Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 4 bài viết về "Xây dựng hệ sinh thái du lịch phát triển bền vững" nhằm ghi nhận những kết quả đạt được trong phục hồi và phát triển du lịch bền vững, giới thiệu những sản phẩm, dịch vụ nổi bật, góp phần thúc đẩy ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung trong giai đoạn mới.
Bài 1: Bứt phá hậu COVID-19
Thực hiện thành công chương trình “Mỗi quận huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng” là một trong những điểm nhấn nổi bật trong năm 2022 của ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, qua đó không chỉ thể hiện nỗ lực triển khai tốt vai trò là trung tâm du lịch lớn nhất nước mà còn tích cực đổi mới sáng tạo với chuỗi sản phẩm tôn vinh các giá trị văn hóa - lịch sử - kiến trúc và nhịp sống hiện đại của Thành phố Hồ Chí Minh để mang lại nhiều điểm đến cho du khách.
Chương trình du lịch "mẫu"
Theo thống kê, đến nay ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã giới thiệu hơn 60 sản phẩm thuộc chương trình “Mỗi quận huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng”. Trong đó, 30 sản phẩm mới của 20/22 quận, huyện phục vụ du khách đi và về trong ngày, cùng với những sản phẩm vụ phục du khách từ 2 ngày đến 1 tuần vào dịp nghỉ, lễ như Tết Quý Mão 2023.
Báo cáo của Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, chương trình “Mỗi quận huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng” đã đạt được kết quả bước đầu tích cực, phát huy được thế mạnh và bản sắc du lịch của thành phố. Thông qua chương trình này, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng được những chương trình du lịch "mẫu", thúc đẩy yếu tố liên kết và sự cộng hưởng trách nhiệm từ sở, ngành... đến quận, huyện, doanh nghiệp.
Điển hình như Ủy ban nhân dân Quận 10 ra mắt sản phẩm du lịch đặc trưng “Đến Quận 10 - Nghe kể chuyện Đông Y” và “Quận 10 - Nơi lịch sử ghi dấu”. Kết quả này có được là nhờ địa phương đẩy mạnh thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố về chương trình “Mỗi quận huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng” và chương trình xây dựng các sản phẩm du lịch “Thành phố Hồ Chí Minh - Thành phố tôi yêu” do Sở Du lịch thành phố phát động.
Địa bàn Quận 10 có nhiều điểm tham quan, giáo dục truyền thống, tổ chức hoạt động về nguồn, nhất là cho thế hệ trẻ như Bia truyền thống Vườn Lài, Bia tưởng niệm cố Tổng Bí thư Trần Phú, Hầm bí mật của Cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ Quốc đoàn (Di tích lịch sử), Hầm bí mật chứa vũ khí thời kháng chiến chống Mỹ (Di tích lịch sử)... Ngoài ra, còn có các cơ sở ẩm thực nổi tiếng gồm: Phố chuyên doanh ẩm thực tại khu vực Hồ Thị Kỷ, ẩm thực đường Nguyễn Tri Phương, khu vực kỳ đài Quang Trung...
Một sản phẩm khác cũng mới đưa vào phục vụ người dân và du khách là sản phẩm du lịch cộng đồng tại Thiềng Liềng ở xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ. Đây là sản phẩm khai thác hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ, cùng với những giá trị tự nhiên khác như làng nghề truyền thống, bản sắc văn hóa của người dân bản địa và cộng đồng dân cư tại Thiềng Liềng. Ở giai đoạn này, du lịch cộng đồng Thiềng Liềng có 16 điểm đến gồm: 8 điểm đến cung cấp ẩm thực địa phương, 3 điểm đến cung cấp dịch vụ tham quan, hai điểm đến phục vụ đờn ca tài tử, một điểm cung cấp dịch vụ lưu trú homestay, một điểm văn hóa tâm linh và một điểm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe - thư giãn.
Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ cho hay, sản phẩm du lịch cộng đồng tại Thiềng Liềng là mô hình du lịch phát triển trên cơ sở khai thác năng lực của cộng đồng dân cư kết hợp với tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa của địa phương, do cộng đồng dân cư địa phương xây dựng và quản lý. Đây là sản phẩm được hiện thực hóa từ chiến lược phát triển sản phẩm du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh, định hướng phát triển huyện Cần Giờ của Ban Thường vụ Thành ủy và nhằm khai thác, phát huy có hiệu quả Khu Dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ cũng như Chiến lược phát triển kinh tế biển đảo của Chính phủ. Bên cạnh đó, điểm đến du lịch cộng đồng Thiềng Liềng góp phần tăng thêm sản phẩm du lịch đặc trưng và khác biệt nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh, thu hút du khách đến Thành phố Hồ Chí Minh.
Gắn kết tài nguyên du lịch
Chiến lược phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 xác định: thành phố có 3 nhóm sản phẩm du lịch gồm: sản phẩm du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch chính và sản phẩm du lịch bổ trợ nhằm đảm bảo sự đa dạng và sự khác biệt trong hệ thống sản phẩm du lịch.
Theo đánh giá của ngành Du lịch thành phố, xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch chất lượng cao, có bản sắc trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh và tài nguyên du lịch độc đáo của thành phố và những giá trị tài nguyên du lịch nổi trội của Thành phố Hồ Chí Minh là nội dung quan trọng có tính quyết định đến việc định vị thương hiệu và thu hút du khách đến với thành phố mang tên Bác.
Vì vậy, ngành Du lịch thành phố đã gắn phát huy lợi thế của hệ thống cơ sở vật chất phong phú, hệ sinh thái doanh nghiệp du lịch đa dạng, thị trường nguồn hàng đầu của đô thị là trung tâm kinh tế của Việt Nam - nơi có nhiều cơ hội kinh doanh mới cùng với lợi thế của thành phố là trung tâm kết nối các chuyến bay từ các nước đến các điểm đến nội địa quan trọng. Hơn thế nữa, Thành phố Hồ Chí Minh hướng tới mục tiêu trở thành một trung tâm mua sắm trong khu vực nên sự đa dạng của các cửa hàng độc lập, mạng lưới chợ đêm, trung tâm mua sắm hiện đại... đang dần nâng cao chất lượng, đáp ứng được yêu cầu trải nghiệm cho mọi đối tượng khách du lịch.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trưởng Phòng Quy hoạch Phát triển tài nguyên du lịch, Sở Du lịch Thành phố hồ Chí Minh cho biết, ngành Du lịch thành phố định hướng tập trung phát triển nhóm sản phẩm đặc thù với sản phẩm du lịch đường thủy, du lịch giải trí và hoạt động về đêm, du lịch sự kiện - lễ hội, bên cạnh nhóm sản phẩm chính như du lịch sinh thái - du lịch cộng đồng, tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, MICE, ẩm thực, mua sắm...
Ngoài ra, sản phẩm du lịch bổ trợ của Thành phố Hồ Chí Minh có thể kể đến là du lịch y tế trên cơ sở phát huy lợi thế của hệ thống các cơ sở y tế công lập và tư nhân với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ nhân lực y tế và chất lượng dịch vụ hàng đầu cả nước. Để đảm bảo phát triển du lịch bền vững, sản phẩm du lịch cần được phát triển có hệ thống và phân bổ nguồn lực hợp lý. Cụ thể, kinh phí xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch dựa trên nguồn lực xã hội hóa; ngân sách nhà nước hỗ trợ nâng cấp, phát triển hệ thống giao thông tiếp cận các điểm tiềm năng để phát triển sản phẩm du lịch và hỗ trợ cho hoạt động xúc tiến quảng bá những sản phẩm du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch chính.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Marketing, Công ty TST tourist cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh là thị trường cung cấp lượng du khách lớn đến cả nước, nơi có những thương hiệu lữ hành hàng đầu và là điểm kết nối du khách quốc tế đến cả nước. Trong giai đoạn vừa qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã phát huy thế mạnh là điểm đến hấp dẫn, độc đáo và đẳng cấp với những sản phẩm du lịch nội đô tạo được ấn tượng với du khách như trực thăng, khinh khí cầu, du lịch cộng đồng... Ngành Du lịch chủ động trong công tác quảng bá thương hiệu du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và hệ thống sản phẩm hướng đến mục tiêu thu hút du khách lưu trú, trải nghiệm thành phố không ngủ và tham gia điểm đến nội đô.
Công tác quy hoạch và phát triển ngành Du lịch thành phố tiếp tục đảm bảo mục tiêu mang lại trải nghiệm mới lạ, không ngừng kích thích nhu cầu và liên tục làm mới hình ảnh du lịch Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, ngành Du lịch thành phố mang tên Bác tăng cường liên kết đa ngành, tạo chiều sâu và nâng chất sản phẩm hơn nữa. Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh là vùng đất lịch sử, văn hóa vô cùng độc đáo và ấn tượng bởi nhiều lớp giá trị, không chỉ tồn tại với hình hài những công trình kiến trúc, những hiện vật hữu hình mà tài nguyên du lịch bản địa còn có thể kể đến những câu chuyện, con người đã gắn liền với vùng đất này.
Bài 2: Vượt rào cản thiếu hụt nguồn nhân lực