Theo phản ánh của doanh nghiệp du lịch, để thu hút, lôi kéo khách, có những đơn vị làm du lịch đã bán tour dưới giá thành, thậm chí là tour 0 đồng cho những khách đoàn Trung Quốc, Hàn Quốc. Để bù lỗ, các đơn vị này sẽ đưa khách đến nhà hàng, khách sạn, điểm mua sắm đã được chỉ định với giá cao "ngất ngưởng".
Đơn cử như tại Bãi Cháy, Hùng Thắng, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) có những điểm bán hàng chỉ dành riêng cho khách Trung Quốc. Theo các HDV du lịch tiếng Trung, đây chính là điểm bán hàng với giá cao "ngất ngưởng" nói trên.
Theo Tổng cục Du lịch, năm 2016, thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm 42% tổng thị phần khách quốc tế đến Việt Nam, nếu tính cả khách từ thị trường Đài Loan (Trung Quốc), con số này xấp xỉ 50%. |
Bên cạnh đó, các địa phương như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc…là những điểm đến mới, có sức hút đặc biệt, khách quốc tế đến chủ yếu qua các chuyến bay charter. Năm 2016, khách du lịch Trung Quốc đến Nha Trang và Đà Nẵng đạt hơn 800.000 lượt, Hàn Quốc đạt xấp xỉ 500.000 lượt người. Việc bùng nổ về số lượng khách này có nguyên nhân là khách đi theo tour giá rẻ, thậm chí tour 0 đồng, khiến cho chính quyền địa phương, các nhà quản lý, doanh nghiệp quan ngại về chất lượng dịch vụ, hình ảnh điểm đến và nguồn thuế thất thu.
Trước phản ánh của báo chí, mới đây Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) xung quanh việc báo chí phản ánh về những điểm bán hàng tại Bãi Cháy, Hùng Thắng, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) là nơi tạo nguồn thu chính để nuôi hệ thống đón khách du lịch đường bộ Trung Quốc với giá tour 0 đồng; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Tăng cường giải pháp tổng thể
Ngành du lịch Việt Nam cũng đang đề xuất một số giải pháp để giải quyết những bất cập từ loại hình tour giá rẻ và tour 0 đồng. Theo đó, Tổng cục Du lịch và các địa phương sẽ phối hợp quản lý tốt các công ty lữ hành, nghiêm cấm hành vi “mua đoàn” hoặc bán lại đầu khách cho hướng dẫn viên, nếu bị phát hiện sẽ tước giấy phép hành nghề hướng dẫn và giấy phép lữ hành quốc tế.
Với các điểm mua sắm, cần được gắn biển đạt chuẩn, đảm bảo khách không mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Hàng năm sẽ tiến hành xếp hạng, đánh giá các cơ sở mua sắm này thông qua đánh giá và khiếu nại của khách. "Thực tế cho thấy, trong khi chúng ta khó lòng khiến khách từ các thị trường khác rút hầu bao mua sắm thì khách du lịch Trung Quốc lại có khả năng mua sắm rất cao, họ mua bất kỳ những gì có gắn mác “made in Vietnam” khi đến Nha Trang", đại diện Tổng cục Du lịch cho biết.
Nguy cơ từ tour 0 đồng dễ phát sinh những khiếu kiện từ du khách, do đó, tại các địa phương có nhiều loại hình này cần thành lập đội phản ứng nhanh với số điện thoại đường dây nóng cho các ngôn ngữ Trung, Hàn, Anh, Nhật, Nga; số điện thoại đường dây nóng nên công khai ở khắp nơi từ khách sạn, sân bay, khu tuyến điểm du lịch, xe vận chuyển
Tình trạng tour giá rẻ cũng đã xảy ra ở nhiều quốc gia. Tour giá rẻ hay tour 0 đồng khởi đầu tại Thái Lan từ năm 1995, sau đó xuất hiện tại Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hong Kong, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia và Singapore. Ngày nay, khách Trung Quốc đến Nhật Bản và Hàn Quốc đi theo tour giá rẻ vẫn chiếm tỷ lệ rất lớn. Năm 2016, Thái Lan đã áp dụng chỉnh đốn tour 0 đồng và tour âm đồng, nhưng chỉ trong một thời gian rất ngắn, chi phí tour đã tăng lên đến 9.000 tệ (tương đương 28,8 triệu đồng)/khách cho một tour khoảng 5-6 ngày, dẫn đến lượng khách Trung Quốc đến Thái Lan sụt giảm nghiêm trọng, thị trường vô cùng ảm đạm. Sau đó, Thái Lan đã phải dần điều chỉnh, nới lỏng thị trường.
Đài Loan (Trung Quốc) và Hong Kong cũng đã từng siết chặt tour giá rẻ, tour 0 đồng bằng cách thường xuyên đưa tin về việc hướng dẫn viên ép buộc du khách mua sắm. Chính quyền địa phương cũng áp dụng rất nhiều biện pháp, quản lý nghiêm hoạt động kinh doanh của các công ty lữ hành nhưng đến giờ số lượng tour này vẫn còn phổ biến.
"Từ những kinh nghiệm quốc tế, để hạn chế những mặt tiêu cực của tour giá rẻ và tour 0 đồng, cần sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền địa phương, trong đó tăng cường giám sát các điểm mua sắm, cơ sở dịch vụ để chống thất thu thuế và hạn chế thấp nhất thiệt thòi cho du khách, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt Nam", đại diện Tổng cục Du lịch cho biết.