Hàng trăm bài thi trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại Hà Giang bị nâng điểm bằng hành vi gian lận, sửa chữa trên bài làm của thí sinh. Kỳ thi “2 trong 1”, ảnh hưởng tới tương lai của gần một triệu học sinh, với sự tham gia đảm bảo an ninh, chất lượng của hàng ngàn người bỗng chốc nhuốm màu u ám…
Hơn 300 bài thi bị sửa điểm
Tại buổi họp báo
công bố sai phạm trong chấm thi tại Hà Giang ngày 17/7, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết, 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm. Thậm chí có thí sinh được nâng lên 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định. Trong đó có trường hợp thí sinh bị điểm liệt 0,75 điểm môn Hóa học (nghĩa là sẽ trượt tốt nghiệp THPT) được sửa thành điểm giỏi 9,75 điểm.
Ông Mai Văn Trinh thông tin cho báo chí tại buổi họp báo. Ảnh: TTXVN
|
Ông Trinh cũng cho rằng, với các bài thi trắc nghiệm, qua xác minh cho thấy có dấu hiệu nâng kết quả điểm thi của thí sinh.
Bằng các biện pháp kỹ thuật và nghiệp vụ, Tổ công tác của Ban Chỉ đạo thi Trung học phổ thông (THPT) Quốc gia đã xác nhận dữ liệu ảnh quét các phiếu trả lời trắc nghiệm gốc của thí sinh được hoàn thiện trước ngày 3/7 hiện vẫn còn nguyên vẹn, không bị sửa chữa, thay thế. Tuy nhiên, kết quả thi của một số thí sinh có dấu hiệu cao bất thường. Đây chính là dấu hiệu nâng kết quả điểm thi của thí sinh bị can thiệp sau quá trình chấm thi.
Ngày 15/7, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành quyết định về việc thành lập Hội đồng chấm thẩm định bài thi trắc nghiệm kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Hội đồng thi Sở GD-ĐT Hà Giang. Hội đồng chấm thẩm định đã tiến hành chấm tất cả các bài thi trắc nghiệm theo quy định của quy chế thi và cho ra kết quả chênh lệch như đã công bố.
Sau khi Hội đồng chấm thẩm định lại các bài thi trắc nghiệm của thí sinh Hà Giang, nhiều thí sinh ban đầu thuộc top cao nhất nước đều bị giảm điểm, đặc biệt có em rớt tốt nghiệp do bị điểm liệt. Hội đồng chấm thẩm định quyết định kết quả chấm thẩm định được sử dụng để thay thế cho toàn bộ kết quả chấm bài thi trắc nghiệm do Hội đồng thi Sở GD-ĐT Hà Giang công bố ngày 11/7.
Qua xác minh ban đầu cho thấy ông Vũ Trọng Lương, Phó trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT Hà Giang là người trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của TS. Cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ, củng cố hồ sơ để xử lý các cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật.
Đại diện A83 Bộ Công an cho biết, ông Vũ Trọng Lương là người trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của các thí sinh. Ông Lương đã có thời gian từ 12 - 14h38 ngày 27/6 chuyển toàn bộ hòm bài thi trắc nghiệm và máy tính về Phòng Khảo thí. Trong thời gian này, ông Lương đã mở ổ khóa niêm phong, rút bài ở túi và sửa đáp án. Theo quan sát qua camera của Sở GD-ĐT Hà Giang thì hiện tại không thấy có thêm cá nhân nào hỗ trợ ông Lương trong việc thực hiện hành vi này.
Nhiều nghi vấn cần mở rộng điều traĐại diện Bộ GD-ĐT, ông Mai Văn Trinh nhìn nhận: “Tuyệt đại đa số địa bàn trên cả nước, kỳ thi đã diễn ra nghiêm túc, nhưng những điều bất thường như xảy ra ở Hà Giang là những việc vô cùng xấu xí. Ngành giáo dục kiên quyết xử lý nghiêm túc tới cùng. Không thể để một “điểm đen” như vậy làm ảnh hưởng chung tới cả triệu thí sinh, hàng triệu gia đình”.
Trả lời các câu hỏi của báo chí, ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang khẳng định, tỉnh sẽ không né tránh, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm về kết quả điểm thi THPT tại địa phương.
Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 6756 ngày 17/7 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về vấn đề này. Theo đó Thủ tướng ghi nhận, biểu dương Bộ GD-ĐT, Bộ Công an đã kịp thời, khẩn trương rà soát, xác minh kết quả thi bất thường của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hà Giang. Đồng thời Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ GD-ĐT chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm theo đúng quy định của pháp luật. |
Với cương vị là Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo thi THPT Quốc gia 2018 tỉnh Hà Giang, ông Trần Đức Quý cho rằng, hành vi nâng điểm thi cho thí sinh đã vi phạm rất nghiêm trọng trong quy chế thi. Trong khi hàng triệu thí sinh trên cả nước nỗ lực, cần cù học tập với quyết tâm cao thì chỉ bằng hành vi của một cá nhân trong 2 tiếng đồng hồ, kết quả thi của 114 thí sinh đã thay đổi chóng mặt. Điều đó thực sự đáng buồn. Ban Chỉ đạo thi tỉnh Hà Giang đã phối hợp với Đoàn công tác của Bộ GD-ĐT làm việc nghiêm túc, công minh và khách quan để trả lại điểm thực chất cho các em, tạo sự công bằng cho các thí sinh và lấy lại niềm tin cho người dân trong tỉnh và cả nước.
Ông Quý cho rằng, đây là bài học xương máu cho ngành GD-ĐT
Hà Giang. Trong thời gian tới, cùng với sự hỗ trợ của Bộ GD-ĐT, Hà Giang sẽ khắc phục những thiếu sót trên. Về trách nhiệm của người đứng đầu Sở GD-ĐT Hà Giang, quan điểm của UBND tỉnh Hà Giang là trách nhiệm đến đâu, sẽ xử lý đến đó chứ không thoái thác. Tỉnh Hà Giang không dung túng với những việc làm sai.
Thế nhưng vào thời điểm này, rất nhiều nghi vấn vẫn tiếp tục khiến dư luận còn thắc mắc đòi hỏi các cơ quan chức năng phải mở rộng điều tra. Với vụ việc ở Hà Giang, câu hỏi lớn nhất là một mình ông Lương liệu có thể can thiệp vào hàng trăm bài thi, sửa điểm tăng cao theo sự gửi gắm của các phụ huynh thông qua tin nhắn. Theo Tổ công tác của Ban Chỉ đạo thi THPT Quốc gia và tuyển sinh đại học hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng, trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2018, thực nghiệm cho thấy với mỗi trường hợp sửa điểm, ông Lương chỉ mất có 6 giây để can thiệp vào điểm số.
Đại diện A83 cũng nhận định, với một khối lượng lớn các bài thi và chỉ trong 2 tiếng đồng hồ, một mình ông Lương khó có thể hoàn thành công việc này. Với trách nhiệm được giao,
A83 sẽ mở rộng điều tra để truy tìm đồng phạm giúp sức cho ông Lương nếu có.
Thêm những câu hỏi về quy trình chấm các bài thi trắc nghiệm của Bộ GD-ĐT hiện nay, liệu những can thiệp vào điểm số của một cán bộ ngành như trường hợp ở Hà Giang có diễn ra ở các địa phương khác hay ở mùa tuyển sinh trước hay không?
Một quy trình, các điều lệ, nguyên tắc hay thậm chí là hệ thống giáo dục dù vững chắc cũng có thể bị phá hỏng vì những yếu tố con người. Gian lận trong thi cử tiếp tục là những biểu hiện cho căn bệnh thành tích ở các địa phương, vấn đề đã tồn tại trong ngành giáo dục suốt một thời gian dài. Mong muốn của người dân lúc này là làm sáng tỏ vấn đề để không còn những góc khuất nào tồn tại trong vấn đề này.
Kết quả chấm thẩm định cho thấy:
- Có 102 bài thi Toán đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 8,0 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,0; điểm đã công bố là 9,0 điểm)
- Có 85 bài thi Vật lý đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 7,75 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,0; điểm đã công bố là 8,75 điểm) - Có 56 bài thi Hóa đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 8,75 điểm (điểm chấm thẩm định là 0,75; điểm đã công bố là 9,5 điểm) - Có 8 bài thi Sinh đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 4,25 điểm (điểm chấm thẩm định là 4,75; điểm đã công bố là 9,0 điểm) - Có 9 bài thi Lịch sử đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 7,25 điểm (điểm chấm thẩm định là 2,5; điểm đã công bố là 9,75 điểm) - Có 3 bài thi Địa lí đã chênh lên từ 1,25 điểm đến 3,0 điểm (điểm chấm thẩm định là 6,0; điểm đã công bố là 9,0 điểm) - Có 52 bài thi tiếng Anh đã chênh lên từ 1,4 điểm đến 7,8 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,2; điểm đã công bố là 9,0 điểm)
Có tất cả 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định. |