Ruby Rodriguez, nữ sinh lớp 9 trường trung học phổ thông St. Anthony ở thành phố Milwaukee (Mỹ), vẫn nhớ như in những ngày khi mà định nghĩa “lớp học” tức là đến trường cùng bạn bè và lắng nghe thầy cô giảng bài, không còn đúng như vậy. Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, lớp học đối với Ruby là những giờ ngồi một mình trước màn hình máy tính trong căn bếp, vừa nghe giảng vừa cho chó cưng ăn. Ruby là một trong số hơn 1,7 tỷ học sinh, sinh viên trên khắp thế giới phải học trực tuyến tại nhà vì trường học đóng cửa do dịch bệnh.
Thống kê mới nhất của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) cho thấy đại dịch COVID-19 bùng phát gần 2 năm qua đã làm gián đoạn việc học của trên 1,7 tỷ học sinh, sinh viên tại ít nhất 192 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một năm sau đại dịch, gần 50% học sinh toàn cầu vẫn bị ảnh hưởng vì trường học đóng cửa toàn bộ hoặc một phần. Hiện vẫn có gần 30 quốc gia đóng cửa hoàn toàn trường học. Thực tế này cũng ảnh hưởng tới hơn 100 triệu giáo viên và nhân viên trường học.
Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cho biết năm 2020, các trường học trên toàn cầu phải đóng cửa hoàn toàn trung bình 79 ngày. Tuy nhiên, đối với 168 triệu học sinh, trong đó ít nhất 34 triệu ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, gần như cả năm các em không được tới trường. Tại gần một nửa số quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các trường học đã bị đóng cửa hơn 200 ngày trong thời gian đại dịch. Ở Mỹ Latinh và Caribe, nơi nhiều trường học phải đóng cửa lâu nhất, 18 quốc gia và vùng lãnh thổ vẫn phải đóng cửa một phần hoặc toàn bộ trường học. Ở miền Đông và miền Nam châu Phi, 40% trẻ em trong độ tuổi tới trường hiện phải nghỉ học.
Giám đốc Điều hành UNICEF Henrietta Fore nhấn mạnh những con số này một lần nữa nhắc nhở rằng thế giới đang chứng kiến “tình trạng khẩn cấp về giáo dục” hết sức nghiêm trọng bởi đại dịch đã ảnh hưởng tiêu cực tới quyền học tập và hưởng các phúc lợi xã hội tại trường học, đồng nghĩa với việc tương lai và hạnh phúc của trẻ em cũng chịu tác động.
Các nghiên cứu của UNESCO và UNICEF chỉ rõ trường học đóng cửa càng lâu, nguy cơ trẻ em và thanh thiếu niên mất đi tương lai càng cao. Hơn 100 triệu trẻ em sẽ không đạt được trình độ đọc hiểu thông thạo tối thiểu do tác động của việc đóng cửa trường học. Khoảng 24 triệu trẻ em và thanh niên có nguy cơ bỏ học. Việc đóng cửa trường học cũng làm giảm khả năng tiếp cận các dịch vụ quan trọng về bảo vệ, dinh dưỡng, sức khỏe, nhất là ở các nước chậm phát triển, trường học là nơi cung cấp bữa ăn và dịch vụ y tế thiết yếu cho trẻ em. Ngoài tình trạng “hổng kiến thức”, việc trường học đóng cửa kéo dài cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tinh thần của trẻ em.
Những trẻ dễ bị tổn thương nhất và những em không thể tiếp cận giáo dục từ xa có nguy cơ không bao giờ được trở lại trường học. Đối với trẻ em tại các gia đình có thu nhập thấp, việc đóng cửa trường học làm tăng nguy cơ các em bị buộc phải làm việc, bị bóc lột sức lao động, bị lạm dụng và bạo hành. Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố tháng 6 vừa qua, lần đầu tiên trong 2 thập niên trở lại đây, lao động trẻ em đã tăng, lên 160 triệu, đảo ngược xu thế giảm trước đó. ILO cũng cảnh báo khoảng 9 triệu trẻ em đứng trước nguy cơ phải bỏ học và gia nhập đội ngũ lao động do COVID-19.
Trẻ em gái là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Giám đốc phụ trách chiến dịch và chính sách cho khu vực châu Phi thuộc tổ chức Save the Children quốc tế Eric Hazard cho biết trẻ em gái có nguy cơ cao bị lạm dụng thể xác và trở thành nạn nhân của tình trạng tảo hôn, mang thai ở tuổi vị thành niên… Tại Uganda, từ tháng 3 năm ngoái đến tháng 6 năm nay, tỷ lệ mang thai ở trẻ em gái và phụ nữ trẻ từ 10-24 tuổi đã tăng hơn 20%. Tại Mali, Niger và Nam Sudan, 3 quốc gia có tỷ lệ học sinh nữ nhập học và tốt nghiệp thấp nhất thế giới, hơn 4 triệu học sinh nữ bị thất học do trường đóng cửa. “Giáo dục, an toàn, bạn bè và thực phẩm đã bị thay thế bằng sự lo lắng, bạo lực và mang thai ở tuổi vị thành niên” - người phát ngôn UNICEF James Elder đã mô tả như vậy về tình cảnh của trẻ em ở nhiều nơi bị gián đoạn giáo dục trong thời gian đại dịch.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn lây lan nhanh trên phạm vi toàn cầu, trước thềm mùa tựu trường 2021, UNICEF và UNESCO đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục những nỗ lực đã được khởi động từ năm ngoái để đảm bảo rằng việc học tập của trẻ em không bị dừng lại trong cuộc khủng hoảng chưa từng có này. Thông qua các quan hệ đối tác và đổi mới sâu rộng, các tổ chức của LHQ đã thúc đẩy nhiều chiến dịch, từ việc mở cửa các trường học một cách an toàn khi điều kiện cho phép đến thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số để bảo đảm hiệu quả của mô hình dạy và học trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.
