuyên môn cao như kế toán trưởng hay giám đốc tài chính…”.

Theo ông Tòng có rất nhiều sinh viên giỏi, xuất sắc khi tốt nghiệp được lựa chọn vào các DN và thường được đánh giá là những kế toán giỏi về mặt tuân thủ, giữ gìn tài sản, nhưng lại kém về mặt linh hoạt và giải quyết công việc.

TS Trần Phước, Trưởng khoa Kế toán, Kiểm toán- ĐH Công nghiệp cũng cho rằng, chương trình đào tạo tại các trường ĐH trong nước hiện nay quá nặng về hàn lâm mà thiếu kỹ năng mềm cũng như những kiến thức chuyên môn. Điều này được rút ra từ khảo sát thực tế đối với sinh viên tốt nghiệp ngành kế toán tại các trường CĐ, ĐH như ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện Tài chính hiện đang làm việc trong các công ty kiểm toán và DN có quy mô lớn, DN có vốn đầu tư nước ngoài. Đánh giá chương trình đào tạo ngành kế toán có áp dụng được vào thực tế không, có tới 80% số người được hỏi cho rằng đào tạo ngành kế toán nặng về hàn lâm, 50% cho rằng kiến thức chuyên ngành mà họ tiếp thu được rất ít.

Khảo sát về kỹ năng chuyên môn cho thấy, kỹ năng sử dụng phần mềm kế toán, máy tính và các phương tiện quản lý khác còn yếu, kỹ năng về phân tích, tổ chức hệ thống thông tin kế toán bằng phương tiện hiện đại còn mơ hồ. Có đến 91% số người trả lời kỹ năng chuyên môn chủ yếu được học lý thuyết, thực hành thủ công, phần mềm kế toán còn đơn giản, sơ sài, được thực hành rất ít. Đối với kỹ năng thực hành kiểm toán Báo cáo tài chính thì 100% câu trả lời là không biết. Còn với kỹ năng thực hiện kế toán quản trị thì hầu hết cũng nhận được câu trả lời là chưa được làm vì nhiều đơn vị chưa tổ chức thành một bộ phận riêng biệt.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy khả năng về ngôn ngữ giao tiếp thông thường (tiếng Anh) hạn chế, tư duy tích lũy am hiểu các vấn đề toàn cầu còn hạn chế, khó hội nhập sâu rộng với kế toán, kiểm toán quốc tế. Điều này được minh chứng qua con số, có tới 70% trả lời chưa thể nắm bắt được công việc kế toán hay kiểm toán ngay khi được giao công việc mà phải đào tạo, hướng dẫn lại. Đáng lưu ý là 100% người được hỏi đều trả lời chỉ tự tin làm việc cho đơn vị trong nước, còn đơn vị nước ngoài thì “chưa thể”.

Kết quả khảo sát về chất lượng nguồn nhân lực kiểm toán và kế toán này cũng phù hợp với kết quả khảo sát của Navigos Search hồi cuối năm 2010. Theo Navigos Search, nhu cầu đối với cử nhân ngành kế toán không chỉ là số lượng mà quan trọng hơn là chất lượng. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực kế toán hiện vẫn thấp, trong đó, tới 66,7% hiện đang làm việc chủ yếu mang tính kinh nghiệm và thực hành, số lượng nhân lực ở vị trí quản lý chỉ chiếm 17,4%. Và có rất ít nguồn nhân lực ở các vị trí quản lý cao cấp, ví dụ như giám đốc tài chính hay giám đốc điều hành.

Tập trung nâng cao chất lượng

“Số lượng nguồn nhân lực kế toán đã được đào tạo trong thời gian vừa qua cho thấy cung và cầu đã bão hòa. Do vậy trong thời gian tới, cần tập trung nâng cao chất lượng”, TS Trần Phước nhận định. Theo TS Trần Phước, chương trình đào tạo cần phải đào tạo thêm kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp; bổ sung những kiến thức chuyên môn phải mang tính hòa hợp với kế toán quốc tế, dần dần chuyển sang hội tụ với kế toán quốc tế. Bên cạnh đó cũng cần đổi mới tài liệu giảng dạy theo hướng hội nhập, phương pháp giảng dạy lấy người học làm trung tâm, tăng cường hoạt động nhóm, kết hợp hiệu quả hoạt động nhóm và cá nhân, dạy cho sinh viên tư duy sáng tạo, nắm bắt những cái mới, hình dung dự đoán hoặc tạo lập các ý tưởng theo nhu cầu…

Còn theo khuyến nghị của TS Đặng Đức Sơn, Phó trưởng Khoa Tài chính- Ngân hàng, ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội), cần thay đổi chương trình phù hợp với mục đích đào tạo. Các cơ sở đào tạo cần chú ý tới kết cấu khung chương trình sao cho sinh viên có khả năng tiếp cận sớm với kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành thông qua việc đưa những môn học nền tảng cơ sở ngành lên sớm hơn để tiếp cận nhanh môn học chuyên ngành. Một số môn học chuyên ngành cũng nên giảng bằng tiếng Anh, tăng nội dung chuyên môn theo hướng tiếp cận chuẩn mực kế toán quốc tế và Việt Nam; cân nhắc khả năng tích hợp giữa chương trình đào tạo hiện có và yêu cầu nghề nghiệp của các hiệp hội kế toán, kiểm toán chuyên nghiệp như các nội dung chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng làm việc.

Giám đốc ACCA, ông Rhys Johnson cho biết: Trong các cuộc khảo sát của ACCA, 63% người được hỏi trong lĩnh vực kế toán tin rằng nhu cầu về kế toán viên trình độ cao sẽ tăng trong vòng 5 năm tới. Điều này phản ánh xu hướng phát triển ngày càng đòi hỏi về chất lượng nguồn nhân lực. “Tại các nước phát triển, các trường ĐH và công ty có một mối liên kết chặt chẽ trong đào tạo sinh viên và hỗ trợ thực tập. Đây cũng là một trong những ưu tiêu hàng đầu của ACCA trong kết nối các công ty với các trường ĐH thông qua các thành viên của chúng tôi - những người đang giữ những vị trí quan trọng trong cộng đồng kế toán và tài chính hay các cố vấn kế toán và tài chính”, ông Rhys Johnson cho biết thêm.

Cùng với quá trình phát triển kinh tế, vai trò và trách nhiệm của kế toán viên và kiểm toán viên trong các công ty đang ngày càng lớn hơn và đòi hỏi nhiều kiến thức và kỹ năng hơn. Người sử dụng lao động đang đặt ra nhiều tiêu chí tuyển dụng hơn và mong muốn người xin việc, ngoài năng lực, hiểu biết, kỹ năng là thái độ làm việc và đạo đức nghề nghiệp. Giám đốc Rhys Johnson nhận định: “Trong vài năm qua, ngành GD-ĐT Việt Nam đã có nhiều cải cách và đổi mới trong chương trình giáo dục đại học. Các trường ĐH đã và đang xây dựng và giới thiệu chuẩn đầu ra cho sinh viên theo học những ngành khác nhau”.

Bà Lê Thị Hồng Len, Trưởng đại diện ACCA tại Việt Nam khẳng định, ACCA cam kết hợp tác với các tổ chức nghề nghiệp có uy tín trên toàn thế giới để giúp xây dựng ngành kế toán và kiểm toán nhằm phát triển những chuyên gia kế toán, những người tạo ra giá trị cho DN.

Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của xã hội, mối liên kết giữa trường ĐH và DN sẽ cần phải được thắt chặt hơn nữa. Điều quan trọng, về mặt cơ chế chính sách, cũng nên có những chính sách (chẳng hạn giảm thuế) cho những DN liên kết đào tạo. Có thế mối liên kết này mới được bền vững và được khuyến khích.

Lý Hà

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN