Đờn ca tài tử là một loại hình nghệ thuật văn hóa đặc sắc lâu đời của người dân Nam bộ, bắt nguồn từ nhạc lễ và nhạc cung đình Huế, được sáng tạo thêm nhiều điệu thức mới, dựa trên nền của âm nhạc dân gian Nam bộ.
Đây là dòng âm nhạc tài tử đặc trưng, độc đáo, thể hiện được tâm lý, tình cảm và đời sống của người Nam bộ.
Trong nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị của đờn ca tài tử, tỉnh Vĩnh Long đang tích cực thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, lập hồ sơ khoa học về đờn ca tài tử Nam bộ, đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới.
Biểu diễn đờn ca tài tử tại buổi tọa đàm về nghệ thuật đờn ca tài tử tại Vĩnh Long tháng 12/2010. Ảnh: Phạm Thị Bình |
Dòng nhạc đờn ca tài tử ra đời từ rất sớm ở Nam bộ, phát triển mạnh ở các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Đồng Tháp, Long An và trở thành một bộ phận âm nhạc truyền thống của vùng đất này, gắn liền với đời sống sinh hoạt văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Theo ông Nguyễn Xuân Hoanh, Phó Giám đốc Bảo tàng Vĩnh Long, nếu nhạc Huế là loại nhạc thính phòng có lời ca, âm điệu hoàn chỉnh, mang tính chất cổ điển, gần với nhạc cung đình, thì đờn ca tài tử Nam bộ có thể xem là nhạc thính phòng Nam bộ, nhưng có phong cách tự do, phóng túng, gần với dân gian hơn.
Đờn ca tài tử Nam bộ là loại hình nghệ thuật đan xen giữa tính chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, biểu hiện bằng tiếng đờn (đàn), lời ca, phục vụ nhu cầu giải trí của người dân, nhưng không kén chọn và không đòi hỏi tính sân khấu cao.
Đờn ca tài tử Nam bộ có thể diễn ra bất cứ lúc nào, nơi nào: Quanh chiếc chiếu, bên bàn tròn, trên ghe, xuồng xuôi ngược trên sông hoặc đan xen trong các chương trình lễ, hội của đình, chùa, xóm quê…
Đây là một trong những nét độc đáo mà không dòng âm nhạc nào có được. Đờn ca tài tử Nam bộ có các loại nhạc cụ tiêu biểu, đặc sắc mang tính dân tộc độc đáo như đờn kìm, đờn tranh, đờn cò, đờn bầu, song loan (loại phách tre cổ xưa), đờn xến…
Riêng tại Vĩnh Long, phong trào đờn ca tài tử phát triển rất mạnh. Toàn tỉnh hiện nay đang có 148 câu lạc bộ, đội, nhóm đờn ca tài tử, thu hút 506 nghệ sĩ, nghệ nhân và trên 770 thành viên tham gia.
Trà Ôn và Bình Minh được xem là những cái nôi đầu tiên phát triển phong trào đờn ca tài tử và các CLB, tổ, nhóm đờn ca tài tử đang hoạt động mạnh. Phạm vi, đối tượng phục vụ không ngừng được mở rộng, từ đám hỏi, đám cưới, đám tang, đám giỗ, lễ mừng thọ… của gia đình đến các ngày lễ hội, hội nghị các cấp các ngành; phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa văn nghệ của du khách, kể cả khi trên tàu, đò xuôi ngược trên sông.
Các CLB, tổ, nhóm đờn ca tài tử ở Vĩnh Long thu hút những người cùng sở thích. Họ gặp gỡ, ca hát giao lưu với nhau. Thông thường, các CLB, tổ nhóm này sinh hoạt tại nhà riêng của các thành viên trong nhóm, có khi đan xen trong các chương trình lễ hội của địa phương, của khu vực.
Đặc biệt, thời gian gần đây, các huyện, thành phố trong tỉnh Vĩnh Long thường xuyên tổ chức hội thi, hội diễn, liên hoan về đờn ca tài tử. Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Vĩnh Long phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình đã tổ chức định kỳ (2 năm một lần) được 4 kỳ Hội thi giọng ca cải lương Út Trà Ôn – tên của nghệ sĩ cải lương nổi tiếng của huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.
Mỗi kỳ hội thi đã thu hút hàng trăm giọng ca cải lương trong, ngoài tỉnh tham dự, góp phần rất lớn vào việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa độc đáo đờn ca tài tử Nam bộ.
Để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của đờn ca tài tử, theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5, khóa 8, Trường Nghiệp vụ văn hóa tỉnh Vĩnh Long đã mở nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng cho các nghệ nhân làm nòng cốt cho phong trào đờn ca tài tử của các huyện, thành phố và xã, thị trấn.
Liên quan đến việc hoàn chỉnh hồ sơ khoa học về đờn ca tài tử Nam bộ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới, đến ngày 25/10/2010, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh đã hoàn tất việc thu thập các thông tin của các cá nhân, tập thể, chính quyền các cấp.
Sở cũng tổ chức hội thảo về “nghệ thuật đờn ca tài tử trong đời sống hôm nay” và đang hoàn tất các khâu còn lại để chuyển hồ sơ về Bộ trong thời gian sớm nhất.
Phạm Thị Bình