Bộ GD&ĐT phản hồi về sử dụng sách giáo khoa Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Cử tri tỉnh An Giang đã có kiến nghị gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến việc lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Văn Dũng/TTXVN

Theo đó, hiện nay, từng trường học được chọn sách giáo khoa đã gây bất cập, trở ngại cho học sinh và phụ huynh, vì tìm mua sách giáo khoa gặp không ít khó khăn hoặc khi chuyển trường phải mua sách mới theo trường đã đến. Vì vậy, cử tri An Giang đề nghị Bộ tiếp tục nghiên cứu có sự thống nhất và giải pháp tích cực hơn để học sinh yên tâm học tập.

Trả lời về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã quy định: "Sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học".

Luật Giáo dục 2019 quy định: "Sách giáo khoa triển khai chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể hóa yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất, năng lực của học sinh; định hướng về phương pháp giảng dạy, cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; nội dung, hình thức sách giáo khoa không mang định kiến dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, lứa tuổi và địa vị xã hội".

Như vậy, vai trò của sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông mới đã khác so với sách giáo khoa hiện hành. Các sách giáo khoa khác nhau được biên soạn với ngữ liệu, hình ảnh, cấu trúc khác nhau nhưng đều có chung mục tiêu là cụ thể hóa chương trình, nhằm đáp ứng yêu cầu cần đạt đối với từng nội dung giáo dục được quy định trong chương trình.

Sách giáo khoa được ban hành đưa vào sử dụng đều phải được biên soạn, thẩm định theo quy định tại Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ngày 22/12/2017, Thông tư số 23/2020/TT-BGDĐT, Thông tư số 05/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33.

Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội và Luật Giáo dục 2019, Chương trình giáo dục phổ thông là căn cứ pháp lý để sử dụng thống nhất trong tất cả các cơ sở giáo dục phổ thông trên toàn quốc; tại mỗi tỉnh, thành phố sẽ sử dụng ổn định sách giáo khoa do UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn. Học sinh thuộc tỉnh, thành phố nào, sẽ sử dụng sách giáo khoa theo danh mục sách giáo khoa do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đó ban hành. Chỉ có rất ít học sinh do chuyển từ địa phương này sang địa phương khác có thể phải mua sách giáo khoa khác cho phù hợp khi đến địa phương mới.

Về việc gặp nhiều khó khăn trong công tác dạy - học do thiếu sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ: Để chuẩn bị triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới theo lộ trình quy định tại Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa kịp thời cho các địa phương lựa chọn và sử dụng.

Mặc dù vẫn kịp thời để địa phương lựa chọn, các nhà xuất bản tổ chức xuất bản, phát hành nhưng do sách giáo khoa được biên soạn bằng hình thức xã hội hóa, làm cuốn chiếu nên việc biên soạn của các tổ chức, cá nhân còn chậm. Việc thẩm định bị chậm so với kế hoạch vì dịch COVID-19 (không họp được Hội đồng thẩm định theo đúng kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đặt ra). Bộ đã chỉ đạo quyết liệt trong việc phê duyệt danh mục sách giáo khoa để các địa phương, cơ sở giáo dục lựa chọn, các nhà xuất bản phát hành sách giáo khoa.

Đối với sách giáo khoa của lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các địa phương chủ động phối hợp với các nhà xuất bản để nắm bắt nhu cầu số lượng mỗi đầu sách giáo khoa, lên phương án in ấn, phát hành, cung ứng sách giáo khoa đảm bảo phục vụ dạy - học trước thềm năm học mới. Việc cung ứng phát hành sách giáo khoa đã được tổ chức bài bản, khoa học, trách nhiệm, không để xảy ra hiện tượng khan hiếm, thiếu sách giáo khoa, đảm bảo cho học sinh, nhà trường có đủ sách giáo khoa trước khi khai giảng năm học mới.

Đối với sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 để tổ chức dạy học từ năm học 2023 - 2024, hiện nay, Bộ đã phê duyệt để các địa phương lựa chọn. Như vậy, đối với lớp 4, 8, 11, sách giáo khoa đã được phê duyệt sớm hơn 1 tháng so với lớp 3, 7, 10 của năm học trước. Để bảo đảm cung cấp đầy đủ sách giáo khoa của những lớp tiếp theo được biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản chỉ đạo các nhà xuất bản căn cứ vào số lượng đăng ký của các địa phương tổ chức in và phát hành đủ theo nhu cầu cụ thể của địa phương.

Việt Hà  (TTXVN)
Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn nhiều khó khăn
Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn nhiều khó khăn

Chiều 10/2, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ làm việc với đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo, các sở, ngành liên quan về giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN