Theo sử sách, dãy Hồng Lĩnh xuất hiện từ kỷ đệ tứ, cách đây khoảng 1 triệu năm và có 7 tên gọi khác nhau: Ngàn Hống, Núi Hồng, Rú Lớn, Rú Cao, Hương Tượng, Hồng Sơn, Hồng Lĩnh.
Dãy Ngàn Hống từ xưa được xếp vào một trong 21 danh thắng nổi tiếng nước Nam, được vua Minh Mạng thời nhà Nguyễn chọn là hình tượng tiêu biểu của Hà Tĩnh và cho khắc vào Anh đỉnh năm 1836 - một trong 9 đỉnh đồng (Cửu đỉnh) đặt trong đại nội Huế. Trên đỉnh núi có chùa Hương Tích được xây dựng vào thời nhà Trần, được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam”.
Hương Tích cổ tự đắm say lòng người không chỉ bởi cảnh đẹp hiếm có, mà còn bởi nơi đây là cõi Phật linh thiêng gắn liền với câu chuyện công chúa Diệu Thiện tu hành hóa Phật.
Truyền thuyết kể lại rằng: “Khoảng 500 năm trước Công Nguyên, vua Trang Vương nước Sở (xứ Tàu) sinh hạ được ba người con gái. Hai chị theo ý vua cha lấy quan triều đình còn công chúa út Diệu Thiện, vua ép gả cho một viên quan võ độc ác, hung tàn. Nàng phẫn chí và tìm đến cửa phật tu hành, viên quan võ đã phóng hỏa đốt chùa nhưng Diệu Thiện và các tăng ni được Phật che chở và cứu thoát. Đi dọc về hướng nam, Diệu Thiện dừng chân ở động Hương Tích, núi Thíu Lĩnh (tức Hồng Lĩnh) đất Việt Thường dựng am tu hành. Giữa lúc đó, Sở Trang Vương lâm trọng bệnh, Diệu Thiện đã móc mắt và cắt bàn tay của mình đưa cho sứ giả về cứu cha. Trang Vương khỏi bệnh, sai người đến trả ơn mới biết đó là con gái mình. Đức Phật cảm động về tấm lòng của Diệu Thiện nên đã hóa phép cho mắt nàng sáng lại, tay mọc lại như cũ. Diệu Thiện đã tu hành đắc đạo và hóa thành Phật Quan Âm ngàn mắt ngàn tay.
Theo sử sách ghi lại, cũng như qua nghiên cứu khai quật khảo cổ học và ý kiến một số học giả, thì chùa Hương Tích trên núi Hồng Lĩnh là chùa gốc, xây dựng từ đời nhà Trần, thế kỷ XIII và chùa Hương ở Hà Tây cũ (nay là Hà Nội) là một “phiên bản” đầy ý nghĩa.
Phỏng theo sách Hương Sơn Thiên Trù Thiền Phả, một vị hòa thượng được lệnh của Chúa Trịnh xác định địa điểm và cho xây dựng chùa Hương ở Hà Nội từ đời Lê Huy Tông dưới niên hiệu Chính Hòa (1680-1704). Lý giải vấn đề này, ông Bùi Văn Nguyên - nguyên Tổng thư ký Hội VNDG Việt Nam cho rằng vào thời Lê - Trịnh, các vua Lê - Chúa Trịnh phần lớn có quê ở xứ Thanh (sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí - Ngô Gia Văn Phái) nên các phi tần, mỹ nữ đa số được tuyển chọn ở miền Hoan Châu. Để tiện cho các phi tần “trẩy hội” chùa hằng năm, Chúa cho xác định địa điểm ở miền rừng núi Hà Sơn Bình (Hà Nội ngày nay) để xây chùa Hương Tích thứ hai thờ vọng. Như vậy, nhờ sáng kiến của Chúa Trịnh, nên Việt Nam có tới hai chùa Hương Tích.
Được mệnh danh là chốn “Hoan Châu đệ nhất danh lam”, Chùa nằm yên tĩnh giữa những bóng cây cổ thụ sừng sững, lưng dựa vào những tảng đá lớn. Giống như những ngôi chùa cổ của nước ta, chùa có điện Tam Bảo, nhà Bái Đường, giếng Trời, nhà thờ Tổ và đặc biệt hơn, còn có am Diệu Thiện, am Bát Cảnh, thần Hổ Trắng, thác Giải oan, khe Quỷ Khốc… gắn liền với những câu chuyện huyền bí được truyền lại trong dân gian. Cảnh trí và kiến trúc chùa Hương Tích từng được ghi lại ở thế kỷ XVII-XIX không còn nguyên vẹn như xưa vì ở đây đã nhiều lần bị hỏa hoạn. Năm Ất Dậu (1885), chùa bị cháy, đến năm Tân Sửu (1901), Tổng đốc An Tĩnh là Đào Tấn đứng ra kêu gọi nhân dân xây dựng lại chùa. Năm 2003, chùa tiếp tục được trùng tu, xây dựng lại trên nền cũ cao, vững chãi hơn.
Với sự linh thiêng của chùa, vẻ đẹp quyến rũ của thiên nhiên, nhiều năm lại nay, lượng du khách và đạo hữu đến với Hương Tích ngày càng tăng. Năm 2019, Chùa Hương Tích đã thu hút được trên 16 vạn lượt du khách. Cùng với đó, nguồn lực đầu tư, tôn tạo, nâng cấp khu di tích được huy động từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa của đạo hữu, phật tử cũng ngày càng tăng.
Nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị của di tích đặc biệt này, chính quyền địa phương và các mạnh thường quân thời gian qua đã luôn chung tay triển khai các dự án. Tính đến nay, đã có trên 300 tỷ đồng được đầu tư xây dựng, tôn tạo Chùa Hương Tích. Trong đó, Tập đoàn An Viên và Tập đoàn Vingroup đã hoàn thành việc trùng tu, tôn tạo nền Trang Vương với tổng kinh phí trên 50 tỷ đồng. Dự án cải thiện cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện tiểu vùng sông Mê Công mở rộng của Ngân hàng Phát triển Châu Á đã hoàn thành giai đoạn 1 với nguồn vốn 120 tỷ đồng đầu tư vào Chùa Hương. Đây là những sự đầu tư rất đáng giá cho khu du lịch văn hóa tâm linh trọng điểm của Hà Tĩnh.
Với sự phát triển của kinh tế xã hội của địa phương, hiện nay chính quyền huyện Can Lộc, Hà Tĩnh cùng các doành nghiệp trên địa bàn đã xây dựng hạ tầng đồng bộ, sử dụng hệ thống xe điện và cáp treo để phục vụ du khách chiêm bái và tìm hiểu khám phá vỉa tầng văn hóa, nguồn cội cha ông trên mảnh đất thiêng này.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc cho biết: “Để chùa Hương Tích Hà Tĩnh xứng danh, xứng tầm với tên gọi “Hoan Châu đệ nhất danh lam”, thời gian qua, chính quyền các cấp, Ban trị sự Phật giáo huyện, Ban quản lý Khu du lịch chùa Hương Tích cùng các Doanh nghiệp, Phật tử, đạo hữu đã đồng sức, đồng lòng bảo tồn, duy tu các giá trị lịch sử về vật chất; phát huy các giá trị tinh thần; thường xuyên nâng cấp cơ sở hạ tầng, cho vận hành hệ thống xe điện, cáp treo để phục vụ nhu cầu du lịch tâm linh của du khách thập phương".