Tại các nước trong khu vực, du lịch mua sắm đang phát triển mạnh và có thể coi là sản phẩm du lịch chủ đạo thu hút khách nước ngoài tới tham quan, mua sắm. Hiệu quả kép từ loại hình du lịch này: Vừa phát triển du lịch, vừa kích thích khả năng tiêu dùng hàng hóa và mấu chốt cuối cùng là đem lại nguồn thu xã hội cho đất nước. Tại Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội, du lịch mua sắm được nhắc tới nhiều, nhưng dường như tiềm năng này còn phát triển tự phát, chưa được quan tâm đúng mức. Gốm sứ Bát Tràng, Hà Nội. Ảnh: Đangcongsan. |
Bỏ ngỏ loại hình du lịch mua sắm Nếu nói tới du lịch mua sắm, người ta thường nhắc tới Thái Lan, Malaysia, Singapore, Hong Kong, Đài Loan với những mỹ từ “thiên đường mua sắm”. Đặc biệt dịp cuối năm, các công ty du lịch Hà Nội thường tung ra những chương trình tua hấp dẫn, du lịch kết hợp mua sắm tại những xứ sở này.
Ngay cả các tour du lịch thông thường, các hãng lữ hành lồng ghép những điểm mua sắm, làm hấp dẫn chương trình tour và đáp ứng nhu cầu mua sắm của du khách. Bởi vậy, không khó hiểu khi đi du lịch nước ngoài, nhiều người Việt Nam sẵn sàng bỏ tiền mua hàng hóa còn nhiều hơn tiền mua tour do cách làm du lịch rất “nghệ thuật” của cả hai phía, công ty lữ hành nước bạn và người quản lý điểm mua sắm.
Nhưng có điều nhiều người băn khoăn, Hà Nội là nơi tập trung làng nghề truyền thống đông nhất cả nước, trong đó nhiều làng nghề nổi tiếng như: Gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, thêu Quất Động, sơn mài Duyên Thái, đồ sừng Thụy Ứng, mộc Vân Hà, dát vàng quỳ bạc quỳ Kiêu Kỵ…Sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm ra đạt độ tinh xảo cao, nhưng thiếu đầu ra. Còn các công ty lữ hành thường phàn nàn, Hà Nội dường như không có điểm mua sắm quy mô, hoạt động một cách chuyên nghiệp để phục vụ du khách.
Vấn đề, cung – cầu chưa gặp nhau và sự kết nối giữa những cơ sở làm ra sản phẩm quà tặng và các nhà làm du lịch hầu như chưa có. Đa phần các chương trình du lịch nội đô, du lịch liên vùng chưa chú trọng đến việc kết nối với các điểm mua sắm. Có chăng du khách được đưa tới tham quan làng nghề gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc vừa tìm hiểu văn hóa, lịch sử điểm đến, vừa đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách. Một số trung tâm thương mại lớn, hiện đại tại Hà Nội phần lớn mới chỉ phục vụ nhu cầu mua sắm của chính người Thủ đô, chưa kết nối mạnh với các công ty lữ hành để thu hút khách.
Kết nối du lịch với mua sắmÔng Phạm Thế Phong - Giám đốc Trung tâm Inbound, Công ty Du lịch Vietrantour cho rằng: “Hà Nội cũng như cả nước nói chung chưa có nhiều mô hình liên kết chặt chẽ giữa công ty du lịch với các cơ sở mua sắm. Chúng ta vẫn chưa đưa ra các chương trình kích cầu mua sắm, quy hoạch tập trung các điểm mua sắm để thu hút và tạo thuận tiện cho du khách như các chương trình siêu giảm giá hay các điểm mua sắm hội tụ hàng ngàn cửa hàng, sản phẩm nổi tiếng như các nước Malaysia, Singapore, Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn đang triển khai rất hiệu quả. Các làng nghề cũng chưa có một không gian trưng bày tập trung cùng với việc giới thiệu quy trình sản xuất để cho khách tham quan, mua sắm”.
Phát triển một cách tự phát Để thích ứng với xu thế phát triển chung và tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp, Vietrantour bắt đầu đẩy mạnh hợp tác với các cơ sở mua sắm, vừa mang lại lợi ích cho cả hai bên, vừa nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, thỏa mãn nhu cầu mua sắm hàng hóa đảm bảo cho khách hàng.
Cụ thể, Vietrantour liên kết chặt chẽ với Tràng Tiền Plaza để đưa khách đến tham quan, mua sắm ngoài ra, đơn vị này còn đưa khách đến một số điểm mua sắm hấp dẫn khác vào chương trình tour như: Chợ Đồng Xuân, Hàng Ngang – Hàng Đào, Vincom Bà Triệu, Royal City, một số làng nghề truyền thống…
Cửa hàng quà tặng O.K.B, 39 Lê Hồng Phong, quận Ba Đình là một trong số điểm mua sắm hiếm hoi của Hà Nội thực hiện hiệu quả việc kết nối giữa điểm mua sắm với các công ty du lịch. Xuất thân từ hướng dẫn viên du lịch, chủ cửa hàng Nguyễn Thị Thanh nhanh chóng nắm bắt được nhu cầu mua sắm của khách, nên quyết định đầu tư cửa hàng quà tặng quy mô khá lớn, hoạt động bài bản.
Chị Thanh cho biết: cửa hàng chị liên kết trực tiếp với các công ty du lịch nước ngoài để đưa điểm mua sắm gia đình chị vào chương trình tour. Đối tượng khách của cửa hàng chị là Nhật, do vậy dòng sản phẩm kinh doanh tại đây chủ yếu là đồ lụa, theo đúng thị hiếu của khách. Do cách làm nhạy bén này, trung bình mỗi ngày cửa hàng này đón khoảng 3 đoàn khách tới tham quan, mua sắm.
“Nhu cầu mua sắm trong chương trình tham quan của khách rất lớn. Trong khi Hà Nội rất nhiều sản phẩm quà tặng, giá cả hợp lý, nhưng chúng ta chưa biết cách tổ chức để kích thích khả năng chi tiêu của khách. Hiện tại, việc đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, quà tặng qua kênh tiếp cận với khách du lịch tại Hà Nội gần như chưa được quan tâm”, chị Thanh nói.
Mới đây, Hiệp hội Du lịch Hà Nội cũng ký biên bản ghi nhớ với Tổng Công ty Thương mại Hà Nội để xây dựng chuỗi cửa hàng đưa đón khách du lịch tới tham quan, mua sắm. Mặc dù mới chỉ là bước đầu nhưng đó là tín hiệu tốt trong việc quan tâm thúc đẩy loại hình du lịch mua sắm phát triển.
Ông Vũ Chính Đông - Phó Tổng thư ký, Hiệp Hội Du lịch Hà Nội cho biết: Nhiều doanh nghiệp du lịch tỏ ra phấn khởi với chương trình liên kết này, bởi từ trước tới nay chưa có một sự liên kết bài bản nào trong khi nhu cầu hai bên vẫn rất cần. Hiện, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cũng xây dựng được 14 cơ sở mua sắm đạt chuẩn để phục vụ khách du lịch, tập trung ở làng gốm Bát Tràng và làng lụa Vạn Phúc.
Tháng 11 sắp tới, Sở Công thương Hà Nội cũng kết hợp với Tổng Cục du lịch giới thiệu Tháng khuyến mại Hà Nội 2013 đến các công ty lữ hành nhằm thu hút khách du lịch tới mua sắm tại các điểm khuyến mại. Mặc dù vậy, để việc liên kết giữa du lịch với các điểm mua sắm được bền chặt, duy trì thường xuyên nhằm khai thác có hiệu quả loại hình du lịch mua sắm cần được quan tâm, đầu tư một cách bài bản, đúng tầm với cả một chiến lược phát triển hợp lý.
Đinh Thị Thuận