Từ tháng 6 vừa qua, các cơ quan của LHQ cũng đã bắt đầu hợp tác xây dựng một khuôn khổ về cách thức mở cửa lại trường, hướng tới mục tiêu quan trọng nhất là đưa trẻ em trở lại môi trường học tập an toàn hiệu quả nhất. Một trong những giải pháp ưu tiên là tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Ngày 30/8, UNICEF và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến nghị, nêu rõ để có thể mở lại các trường học ở châu Âu và châu Á, giáo viên và nhân viên nhà trường cần nằm trong nhóm ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19. WHO và UNICEF cũng kêu gọi các nước triển khai tiêm vaccine cho trẻ em trên 12 tuổi.
Hiện nhiều nước trên thế giới cũng đang đẩy mạnh việc tiêm vaccine cho giáo viên cũng như triển khai tiêm vaccine cho trẻ em trước năm học mới. Tại Mỹ, 50% trẻ em từ 12-17 tuổi đã được tiêm ít nhất một liều vaccine. Ở châu Âu, Italy, Đức, Pháp,Estonia, Đan Mạch đang khuyến khích tiêm chủng cho trẻ em trong độ tuổi 12-18 tuổi trước khi năm học mới bắt đầu. Israel cũng thông báo sẽ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho học sinh tại sân trường nếu được sự cho phép của phụ huynh, ngay khi các trường học bắt đầu mở lại từ ngày 1/9. Khoảng 30% số trẻ em từ 12-15 tuổi tại Israel đã được tiêm đủ liều vaccine, ít hơn nhiều so với các nhóm tuổi khác.
Tại châu Á, Trung Quốc đang tổ chức tiêm vaccine cho học sinh 12-17 tuổi. Nhằm chuẩn bị triển khai kế hoạch học tập trực tiếp tại trường có giới hạn, từ đầu tháng 7, Chính phủ Indonesia đã đẩy nhanh chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 26.705.490 học sinh từ 12-17 tuổi. Thái Lan đã tiêm vaccine cho hơn 600 nghìn trong số 900 nghìn giáo viên và Bộ Giáo dục nước này dự định tiêm vaccine của Pfizer cho hơn 4 triệu học sinh từ 12 - 18 tuổi trên toàn quốc vào tháng 9.
Tại Việt Nam, giáo viên nằm trong nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine trước. Chính phủ cũng có chủ trương đưa ra các giải pháp đảm bảo an toàn trường học gắn với tiêm vaccine. Tại Hội nghị toàn quốc về triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 ngày 28/8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các bộ ban ngành nghiên cứu, sớm triển khai tiêm vaccine cho trẻ em để học sinh có thể trở lại học bình thường.
Bên cạnh tiêm vaccine, các nước cũng áp dụng một loạt biện pháp phòng chống dịch ở trường học theo khuyến nghị của WHO và UNICEF, như cải thiện môi trường trường học, cải tạo hệ thống thông gió, chia nhỏ lớp học, thực hiện giãn cách xã hội, cũng như xét nghiệm COVID-19 thường xuyên cho trẻ em và nhân viên nhà trường. Chính phủ liên bang Đức thông báo hỗ trợ các bang ở nước này 200 triệu euro để trang bị hệ thống lọc không khí cơ động trong trường học và nhà trẻ nhằm duy trì việc học tại trường cho các em vào mùa Thu và mùa Đông. Theo Bộ Kinh tế liên bang Đức biện pháp này sẽ giúp bảo vệ trẻ em dưới 12 tuổi ở các trường học và nhà trẻ - những đối tượng hiện chưa có vaccine phòng COVID-19.
Tại Mexico, trên 25 triệu học sinh mầm non, tiểu học và trung học đã quay lại trường ngày 30/8 sau gần 18 tháng tạm nghỉ. Nhà trường không tổ chức lễ khai giảng. Mỗi lớp học được chia làm 2 nhóm để đảm bảo khoảng cách an toàn, thời gian mỗi tiết học không quá 45 phút, tất cả các lớp học phải mở cửa thông gió, các bàn học đảm bảo khoảng cách ít nhất 1,5 mét, toàn bộ học sinh bắt buộc phải đeo khẩu trang, rửa tay liên tục và nghiêm cấm chạm, sử dụng hoặc cho mượn bất kỳ tài liệu và vật dụng cá nhân nào.
Cùng ngày, khoảng 6 triệu học sinh ở Saudi Arabia lần đầu tiên trở lại trường học kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này, trong đó các học sinh phải đeo khẩu trang và kiểm tra thân nhiệt trước khi vào lớp, học sinh từ 12 tuổi trở lên phải trình giấy chứng nhận đã tiêm phòng. Tại trường học, giờ nghỉ giải lao và các hoạt động liên quan tới hoạt động thể chất ở cự li gần đều bị huỷ bỏ.
Theo các chuyên gia về giáo dục, mặc dù tồn tại nguy cơ lây nhiễm cao, song việc quay trở lại lớp học là cần thiết để bù đắp kiến thức cũng như tạo sự hòa nhập xã hội trở lại đối với học sinh. Bởi vậy, LHQ khuyến khích các nước sớm đưa học sinh trở lại trường học khi điều kiện cho phép. Bên cạnh đó, mô hình giáo dục kết hợp trực tiếp và trực tuyến trên các nền tảng công nghệ đã và đang được áp dụng trong tình hình đại dịch COVID-19, để vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch cho giáo viên và học sinh khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, vừa bảo đảm trẻ em “dừng đến trường không dừng việc học”.
Bài cuối: Thu hẹp khoảng cách về kỹ thuật số