Đãi ngộ nhân tài phải đi liền với giám sát, kiểm tra

Bên lề Hội thảo khoa học: “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” do Tạp chí Cộng sản phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia tổ chức ngày 24/8, PGS. TS Lê Văn Cương (ảnh), Phó Chủ tịch Trung ương Hội Phát triển nhân lực, nhân tài Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học Bộ Công an đã trả lời phóng viên giải pháp về phát triển nhân lực, nhân tài cho đất nước.

 

´Ông có ý kiến gì về cơ chế chính sách hiện nay chúng ta đang ban hành để thu hút nhân tài?


Thật ra, cơ chế chính sách đãi ngộ nhân tài của chúng ta đã có rồi nhưng chưa phù hợp. Đơn cử như vấn đề bồi dưỡng cho các cháu học ở trường xiếc Việt Nam. Các cháu lao động cật lực, đổ mồ hôi, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe nhưng việc đãi ngộ thì chưa tương xứng. Hoặc, mức lương giáo sư hiện còn thấp lắm!


 

Giờ học vật lý bằng tiếng Anh của học sinh lớp 10 chuyên vật lý tại trường THPT chuyên ĐH Khoa học tự nhiên. Ảnh: Bích Ngọc – TTXVN

 

Đãi ngộ như hiện nay giống kiểu một đứa bé đang bị sốt mà lại được bôi thuốc đỏ vào đầu gối. Thực ra, đãi ngộ cần đi liền với giám sát kiểm tra, với bộ máy nghiêm chỉnh.


Lâu nay, chuyện chảy máu chất xám trong nhiều lĩnh vực phần lớn là ở những người tài, người giỏi: công nhân giỏi, kỹ sư giỏi, kiến trúc sư giỏi. Đến 99% những người “chạy” khỏi cơ quan nhà nước, cơ quan đảng, doanh nghiệp nhà nước là những người giỏi. Nhiều nơi, người tài giỏi ra đi vì xung đột lợi ích và xung đột giá trị. Những kế toán trưởng giỏi ra làm doanh nghiệp nước ngoài sẵn sàng được trả 15 - 17 triệu đồng/tháng. Trong khi nếu làm trong cơ quan nhà nước chỉ được vài triệu đồng/tháng. Đó là xung đột về lợi ích, về đãi ngộ.


Xung đột thứ hai là xung đột về giá trị. Trong số những người đi khỏi cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng, không phải tất cả vì đồng tiền mà vì xung đột về giá trị. Môi trường làm việc lãnh đạo trọng người thân tín mà bạc đãi những người giỏi, những người có chính kiến riêng.


´Ông từng nói: Nếu học tập và làm việc trong nước, chắc chắn chúng ta không thể có một GS Ngô Bảo Châu. Từ ví dụ này, ông có đánh giá gì về vấn đề môi trường làm việc cho người tài?


Nhà báo Hữu Thọ có nêu vấn đề là lúc trẻ, lúc còn nhỏ tuổi thì rất nhiều người tài, thông minh nhưng tại sao lúc lớn lại ít có người giỏi? Theo tôi, lứa tuổi học sinh, các em có một môi trường có thể phát triển trí tuệ không bị ràng buộc gì cả. Nhưng đến khi đã đi làm, bị chi phối bởi rất nhiều mối quan hệ, nhất là đã làm ở cơ quan nhà nước, phải làm việc, suy nghĩ phần lớn theo ý kiến của lãnh đạo cấp cao nhất. Môi trường tự do lúc này không còn nhiều nữa. Khi môi trường tự do bị thu hẹp thì sức sáng tạo bị thu hẹp. Đó là nguyên lý. Muốn sáng tạo, phải có môi trường dân chủ, tự do. Tất nhiên, tự do về khoa học, xã hội phải có ngưỡng nhất định trong điều kiện có một đảng lãnh đạo.


´Đãi ngộ chưa tương xứng nhưng cũng có lý do là ngân sách của đất nước cũng có giới hạn. Ông có bình luận gì?


Tôi tuyệt đối phản đối chuyện đưa lý do nghèo và thiếu ngân sách trong việc đãi ngộ nhân tài. Đó là ngụy biện. Tôi chỉ lấy một ví dụ, xây 1 km đường cao tốc mất 50 tỷ đồng. Vậy chỉ cần giảm đi 1 km này, chúng ta tha hồ tiền để đãi ngộ nhân tài.


Theo ý kiến cá nhân tôi, muốn đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, việc trước tiên là những người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước phải là những người tâm huyết với sự nghiệp này, mong muốn thiết tha có nhân tài, lắng nghe các nhà khoa học nói, chứ không chỉ nghe riêng từ một bộ, ngành nào. Chưa nghe hoặc nghe “không tới” thì không giải quyết được gì cả.


Xin cảm ơn ông!



Mạnh Minh (ghi)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN