Đại diện lãnh đạo Tổng cục Du lịch, ngành Du lịch các tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình, các doanh nghiệp du lịch và đại diện các huyện/thị xã/thành phố là trọng điểm du lịch của tỉnh Thanh Hóa tham dự hội thảo.
Tại hội thảo, các chuyên gia, đại biểu và các doanh nghiệp du lịch đã tập trung thảo luận những nhóm vấn đề như: định vị du lịch Thanh Hóa trong tương quan chung của cả nước; gợi mở các giải pháp có tính khoa học, chiến lược, bền vững và mang tính thực tiễn sâu sắc nhằm phát triển Thanh Hóa trở thành một trong những địa bàn trọng điểm du lịch quốc gia; định hướng thị trường, phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch...
Các đại biểu còn tập trung đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức đối với du lịch Thanh Hóa hiện nay, làm cơ sở để gợi mở về các nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch Thanh Hóa trong thời gian tới. Theo đó, Thanh Hóa cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là phát triển các kỹ năng, tính chuyên nghiệp và sức cạnh tranh. Tỉnh cũng cần thay đổi về ứng dụng công nghệ số, các tiện ích trong hoạt động cung ứng dịch vụ du lịch. Đặc biệt, Thanh Hóa lưu ý đến vấn đề bảo tồn các giá trị văn hóa, tôn trọng và bảo vệ môi trường cũng như các ứng phó của ngành du lịch trong bối cảnh tình hình dịch bệnh...
Tỉnh Thanh Hóa sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng gồm cả tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn. Từ cơ sở đó, việc khai thác, phát triển du lịch đã đạt được những kết quả ấn tượng, đặc biệt là các chỉ tiêu kinh tế du lịch luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao. Giai đoạn 2016 - 2019, tăng trưởng về lượt khách bình quân đạt 15,2%/năm, tăng trưởng tổng thu du lịch đạt 31,7%/năm, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, du lịch Thanh Hóa phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Lượng khách đến với du lịch Thanh Hóa tương đối lớn nhưng chủ yếu là khách du lịch nội địa, tập trung vào thời điểm mùa hè. Sản phẩm du lịch tuy đã được cải thiện nhưng vẫn thiếu những sản phẩm chất lượng cao để thu hút và phục vụ thị trường khách du lịch quốc tế, khách có khả năng chi trả cao. Lượng du khách đến Thanh Hóa tuy đông nhưng tổng thu từ khách du lịch lại chưa cao. Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch chưa hiệu quả, chậm ứng dụng công nghệ; nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong xu thế hội nhập. Ngoài ra, những khó khăn, thách thức, đặc biệt là tình hình dịch COVID-19 trong nước và trên thế giới vẫn diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của nền kinh tế nói chung và du lịch Thanh Hóa nói riêng.
Năm 2020, Thanh Hóa đón 7,3 triệu lượt du khách, đạt 65,5% kế hoạch; trong đó có 35.550 lượt khách quốc tế, đạt 8,9% kế hoạch. Tổng thu du lịch đạt 10.394 tỷ đồng, đạt 50,7% kế hoạch.
Bước sang năm 2021, Thanh Hóa có những thuận lợi cơ bản, mở ra cơ hội mới cho du lịch cất cánh. Đó là chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách tháo gỡ khó khăn của Chính phủ; đặc biệt, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định đến năm 2030, phấn đấu đưa du lịch Thanh Hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là một trong những trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về du lịch. Đây là lần đầu tiên quan điểm về phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa được thể hiện rõ trong văn kiện của Đảng. Trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng đã đề ra phương hướng phát triển du lịch là mũi nhọn và tiếp tục lựa chọn Chương trình phát triển du lịch là một trong 6 chương trình trọng tâm của tỉnh Thanh Hóa trong nhiệm kỳ tới.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi khẳng định: Hội thảo "Phát triển du lịch Thanh Hóa trước thời cơ và thách thức mới" là cơ hội để tỉnh Thanh Hóa tham vấn các ý kiến thẳng thắn, khách quan, tâm huyết và kinh nghiệm quý báu của các nhà quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia và doanh nghiệp du lịch. Thanh Hóa mong muốn tham vấn ý kiến trực tiếp của các đại biểu vào Dự thảo “Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025” nhằm cụ thể hóa mục tiêu, kỳ vọng phát triển du lịch trong 5 năm tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng kỳ vọng sau hội thảo này, ngành Du lịch Thanh Hóa sẽ có những bước đi phù hợp, hiệu quả nhất trong mục tiêu ngắn hạn và dài hạn để đưa du lịch Thanh Hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX đã xác định.