Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, năm nay, lần đầu tiên Ngày Kiến trúc Việt Nam 27/4 được tổ chức kỷ niệm trên phạm vi cả nước. Đây là một sự kiện văn hóa chính trị rất có ý nghĩa không chỉ đối với giới kiến trúc sư (KTS) mà với cả toàn xã hội.
Tháng 4/1948, trong khi cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đang diễn ra khốc liệt, nhưng để chuẩn bị lực lượng cho công cuộc kiến thiết đất nước sau ngày thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương tập hợp số KTS Việt Nam được đào tạo tại Trường Mỹ thuật Đông Dương trước Cách mạng Tháng Tám, đang làm việc phân tán tại nhiều nơi ở vùng tự do và chiến khu Việt Bắc, để thành lập tổ chức đầu tiên của giới KTS Việt Nam. Ngày 27/4, tại Thản Sơn, Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Yên (nay là xã Liễn Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc), được sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, một nhóm KTS tiêu biểu như: Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp, Trần Hữu Tiềm, Đoàn Văn Minh, Nguyễn Ngọc Chân… đã tiến hành Hội nghị thành lập Đoàn KTS Việt Nam, tiền thân của Hội KTS Việt Nam ngày nay. Hội nghị đã vinh dự được Bác Hồ gửi thư động viên và căn dặn. Người viết:
“Trong 4 điều quan trọng cho dân sinh: ở và đi là hai vấn đề cũng cấp thiết như ăn với mặc. Vì vậy việc kiến trúc là việc rất quan hệ.
Chúng ta phải tùy hoàn cảnh mà xây dựng ngay trong khi kháng chiến và sau khi kháng chiến thành công. Tôi mong Hội nghị sẽ đi tới những kế hoạch thiết thực với tình thế hiện tại, và những chương trình kiến thiết hợp với tương lai, kế hoạch và chương trình đúng với tinh thần đời sống mới.
Tôi lại mong Hội nghị chú trọng đặc biệt tới vấn đề nhà ở tại thôn quê, tìm ra những kiểu nhà giản dị và cao ráo, sáng sủa và rẻ tiền”.
Công viên Hòa Bình (Hà Nội). Ảnh: Huy Hùng - TTXVN |
Thư của Bác chứa đựng tư tưởng lớn, mang tính chiến lược định hướng cho sự nghiệp phát triển kiến trúc của dân tộc. Người khẳng định vai trò quan trọng của Kiến trúc, của KTS và tổ chức nghề nghiệp của KTS trong đời sống xã hội: “Việc kiến trúc là việc rất quan hệ”. Kiến trúc là văn hóa. Kiến trúc còn mang tính nhân văn, tính xã hội và tính thời đại. Kiến trúc gắn bó với cuộc sống và hạnh phúc của mỗi gia đình. Kiến trúc đi cùng với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Vì thế, công việc kiến trúc là công việc của toàn dân, của xã hội mà KTS là chủ thể sáng tạo. Bác dạy, kiến trúc phải luôn bám sát thực tế của cuộc sống nhưng cũng phải biết hướng tới tương lai, hiện đại và “đúng với tinh thần đời sống mới”. Là lãnh tụ kính yêu của dân tộc, suốt đời mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân, vì thế Bác đã căn dặn KTS phải luôn hướng về người nghèo ở nông thôn, người thu nhập thấp, để tạo ra “những kiểu nhà giản dị và cao ráo, sáng sủa và rẻ tiền”. Những lời dạy bảo của Bác dù cách đây đã 63 năm, nhưng vẫn mãi là kim chỉ nam, là ánh sáng soi đường cho chúng ta trong sáng tạo và phát triển kiến trúc hôm nay.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phải tùy hoàn cảnh mà xây dựng ngay khi kháng chiến và sau khi kháng chiến thành công”, dù trong những năm tháng cực kỳ gian khổ và thiếu thốn, các KTS vẫn sáng tạo nên những công trình phục vụ kháng chiến như trụ sở UBHC, nhà thông tin, khu nhà họp Đại hội Đảng, nhà ở… bằng các vật liệu đơn sơ như tre, nứa, lá. Những công trình kiến trúc giản dị ấy chính là những viên gạch đầu tiên của nền nghệ thuật kiến trúc cách mạng. Và các tác giả của nó, thế hệ KTS đầu tiên, đã trở thành nòng cốt trong quá trình xây dựng và trưởng thành của đội ngũ KTS nước nhà.
Ngày nay, đất nước ta đang trong thời kỳ xây dựng và phát triển theo hướng CNH-HĐH. Diện mạo của Tổ quốc không ngừng thay đổi, đặc biệt là trong những năm đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế. Từ những khu công nghiệp, khu nhà ở lắp ghép với tiện nghi tối thiểu, xây dựng theo phương châm tiết kiệm, bền vững, đẹp trong điều kiện có thể của những năm 60-80 của thế kỷ trước, đến nay đã có biết bao công trình kiến trúc, các khu đô thị mới được xây dựng bằng công nghệ tiên tiến, vật liệu hiện đại. Đô thị được mở rộng và phát triển, tạo nên một hệ thống trải đều từ Bắc xuống Nam, từ miền núi đến vùng biển đảo. Kiến trúc di sản văn hóa được quan tâm tu bổ và bảo tồn, tôn tạo. Kiến trúc nông thôn đổi mới theo hướng tiện nghi và hiện đại.
Cùng với sự phát triển chung của cả nước, đội ngũ KTS Việt Nam cũng đã trưởng thành về lượng và chất. Từ 50 KTS đầu tiên được đào tạo tại Trường Mỹ thuật Đông Dương, đến nay lực lượng KTS cả nước đã lên tới hơn 15.000 người. Từ Đoàn KTS Việt Nam thành lập năm 1948 với 8 KTS nòng cốt, sau 63 năm hoạt động, Hội KTS Việt Nam đã trở thành một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp lớn mạnh với trên 4.000 KTS hội viên. Tất cả đã và đang miệt mài lao động, sáng tạo nên nhiều khu đô thị mới, nhiều công trình kiến trúc đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của đất nước. Hàng trăm KTS được tặng Giải thưởng Kiến trúc quốc gia; nhiều KTS, sinh viên kiến trúc đã đoạt giải thưởng Kiến trúc quốc tế. Có thể tự hào rằng, chưa khi nào vị thế của kiến trúc, của KTS và của Hội KTS Việt Nam trong sự nghiệp CNH-HĐH và xây dựng đất nước được xã hội khẳng định và tôn vinh như ngày hôm nay.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thì kiến trúc Việt Nam, KTS Việt Nam đang đứng trước những thử thách. Quy hoạch, kiến trúc đô thị-nông thôn chưa phát huy được vai trò xã hội, chưa hướng sự ưu tiên về đông đảo tầng lớp nhân dân lao động, nhất là nông dân và người nghèo đô thị. Tư duy và phương pháp lập quy hoạch còn chậm đổi mới, công tác nghiên cứu, thực thi và quản lý điều hành còn nhiều bất cập. Các công trình văn hóa, phúc lợi, nhà ở xã hội chưa được quan tâm đầu tư thích đáng. Nhiều khu vực cảnh quan thiên nhiên, nhiều không gian văn hóa di sản bị xâm lấn và hủy hoại. Nhìn diện mạo kiến trúc nước nhà hôm nay không khó nhận ra rằng, chúng ta xây dựng nhiều nhưng ít thành công về sáng tạo nghệ thuật. Kiến trúc phát triển chung chung mờ nhạt, thiếu bản sắc, tính hiện đại không triệt để, còn một khoảng cách khá xa với trình độ quốc tế. Đối với các xu hướng kiến trúc tiên tiến và đang phát triển trên thế giới như: Kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái, tiết kiệm năng lượng… cách tiếp cận và sự hiểu biết của chúng ta còn rất sơ lược. Đội ngũ KTS hôm nay tuy đông, hơn 15.000 người, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, nhưng lại phân bố không đều, phần lớn tập trung ở các đô thị lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, đã tạo nên bức tranh thừa và thiếu giả tạo về nhu cầu đào tạo và sử dụng KTS. Những năm qua, đã xuất hiện một số KTS tài năng, có phong cách trong sáng tác, tạo nên thương hiệu, đang dần tụ hội những điều kiện để cạnh tranh quốc tế; nhưng số lượng này chưa nhiều. Đặc biệt là không có các KTS đầu đàn và các bậc thầy, đây là điều đáng lo ngại trong phát triển nghệ thuật kiến trúc nước nhà trong thời kỳ mới. Môi trường hành nghề của KTS trong nền kinh tế thị trường còn nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách, về quyền tác giả, về chế độ thiết kế phí, về quy chế xét chọn và thẩm định dự án… Thực tế cho thấy, không có môi trường hành nghề tốt, thì không có sáng tạo, không có cạnh tranh lành mạnh, không có tác giả, tác phẩm kiến trúc tốt. Chúng ta cũng đang phải đối mặt với những thách thức do toàn cầu hóa gây ra, đó là nguy cơ bị quốc tế hóa kiến trúc bản địa, nhưng lại lúng túng trong bản địa hóa kiến trúc quốc tế; trì trệ chậm đổi mới trong tư duy sáng tác và tiếp cận cái mới... cùng nguy cơ hiểm họa do biến đổi khí hậu trái đất đã và đang gây ra cho Việt Nam và các nước trên thế giới. Tất cả những yếu kém và thách thức nói trên đòi hỏi những nỗ lực và đổi mới không ngừng từ cơ quan lập chính sách và quản lý kiến trúc quy hoạch xây dựng, đào tạo, đến môi trường hành nghề, năng lực sáng tạo của mỗi KTS cùng trách nhiệm của xã hội, của cộng đồng và của Hội KTS Việt Nam.
Ngày Kiến trúc Việt Nam là ngày hội của toàn dân, của cộng đồng, của các nhà quản lý kiến trúc-quy hoạch, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp xây dựng… những người đã và đang sát cánh cùng KTS để tạo nên nhiều tác phẩm kiến trúc tốt, có chất lượng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội.
Kỷ niệm Ngày Kiến trúc Việt Nam cũng là dịp để xã hội tôn vinh các tài năng kiến trúc, đồng thời khuyến khích và động viên các KTS, đặc biệt là KTS trẻ, để họ sáng tạo nhiều hơn nữa, cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng Tổ quốc trong thời kỳ mới, góp phần “Xây dựng nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, nền kiến trúc Việt Nam: Xanh-Hiện đại và Bản sắc trong thế kỷ 21.
KTS Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội KTS Việt Nam