Theo sử sách ghi lại, năm 1732, thời Chúa Nguyễn Phúc Trú (1696 - 1738), Nhà Nguyễn đã thiết lập Dinh Long Hồ (tức Vĩnh Long ngày nay). Để thuận tiện cho việc tổ chức khai khẩn, lập làng xã cũng như do mật độ dân số trong khu vực này phát triển mạnh nên Chúa Nguyễn đã chọn thôn An Bình Đông (ngày nay là xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) làm lỵ sở (trung tâm hành chính của Dinh). Sau đó mới dời qua Tầm Bào (nay là thành phố Vĩnh Long).
Do vậy, khu vực này quy tụ nhiều quan lại và điền chủ đến sinh sống, cư trú, dựng nghiệp lâu dài. Từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, nhiều ngôi nhà gỗ, mái lợp ngói, cao rộng, cất ba gian theo kiểu kiến trúc phương Đông khéo léo hòa trộn phương Tây lần lượt ra đời, nép mình bên những dòng sông, vườn cây ăn quả thoáng mát đã tạo ra một dấu ấn kiến trúc nổi trội mà không đâu có được.
Kiến trúc độc đáo
Qua khảo sát, tại xã Đông Hòa Hiệp vẫn còn 10 ngôi nhà cổ nằm hai bên rạch Bà Hợp và sông Cái Bè mang đậm phong cách kiến trúc đặc trưng Nam Bộ, được xây cất từ những thế kỷ trước, tuổi đời từ một đến vài trăm năm.
Ngoài ra, tại Làng cổ Đông Hòa Hiệp còn có 3 ngôi chùa và 1 ngôi đình làng có tuổi đời hơn 100 năm.
Mỗi ngôi nhà là một kho tàng kiến trúc quý hiếm và độc đáo, đặc sắc nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long, hầu như giữ nguyên vẹn để đời sau chiêm ngưỡng, trân trọng, giữ gìn. Điển hình như nhà cổ ông Ba Đức, xây cất từ năm 1870 nằm soi bóng sông Cái Bè; nhà cổ ông Soát nằm gần rạch Bà Hợp được xây cất từ nửa đầu thế kỷ XIX; nhà cổ ông Bái Lâu được xây cất từ đầu thế kỷ XX… mà chủ nhân chính là những điền chủ giàu có “ruộng đồng cò bay thẳng cánh” tại vùng đất Cái Bè xưa.
Hiện nay, những ngôi nhà cổ tại đây vẫn được bảo tồn nguyên vẹn mặc dù trải qua biết bao biến cố lịch sử. Đặc điểm chung của các ngôi nhà cổ Đông Hòa Hiệp là mái lợp ngói âm dương hoặc vảy cá, cột gỗ to cao; kèo, đòn tay, trính, rui, mè, đòn dông, vách ngăn, vách… đều bằng gỗ.
Bên trong các ngôi nhà cổ trang trí các khuôn hoành phi, câu đối, chạm khắc hình những linh vật như long, lân, quy, phụng, chim và các loại hoa… Hai cây cột cái thường có kèm đôi liễng đối xứng nhau với nội dung nhằm chúc phúc, cầu may, chúc thọ và những điều tốt lành cho gia chủ...
Đồng thời, chủ nhân các ngôi nhà này hiện lưu giữ được nhiều đồ vật, di tích kiến trúc, các bộ bàn ghế chạm trổ rất công phu và những vật dụng gốm sứ cổ, rất đẹp và quý hiếm mà không đâu có được.
Trước các ngôi nhà cổ thường có phần sân rộng rãi trồng các cây kiểng cổ và hoa kiểng khác hoặc xung quanh là vườn trồng cây ăn quả luôn sai trái, mùa nào thức nấy. Phía ngoài trước nhà còn có hàng rào và cửa cổng chắc chắn, khang trang, tạo nên một không gian kiến trúc sang trọng, hoành tráng, uy nghi của lớp người giàu có những thế kỷ trước ở vùng đất Nam bộ.
Nơi đây, còn có không gian văn hóa đặc sắc với vùng sinh thái ngọt Nam bộ đặc trưng, sông ngòi kênh rạch chằng chịt, quanh năm trái ngọt cây lành. Khí hậu mát mẻ, cư dân cần cù lao động, chất phác, hiền hòa, mến khách, phù hợp xu thế phát triển du lịch sinh thái miệt vườn ở Tiền Giang nói chung, huyện Cái Bè và làng cổ Đông Hòa Hiệp nói riêng.
Về tổng thể, làng cổ Đông Hòa Hiệp còn có mối quan hệ mật thiết với các ngôi nhà cổ đang tồn tại ở thị trấn Cái Bè và xã Hòa Khánh (huyện Cái Bè) lân cận, tạo thành chuỗi di tích kiến trúc văn hóa lịch sử phía đầu nguồn sông Tiền (Tiền Giang). Ngoài ra, gắn kết các làng nghề tiểu thủ công độc đáo lân cận tại Cái Bè như: Làng nghề bánh phồng sữa, làm bánh tráng Tết, làm cốm, kẹo, chợ Nổi nơi ngã ba sông Cái Bè… có tiềm năng lớn về khai thác du lịch sinh thái, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động.
Di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Đông Hòa Hiệp, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia.
Đây cũng là 1 trong 3 làng cổ của Việt Nam được Tổng cục Du lịch và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) chọn để đầu tư phát triển mô hình du lịch nông thôn.
Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa
Để góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa kiến trúc truyền thống của dân tộc, vào các năm 1999 và 2000, Tổ chức JICA của Nhật Bản đã tài trợ kinh phí 100.000 USD, đồng thời hỗ trợ về mặt kỹ thuật trùng tu ngôi nhà cổ của ông Bái Lâu. Ngôi nhà cổ này sau khi hoàn thành trùng tu, du khách gần xa bắt đầu tìm đến tham quan ngày một đông đảo.
Bà Lê Thị Chính, chủ nhân hiện tại và là người đang quản lý, khai thác ngôi nhà cổ Bái Lâu kinh doanh du lịch, loại hình homestay cho biết, ngôi nhà đã có trên 200 năm tuổi, do ông, cha của bà để lại thừa kế. Việc khai thác, kinh doanh du lịch tại đây gồm hình thức tham quan, phục vụ ăn uống và lưu trú qua đêm đã góp phần đưa giá trị văn hóa nhà cổ Nam bộ đến với cộng đồng và du khách mến mộ trong, ngoài nước. Du khách tham quan luôn trầm trồ, khen ngợi ngôi nhà có kiến trúc đặc sắc, tái hiện được khoảng không gian kiến trúc và nhà cổ Nam bộ xưa với vườn cây, ao cá, không khí thoáng đãng, hữu tình, thi vị, mà khó có nơi nào có được.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang Võ Phạm Tân, di sản văn hóa luôn được địa phương coi là nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch. Thực tế cho thấy, tại nhiều địa phương, bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị di sản đã góp phần đưa di sản trở thành sản phẩm văn hóa - du lịch hấp dẫn và thu hút đông đảo du khách tham quan, khám phá. Làng cổ Đông Hòa Hiệp, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, là một trường hợp điển hình như thế.
Để kích cầu du lịch cũng như phát huy giá trị văn hóa làng cổ, hàng năm, tỉnh Tiền Giang đều tổ chức Lễ hội làng cổ Đông Hòa Hiệp với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, sinh hoạt lễ hội truyền thống đặc sắc thu hút đông đảo du khách gần xa.
Theo UBND tỉnh Tiền Giang, Lễ hội Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp lần thứ 5 năm nay được tổ chức trong khung thời gian từ 7- 9/11. Nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc được tổ chức nhằm kích cầu du lịch, góp phần quảng bá rộng rãi những giá trị văn hóa làng cổ Đông Hòa Hiệp đang được lưu giữ, bảo tồn, tạo thêm điểm nhấn của du lịch sinh thái tại tỉnh Tiền Giang khi trở lại trạng thái bình thường mới, khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch COVID-19 vừa qua.
Những điểm nhấn trong Lễ hội Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp 2022 gồm: Hội thảo “Giới thiệu tiềm năng, các điểm đến và giải pháp phát triển du lịch Tiền Giang bền vững, hiệu quả”; Tổ chức đoàn Famtrip khảo sát các điểm du lịch tiêu biểu trên địa bàn tỉnh, tổ chức không gian giới thiệu sản phẩm du lịch, sản phẩm OCOP, Hội thi “Ẩm thực du lịch”, kết nối không gian du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp với chợ Nổi Cái Bè và các làng nghề truyền thống tại địa phương, tạo sức hấp dẫn khó cưỡng cho Lễ hội…
Ước tính, Lễ hội Du lịch làng cổ Đông Hòa Hiệp lần này thu hút không dưới 1 vạn du khách. Còn tính chung, mỗi năm tại đây thu hút trên 100.000 lượt du khách đến tham quan (trong đó hơn 75% là khách quốc tế).