Du lịch Việt Nam đón hơn 6 triệu lượt khách quốc tế: Nỗ lực trong gian khó

Việc đón vị khách quốc tế thứ 6 triệu vào ngày 26/12 tại Quảng Ninh đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình phát triển của ngành du lịch Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, tác động không nhỏ đến nhu cầu du lịch. Theo thống kê, trong năm 2011, ngành du lịch đón khoảng 6,1 triệu lượt khách quốc tế, tăng so với năm trước 19%. Vậy đâu là thành công của ngành du lịch trong năm 2011?

Xúc tiến đúng thị trường trọng điểm

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thành công này là việc xúc tiến, quảng bá đúng thị trường trọng điểm. Tiếp nối những thành công trong năm 2010, Tổng cục Du lịch cùng với doanh nghiệp tiếp tục xúc tiến vào các thị trường gần, thị trường truyền thống như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Ucraina, Trung Quốc, Lào, Campuchia và quảng bá du lịch Việt Nam trên một số kênh truyền thông nước ngoài. Những hoạt động này bước đầu đã phát huy tác dụng. Lượng khách đến từ các thị trường gần và truyền thống đều tăng như: Campuchia tăng hơn 63%, Trung Quốc tăng hơn 53%, Malaixia tăng 12%, Nhật tăng 9%, Hàn Quốc tăng hơn 7%, Đài Loan (Trung Quốc) tăng 6,2%, Pháp tăng 4,5%, Ôxtrâylia tăng 4%...

Lễ đón vị khách thứ 5.999.999; 6.000.000 và vị khách thứ 6.000.001.


Ông Võ Anh Tài, giám đốc Công ty lữ hành Saigontourist, đơn vị có vị khách quốc tế thứ 6 triệu cho biết: “Muốn thu hút du khách đến Việt Nam cần phải cung cấp thông tin cho du khách về các điểm du lịch Việt Nam. Chính vì vậy, chúng tôi đã tham gia 15 hội chợ du lịch quốc tế và phát động thị trường quốc tế trọng điểm.

Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, Saigontourist hy vọng sẽ khai thác hơn nữa khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường biển, hàng không, đường bộ năm 2012 với mức tăng trưởng tăng 30% trở lên. Riêng du lịch đường biển là thế mạnh của Saigontourist, dự kiến năm 2012 sẽ tiếp tục đón 87 chuyến tàu của hãng StarCruise đi theo định tuyến từ đảo Hải Nam (Trung Quốc)- Hạ Long- Huế- Đà Nẵng. Đồng thời, công ty cũng hợp đồng với các hãng tàu biển lớn trên thế giới đưa những con tàu lớn hơn đến bằng đường biển, góp phần khai thác thế mạnh du lịch biển đảo của Việt Nam”.

Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành nhận định: Du lịch là ngành nhạy cảm với các biến động khó khăn về thời tiết, khí hậu hay kinh tế, chính trị. Trong năm 2011, nhiều hoạt động xúc tiến quảng bá trong và ngoài nước đã dẫn đến thành công đón hơn 6 triệu lượt khách quốc tế. Tuy nhiên, để phát triển trong thời gian tới, du lịch cần sự quan tâm từ Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. So với các nước xung quanh, Việt Nam xuất phát điểm thấp, mức độ đầu tư của Nhà nước và doanh nghiệp còn hạn chế so với các nước bạn, nên phải nghĩ cách đi vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm để đạt kết quả cao nhất.

Chuyển sang chiều sâu

Theo Tổng cục Du lịch, trong năm 2012 sẽ triển khai xây dựng đề án thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại Nhật Bản và Hàn Quốc; hoàn thiện và phê duyệt các đề án thu hút khách du lịch 8 thị trường trọng điểm gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaixia, Thái Lan, Ôxtrâylia, Pháp, Nga; đầu tư khai thác phát triển du lịch vịnh Hạ Long và một số điểm nổi bật khác đảm bảo tính bền vững, đạt hiệu quả kinh tế cao, tạo dựng hình ảnh du lịch di sản Việt Nam gắp với vịnh Hạ Long. Tổng cục sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan thành lập Ban quản lý điểm du lịch của từng địa phương và liên vùng, coi xây dựng, phát triển điểm du lịch là sản phẩm du lịch trọng điểm. Năm 2012, ngành du lịch dự kiến đón 6,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 8,3%, phục vụ 32 triệu lượt khách nội địa, thu nhập đạt 150.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Năm 2011, ngành du lịch đã hoàn thành và trình Chính phủ đề án “Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” với mục tiêu chuyển hướng phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu. Do xuất phát điểm còn thấp nên thời gian qua chúng ta phát triển thiên về “lượng”. Nay với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đang được nâng cấp, nhiều khu nghỉ dưỡng quy mô lớn đang được khởi công xây dựng, du lịch Việt Nam đang chuyển hướng sang đầu tư nâng cấp chất lượng sản phẩm để nâng cao hơn nữa khả năng chi tiêu của khách và nâng nguồn thu cho du lịch. Đây sẽ là hướng phát triển của du lịch Việt Nam trong những năm tới.

Ông Nguyễn Quý Phương cho rằng: Trong những năm tới, du lịch cần phát huy vai trò địa phương cũng như doanh nghiệp lữ hành, đặc biệt là việc liên kết vùng. Trong năm 2012 là liên kết Bắc Trung bộ với trọng tâm là Festival Huế. Bên cạnh đó là khu vực Tây Bắc mở rộng, Đông Nam bộ và Năm du lịch quốc gia Bắc Trung bộ tại Hải Phòng năm 2013. Bên cạnh liên kết vùng là liên kết với doanh nghiệp, hiệp hội du lịch với vai trò gắn kết của Tổng cục Du lịch. Năm 2012, kinh phí đầu tư dự kiến không nhiều nên sẽ huy động từ địa phương và cộng đồng để phát triển sản phẩm trong thời gian tới bởi thực tế kinh doanh du lịch có thể lợi nhuận không cao nhưng mang lại hiệu quả xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo qua phát triển du lịch cộng đồng và thúc đẩy phát triển nhiều ngành kinh tế khác từ nông nghiệp, vận tải, thủ công mỹ nghệ… Để phát triển hơn nữa cần sự phối hợp địa phương để đảm bảo chất lượng sản phẩm, tạo môi trường xã hội, môi trường tự nhiên, môi trường sinh thái.

Bài và ảnh: Xuân Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN