5 năm tới, cử nhân kinh tế sẽ khó xin việc

Bộ GD - ĐT vừa công bố cơ cấu ngành nghề trong đào tạo nhằm tư vấn cho thí sinh, phụ huynh lựa chọn ngành nghề phù hợp, đáp ứng nhu cầu xã hội. Theo dự báo này, trong khoảng 5 năm tới, sinh viên tốt nghiệp nhóm ngành kinh tế sẽ khó xin việc.

Sẽ có dự báo ngành nghề xã hội cần

Theo thống kê của Bộ GD - ĐT, năm 2011, các khối ngành kinh tế chiếm áp đảo về số lượng thí sinh trúng tuyển. Có 248 trường ĐH, CĐ trên tổng số 416 trường đã tuyển sinh 1 trong 4 nhóm ngành: kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng, kế toán. Liên tục trong 3 năm trở lại đây, số lượng hồ sơ ĐKDT vào những nhóm ngành này chiếm gần 41% so với tổng số hồ sơ ĐKDT. Nắm bắt nhu cầu của thí sinh, phụ huynh, trong những năm gần đây không ít trường đã mở ngành mới có tên trong những nhóm ngành nêu trên. Thậm chí, chỉ tiêu phân bổ cho các nhóm ngành: kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng, kế toán chiếm gần 40%, trong tổng số khoảng vài trăm ngành đào tạo của hệ thống giáo dục ĐH. Thực trạng này diễn ra trong những năm gần đây khi đa số học sinh, phụ huynh đều cho rằng: “Học những ngành này sẽ dễ xin việc và mức lương cao”.

Bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Ngoại thương bày tỏ, trường vẫn có 100% nhu cầu đào tạo cả 9 ngành, nhưng những năm gần đây, thí sinh nộp đơn nhiều nhất vào ngành kinh tế đối ngoại, sau đó là ngành tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh; các ngành ngoại ngữ thương mại nhận được ít hồ sơ đăng ký hơn. Trước thực trạng này, ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng: “Nếu không có một định hướng tốt về đào tạo, chỉ khoảng hai khóa học nữa, sinh viên các ngành tài chính, ngân hàng khó mà tìm được việc làm”.

Khi cán cân ngành nghề nghiêng hẳn về các ngành kinh tế trong khoảng 4 năm trở lại đây thì trong mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012, Bộ GD - ĐT đã phải siết chặt chỉ tiêu với các ngành này. Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga cho biết, năm 2012, Bộ GD - ĐT đã cho tất cả các trường chỉ được đăng ký 184.300 chỉ tiêu ngành kinh tế, tài chính - ngân hàng trong tổng số 576.000 chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ nhằm kéo chỉ tiêu cho khối ngành này xuống dưới 32%. Nếu số lượng thí sinh vào học những ngành trên tiếp tục tăng qua các năm và vượt ngưỡng 50% thì tình trạng khó xin việc làm sau khi ra trường là tất yếu.

Tại buổi đối thoại với nhân dân, trả lời câu hỏi về hiện trạng mất cân đối ngành nghề, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định, Bộ GD - ĐT đang rà soát toàn bộ những trường hiện có, có cảnh báo cụ thể những ngành nào khuyến khích tạo điều kiện để mở và những ngành nào ở đâu sẽ không cho mở nữa. Đó chính là lý do Bộ GD - ĐT đã giao dần quyền tự chủ chỉ tiêu, quyền thẩm định nội dung chương trình cho các trường, nhưng riêng quyết định mở ngành, tất cả các trường đang và sẽ tiếp tục buộc phải xin phép và chờ Bộ thông qua. Trong thời gian tới, Bộ GD - ĐT sẽ công khai trên mạng Internet số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào các ngành nghề, khu vực, số lượng đang học, sắp ra trường để thí sinh tìm lựa ngành nghề xã hội thật sự đang cần, đang thiếu.

Giải pháp vẫn là tư vấn hướng nghiệp

Theo một chuyên gia tuyển sinh, muốn giảm tình trạng này thì việc đầu tiên là phải làm tốt công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông. Bên cạnh đó, cần có các trung tâm dự báo nguồn nhân lực quốc gia, kết hợp với các bộ, ngành để hoạch định kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho cả nước và từng vùng miền. Điều này sẽ giúp học sinh có những lựa chọn phù hợp. Các trường ĐH, CĐ cũng cần xây dựng những thông tin ngành nghề một cách chi tiết mà trong đó yếu tố để học tốt ngành đào tạo cần phải được đặt lên hàng đầu.


Theo thầy Nguyễn Sĩ Khiêm, Hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn thì hiện nay chưa có trường ĐH, CĐ nào đào tạo giáo viên về công tác hướng nghiệp. Thường nhiệm vụ này được giao cho các thầy cô giáo, đặc biệt là những giáo viên chủ nhiệm. Vì thế muốn làm tốt công tác này, các giáo viên phải tự học để trang bị cho mình các tri thức và kỹ năng hướng nghiệp như kỹ năng trò chuyện, kỹ năng thấu cảm, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng quyết định vấn đề... để đưa ra lời khuyên hợp lý. Bên cạnh đó, với sự phát triển đa dạng của thông tin, Internet, bản thân học sinh cũng nên chủ động tìm hiểu các thông tin hướng nghiệp từ các trường ĐH, CĐ.

Tuy nhiên, thực tế hướng nghiệp trong trường phổ thông vẫn còn manh mún, chưa được tổ chức thành hệ thống. Vì vậy việc lựa chọn ngành nghề của học sinh còn chưa thực sự “trúng” với yêu cầu về nguồn nhân lực của đất nước.

Lê Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN