“Tiếng vọng hành tinh”:Sự trở lại của kịch câm

Tác giả kịch bản và đạo diễn: NSƯT Phạm Thị Bích Ngọc, biên đạo múa Ngọc Ánh, biên đạo hình thể Kế Đoàn, vở kịch câm “Tiếng vọng hành tinh” phần 2 sẽ trở lại trên sân khấu trong tháng 8 này.

Năm 2006, trong Liên hoan sân khấu xã hội hóa toàn quốc tại TP.HCM, lần đầu tiên vở kịch câm (Pantomin) “Tiếng vọng hành tinh” của NSƯT Phạm Bích Ngọc đã ra mắt khán giả. Vở diễn này không những gây sự chú ý đặc biệt về một vở kịch câm có thời lượng dài (hơn 60 phút), mà còn được chú ý về nội dung đề cập đến một vấn đề sống còn của con người đang sống trên trái đất. “Tiếng vọng hành tinh” đã đoạt giải đặc biệt trong Liên hoan.

Hai năm 2010 và 2011, khắp các lục địa có nhiều biến động lớn về khí hậu, đe dọa ngày càng lớn, càng mạnh mẽ đến đời sống con người trên trái đất. Nghệ sĩ Bích Ngọc mong muốn phục dựng lại, nâng cao ngôn ngữ nghệ thuật kịch câm, dung lượng thể hiện một cách đầy đặn và mang tính biểu tượng nghệ thuật nhiều hơn trong tác phẩm “Tiếng vọng hành tinh” phần 2, để kịp thời ra mắt công chúng, đặc biệt là hướng tới sự quan tâm của lớp trẻ đang có nhu cầu cấp thiết hiểu biết về mối quan hệ khăng khít trong sự biến đổi khí hậu trái đất với con người - thiên nhiên - vũ trụ.

Câu chuyện trong “Tiếng vọng hành tinh” diễn ra khi trái đất đang đứng trước thảm họa của sự bất ổn định môi trường và khí hậu. Các đợt thảm họa từ thiên tai, khí hậu đã làm hàng trăm ngôi nhà, trường học, bệnh viện và các công trình văn hóa sụp đổ, hàng vạn người chết và hàng triệu người mất nhà ở, bơ vơ mất cha, mẹ, con cái. Thảm họa từ biến đổi khí hậu đã và đang lan rộng từ châu Á, châu Âu, đến các châu lục khác ngày càng tăng và vô cùng trầm trọng. Đứng trước tình trạng ấy con người phải làm gì? Đó là câu hỏi mà “Tiếng vọng hành tinh” muốn gửi tới người xem.

Pantomin (kịch câm hay kịch không lời) là một loại hình nghệ thuật mới xuất hiện từ giữa thế kỷ 20 bắt đầu từ 2 nghệ sỹ nổi tiếng thế giới là danh hài Sarlo và Marxen Marxo. Đây cũng là đại diện của hai phong cách của loại hình nghệ thuật Pantomin: Sarlo với phong cách hài hước, đã miêu tả cuộc sống một cách hiện thực, châm biếm những thói xấu một cách tinh tế và trào lộng đưa lại cảm xúc mãnh liệt cho người xem. Còn Marxen Marxo lại khác, qua tác phẩm, ông đã khẳng định cái đẹp đa dạng của con người và muốn con người muốn vươn lên, vượt qua nhiều khó khăn đời thường và sống để được yêu thương nhiều hơn.

Loại hình nghệ thuật Pantomin xuất hiện ở Việt Nam khoảng 40 năm trước. Với những tác phẩm nhỏ lẻ, các nghệ sỹ Pantomin đã dày công chuyển tải cho công chúng khán giả Việt Nam hiểu được những trường phái nghệ thuật mới mẻ này bằng tình cảm ngưỡng mộ của mình. Trong những năm gần đây, các nghệ sỹ thanh thiếu niên trẻ đã xuất hiện nhiều, nhưng hạn chế về sự sáng tạo “tiết mục mới” nên phong trào biểu diễn và thưởng thức có phần lắng đọng. Nhiều năm nay khán giả Hà Nội và Việt Nam đang chờ đợi và hy vọng Pantomin sẽ có sự phục hưng! Với “Tiếng vọng hành tinh”, có vẻ như hy vọng đã có cơ hội trở thành hiện thực.

P.V

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN