Trà Vinh khai thác nét đặc trưng văn hóa Khmer để hút khách

Nằm ở kh vực Đồng bằng sông Cửu Long, Trà Vinh là tỉnh có nhiều người Khmer sinh sống. Do đó, tỉnh xác định khai thác nét đặc trưng văn hoá Khmer kết hợp với du lịch cộng đồng để thu hút khách.

Khai thác nét văn hoá đặc trưng

Trà Vinh có 30% đồng bào Khmer sinh sống, tạo nên những nét văn hoá đặc trưng đang được tỉnh tập trung khai thác.  Khi đến Trà Vình, nhiều du khách đều muốn tìm hiểu về chùa Khmer với kiến trúc độc đáo. Du khách thường đến Làng Văn hóa du lịch Khmer Trà Vinh. Tại đây, du khách được trải nghiệm chuỗi liên kết khu du lịch di tích danh thắng Ao Bà Om; di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Âng; Bảo tàng Văn hóa dân tộc...

Chú thích ảnh
Chùa Vàm Ray tại huyện Trà Cú, Trà Vinh.

Bên cạnh đó, du khách có thể tìm hiểu và check-in tại chùa Hang, chùa Vàm Ray... với kiến trúc độc đáo. Anh Thạch Chầm Rone (huyện Trà Cú, Trà Vinh), người Khmer, giới thiệu với chúng tôi: Chùa của người Khmer là những công trình văn hoá – nghệ thuật đặc sắc. Mọi sinh hoạt của người Khmer đều gắn với chùa.

Do đó, xác định loại hình du lịch đặc trưng là du lịch văn hóa mang nét đặc trưng văn hóa Khmer, tỉnh Trà Vinh đã xây dựng Đề án Làng Văn hóa - Du lịch Khmer tại Khu Văn hóa - Du lịch ao Bà Om và vùng phụ cận thuộc huyện Châu Thành, hình thành tuyến du lịch văn hóa, sinh thái huyện Trà Cú - Cầu Kè nhằm khai thác tiềm năng và lợi thế, tạo đột phá phát triển du lịch trong những năm tới.

Chú thích ảnh
Cổng chùa Vàm Ray gây ấn tượng bởi quy mô to lớn.
Chú thích ảnh
Nghệ thuật kiến trúc đặc sắc xung quanh chùa.
Chú thích ảnh
Đây là những địa điểm du khách thường thích check-in.

Mới đây, tỉnh Trà Vinh tổ chức Tuần lễ Văn hóa, Du lịch - Liên hoan ẩm thực Nam Bộ gắn với Lễ hội Ok Om Bok năm 2022 từ ngày 2 - 8/11. Đây là sự kiện nhằm bảo tồn văn hóa dân tộc và kích cầu du lịch của địa phương.

Tuần lễ Văn hoá, Du lịch gắn với Lễ hội Ok Om Bok diễn ra với nhiều hoạt động phong phú, mang đến những cảm xúc mới mẻ và ấn tượng với người dân và du khách sau 2 năm gián đoạn. Với nhiều hoạt động nổi bật, như: Không gian bánh dân gian và ẩm thực vùng miền; hội chợ xúc tiến thương mại và công nghiệp nông thôn; hội chợ giới thiệu, tôn vinh sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề tỉnh Trà Vinh, các gian hàng trưng bày sản phẩm đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer... Cùng với đó, là Đêm Lễ hội Ok Om Bok mang đậm nét văn hóa truyền thống của Khmer tỉnh Trà Vinh.

Chú thích ảnh
Thả đèn hoa đăng tại Ao Bà Om trong đêm lễ hội Lễ hội Ok Om Bok. 

Theo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh, từ năm 2017 đến nay, ngoài các điểm du lịch cộng đồng, tỉnh còn xây dựng 6 mô hình du lịch sinh thái - văn hóa dừa sáp, cù lao Tân Qui, homestay (huyện Cầu Kè), chế tác mão mặt nạ, may trang phục truyền thống Khmer, đặc sản quê (huyện Trà Cú), 9 nhà hàng ẩm thực đặc trưng kết hợp bán đặc sản, hàng lưu niệm tại huyện Trà Cú, Cầu Kè, Châu Thành, thị xã Duyên Hải và thành phố Trà Vinh. Đồng thời, hoàn thành và đưa vào sử dụng công trình hạ tầng Khu Du lịch biển Ba Động…

Nhờ đó, trong 10 tháng năm 2022, Trà Vinh đón hơn 1 triệu lượt khách, đạt 185% kế hoạch năm. Trong đó, có 12.885 lượt khách quốc tế, đạt 138,5% kế hoạch năm, 1.004.272 lượt khách nội địa; khách lưu trú đạt 263.625 lượt (đạt 120% Kế hoạch năm). Tổng doanh thu đạt 619,203 tỷ đồng (đạt 326% kế hoạch năm)…

Liên kết các tỉnh, thành

Tỉnh Trà Vinh xác định liên kết với các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh tạo sự đa dạng sản phẩm du lịch. Tỉnh đã ký kết với TP Hồ Chí Minh, Hà Nội về liên kết quảng bá xúc tiến du lịch, tổ chức cho các doanh nghiệp du lịch khảo sát các tuyến điểm du lịch của tỉnh để kết nối du lịch.

Dự kiến, từ nay đến năm 2024, tỉnh Trà Vinh thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư dự án du lịch tại Khu Du lịch biển Ba Động, Làng Văn hóa - Du lịch Khmer, trùng tu, tôn tạo các di tích, tổ chức lễ hội, nhà hàng, khách sạn, điểm mua sắm, vui chơi, giải trí... tạo thêm sản phẩm, dịch vụ du lịch đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du khách. Song song đó, tỉnh mời gọi đầu tư Khu Du lịch sinh thái cù lao Tân Qui, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè; Khu Du lịch sinh thái nông trường 22/12 xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải; khu ở kết hợp thương mại, dịch vụ, văn hóa, du lịch Ao Bà Om.

Chú thích ảnh
Giới thiệu nghề thuật truyền thống tại bảo tàng Khmer tỉnh Trà Vinh.
Chú thích ảnh
Dàn nhạc truyền thống của người Khmer.
Chú thích ảnh
Người dân, du khách tìm hiểu hiện vật tại bảo tàng Khmer tỉnh Trà Vinh.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh, thực hiện kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, UBND tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp như: Phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; triển khai nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; phát triển và đa dạng hóa thị trường khách du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch và hợp tác, hội nhập quốc tế về du lịch; tăng cường quản lý nhà nước về du lịch.

Tỉnh Trà Vinh phấn đấu đến 2025 đón hơn 1,7 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 30.000 lượt khách quốc tế; tổng thu từ du lịch trên 930 tỷ đồng. 

Bài, ảnh, clip: Xuân Minh/Báo Tin tức
Đưa hình ảnh áo dài thành ‘đại sứ du lịch'
Đưa hình ảnh áo dài thành ‘đại sứ du lịch'

Ngày 26/11, tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Sở Du lịch Hà Nội đã họp báo thông tin về Lễ hội áo dài du lịch Hà Nội 2022 sẽ được tổ chức từ ngày 2-4/12 tại tuyến phố đi bộ hồ Gươm. Lễ hội chuyển tải thông điệp hình ảnh chiếc áo dài từ “đại sứ văn hóa” dần trở thành “đại sứ du lịch” và là một sản phẩm du lịch đặc trưng của Hà Nội, Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN