Công tác y tế học đường vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu

Mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng công tác y tế học đường tại Hà Nội vẫn đang còn nhiều tồn tại và vướng mắc. Liên quan đến những vấn đề này, phóng viên TTXVN đã trao đổi với Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh (ảnh) xung quanh những bất cập và giải pháp tháo gỡ khó khăn để nâng cao hiệu quả các hoạt động chương trình y tế học đường, góp phần chăm sóc sức khỏe cho học sinh trên địa bàn thành phố.

 

´Xin ông cho biết một số kết quả Chương trình y tế học đường của thành phố đã đạt được trong thời gian vừa qua?


Từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định đưa công tác y tế học đường (YTHĐ) là Chương trình mục tiêu Quốc gia.


Đối với Hà Nội, có 2.549 trường học các cấp với 1,5 triệu học sinh, chiếm 23% dân số thành phố. Chính vì vậy, công tác y tế học đường được các cấp ủy đảng, chính quyền của thành phố quan tâm chỉ đạo với nhận thức chăm lo cho sức khỏe của học sinh là chăm lo cho thế hệ tương lai của thủ đô và đất nước. Từ năm 2001, Chương trình y tế học đường được đưa vào chương trình mục tiêu y tế cấp thành phố. Để chỉ đạo triển khai công tác y tế học đường, hàng năm Ban Chỉ đạo y tế học đường từ thành phố đến cơ sở được kiện toàn và xây dựng kế hoạch thực hiện công tác này.


 

Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy khám bệnh răng, miệng cho học sinh tiểu học trên địa bàn.

 

Sở Y tế với vai trò là thường trực Ban chỉ đạo y tế học đường thành phố đã tham mưu cho UBND thành phố trong việc xây dựng kế hoạch triển khai công tác y tế học đường và phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đặc biệt là với ngành giáo dục và đào tạo để triển khai công tác y tế trong nhà trường. Hàng năm, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trong ngành tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, cho đội ngũ cán bộ y tế trường học.


Nhiều năm qua, công tác y tế học đường của Hà Nội cũng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.


Công tác quản lý sức khỏe học sinh đã được các trường thực hiện tốt, từ đó có thể theo dõi được học sinh ốm, nghỉ, có hồ sơ theo dõi kết quả khám sức khỏe định kỳ qua các năm học. Theo đó, các trường mầm non có sổ theo dõi chiều cao, cân nặng của trẻ. 100% các trường đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho học sinh. Ngoài ra, còn tư vấn trực tiếp cho học sinh, phụ huynh về các biện pháp phòng bệnh học đường như cận thị, răng miệng, cong vẹo cột sống... Việc tổ chức các mô hình điểm về chăm sóc sức khỏe cho học sinh về nha học đường, mắt học đường, công tác vệ sinh học đường cũng thu được kết quả tốt. Bên cạnh các mô hình điểm, các chương trình y tế nha học đường, mắt học đường, phòng chống tai nạn thương tích học đường và các hoạt động sơ cấp cứu học đường cũng được triển khai có hiệu quả.

 

´Thế nhưng, hiện nay một số bệnh học đường vẫn có xu hướng tăng. Vậy theo ông, công tác y tế học đường đã đáp ứng được yêu cầu thực tế hay chưa?


Mặc dù công tác y tế học đường của Hà Nội đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận được Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá là địa phương thực hiện tốt công tác này. Tuy nhiên, công tác y tế học đường vẫn chưa đáp ứng được với yêu cầu hiện nay. Hiện nay, mặc dù 87,6% trường học đã có cán bộ y tế nhưng trình độ chuyên môn của cán bộ y tế còn nhiều hạn chế vì phần lớn chỉ là y sĩ, điều đưỡng, chỉ một vài trường có bác sỹ. Mặt khác, một số cán bộ y tế trường học còn lúng túng trong triển khai nhiệm vụ và chưa làm tốt việc tham mưu cho lãnh đạo nhà trường trong công tác này. Cơ sở vật chất cho công tác y tế học đường tại một số trường chưa đồng bộ. Kinh phí triển khai các hoạt động chuyên môn chủ yếu từ nguồn mục tiêu quốc gia và thành phố khoảng 1,5 - 2 tỷ đồng/năm và nguồn quỹ bảo hiểm y tế học sinh trích lại cho các trường, kinh phí của các quận, huyện, thị xã cũng như các xã, phường, thị trấn hỗ trợ còn ít, nhiều nơi không có kinh phí cho công tác này. Do đó, việc bố trí kinh phí cho công tác y tế học đường gặp không ít khó khăn.



´Vậy ông có thể cho biết về các giải pháp để khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác y tế học đường là gì?


Thành phố cần có chính sách hỗ trợ cho cán bộ y tế trường học, đặc biệt là thu hút bác sỹ cho các trường học. Còn để nâng cao chất lượng chuyên môn phải tăng cường tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ y tế trường học để triển khai có hiệu quả những nội dung chuyên môn như: khám sức khỏe định kỳ, công tác quản lý sức khỏe học sinh, xây dựng mô hình điểm về y tế học đường, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… Bên cạnh đó, thành phố cũng cần tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học, đặc biệt là chú trọng tới các yêu cầu về quy chuẩn vệ sinh trường học. Cân đối bố trí tăng nguồn kinh phí cho công tác y tế học đường, bao gồm cả kinh phí của thành phố, của quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn cho công tác này. Các trường cũng phải sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí trích lại từ Bảo hiểm y tế học sinh cho công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh.

 

´Riêng về nguồn nhân lực y tế học đường, cần cơ chế chính sách gì để tháo gỡ khó khăn, bất cập, thưa ông?


Để nâng cao chất lượng cán bộ y tế học đường, theo tôi cần tập trung vào những nội dung sau: Đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho UBND thành phố xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cho cán bộ y tế trường học, đặc biệt là thu hút bác sỹ cho các trường học, cử cán bộ y tế đi đào tạo lại và đào tạo bác sỹ, tiếp tục tuyển dụng đủ cán bộ y tế cho các trường.


Xin cảm ơn ông!


Tuyết Mai (thực hiện)

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN