Bên cạnh thị trường truyền thống, trong thời gian tới, Việt Nam định hướng sẽ mở rộng các thị trường mới nhằm đa dạng hóa nguồn khách, trong đó có các thị trường Ấn Độ, các nước Hồi giáo, Brazil… Tuy nhiên, khi mở rộng thị trường, vấn đề hướng dẫn viên (HDV) lại là nỗi lo ngại của không ít doanh nghiệp du lịch.
Dùng phương án tạm thờiHDV là người đại diện cho doanh nghiệp đón khách trong suốt hành trình tới khi đi thăm và giới thiệu đất nước con người Việt Nam, truyền đạt thông tin tới du khách, nhưng với một loạt thị trường mới như định hướng của Tổng cục Du lịch, thì HDV đã thiếu sẽ lại càng thiếu hơn, chất lượng khó đảm bảo.
Tình trạng này đang dẫn đến hiện tượng HDV “chui” xuất hiện ngày càng nhiều vào mùa cao điểm khách quốc tế. Phổ biến nhất với thị trường khách Hàn Quốc. Do thiếu HDV và các đoàn khách bị phía đối tác thao túng, HDV Việt Nam được thuê chỉ “ngồi làm cảnh” nên được gọi là “siting guide” để đối phó với việc kiểm tra của cơ quan chức năng.
Không những vậy, thời gian gần đây, một số người nước ngoài lâu năm ở Việt Nam, thông thạo trong dịch vụ, đã tự tổ chức tour, hướng dẫn khách. Hiện tượng này khiến nội dung thông tin dễ bị truyền tải sai lệch, khó kiểm soát.
Trong khi đó, theo phản ánh của nhiều du khách, dù có HDV đi cùng, nhưng hỏi cái gì HDV cũng trả lời qua loa, đại khái. Nhiều HDV chỉ nhăm nhăm đưa khách vào điểm mua sắm, nhà hàng là “mối ruột” để ăn tiền hoa hồng. Tình trạng này vô hình đẩy giá dịch vụ lên cao, khiến du khách cảm thấy khó chịu do bị “chặt chém”, nhất là mua hàng chất lượng kém.
Nhiều thị trường khách mới sẽ thiếu hướng dẫn viên du lịch. |
Ông Caballero Mathias, du khách người Italy chia sẻ: “Chúng tôi đăng ký khám phá tour Hà Nội qua mạng và được doanh nghiệp bố trí HDV đi kèm giới thiệu. Ngày đầu được giới thiệu tới các phố cổ, tôi thấy háo hức nhưng thông tin được giới thiệu giống trong sách hướng dẫn, đã vậy lại dẫn chúng tôi vào các điểm mua sắm, giá khá đắt. Do đó, những ngày tiếp theo chúng tôi tự khám khám qua chỉ dẫn Internet và sách guide book”.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Gold tour cho rằng, với các thị trường mới như Malaysia, Indonesia, Brazil, Đức… rất hiếm HDV ngoại ngữ hiếm, nên giải pháp của nhiều công ty là sử dụng những lao động từng đi xuất khẩu lao động tại các thị trường đó, cho tập huấn kiến thức, kỹ năng rồi thuê làm HDV. Tuy nhiên, giải pháp tạm thời này ảnh hưởng lớn đến chất lượng thông tin, bởi thực tế du lịch Việt Nam vẫn dựa nhiều trên du lịch văn hóa, cần kiến thức sâu để truyền tải.
Cần có định hướng Anh Nguyễn Tấn Quyền, một HDV lâu năm trong nghề cho biết: Vấn đề quản lý HDV vẫn đang bỏ trống. Ngay như Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh có câu lạc bộ HDV, nhưng ít người đăng ký sinh hoạt. Trong khi các group HDV tự phát trên diễn đàn, nhất là facebook, có hàng nghìn thành viên.
Thực tế, ngành du lịch chỉ quản lý về tiêu chuẩn, điều kiện để cấp phép, còn định hướng, tập hợp HDV sinh hoạt... thì các công ty lữ hành “tự lo”. Tuy nhiên, doanh nghiệp du lịch ít tuyển HDV mà chủ yếu là sử dụng HDV tự do nên HDV không biết phải tự đào tạo như thế nào.
Anh Nguyễn Văn Hùng, HDV du lịch, chia sẻ: “Chúng tôi rất cần cập nhật thông tin về điểm đến, về kinh nghiệm xử lý trong tour, về quy định đối với HDV, hỗ trợ trong mùa thấp điểm... nhưng những thông tin này khó mà có tại đơn vị Nhà nước mà cần sự hỗ trợ của mạng xã hội tư vấn. Do vậy, HDV phần lớn là người trước dạy người sau và tự học”.
Ngoài kiến thức về mặt chuyên môn nghiệp vụ, HDV phải hiểu biết nhiều về địa lý, văn hóa lịch sử của nước mình và nước bạn.
“Đứng trước du khách, HDV sẽ là một nhà ngoại giao, một đại sứ, một nhà kinh doanh tiếp thị, một người lính biên phòng, một người bạn… Thông qua lăng kính của HDV, du khách sẽ hiểu được từng vùng, từng miền của đất nước Việt Nam. Đây cũng là hình thức quảng bá tại chỗ hiệu quả nhất để khách có thể quay lại lần tiếp theo. Do đó, ngành du lịch sớm có chính sách cụ thể đi đối với mở rộng thị trường”, một đại diện doanh nghiệp lữ hành kiến nghị.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng: Hiện nay, HDV chưa đáp ứng được cả chất lượng, số lượng do công tác đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu quy mô và chất lượng. Số lĩnh vực ngoại ngữ hiếm như Nhật, Hàn, Thái Lan, Tây Ban Nha, Đức… chưa đáp ứng yêu cầu.
Đây là sự hạn chế, yếu kém mà ngành đã cố gắng khắc phục, nhưng do còn nhiều rào cản về quy định của pháp luật, về chất lượng đào tạo, về sự thanh tra kiểm tra xử lý vi phạm. Ngành cũng đang tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, truyền thông, qua đó sớm đề xuất chính sách hỗ trợ cho HDV ngoại ngữ tiếng hiếm.
Bài và ảnh: Xuân Minh