Chỉ trong vài tháng cuối năm 2011 mà đã có đến 4 liên hoan đờn ca tài tử (ĐCTT) được tổ chức khắp Nam bộ: Liên hoan ĐCTT tỉnh Bình Dương (tháng 9), Nhạc hội ĐCTT TP.HCM, Liên hoan ĐCTT ba tỉnh miền Tây Nam bộ tại Sóc Trăng (tháng 10), Liên hoan ĐCTT Nam bộ (tháng 11). Có thể nói phong trào ĐCTT đang ở vào giai đoạn phát triển khá thịnh vượng.
Âm thầm một dòng chảy
Hình thành từ cuối thế kỷ 19, phong trào “đờn cây” nhanh chóng lan tỏa khắp lục tỉnh. Ban đầu chỉ là phần hòa nhạc “giúp vui” của ban nhạc lễ giữa các khoảng nghỉ trong các nghi thức hôn - quan - tang - tế. Được sự hưởng ứng của công chúng, các nhạc công được dịp phô diễn những ngón đàn điêu luyện cũng như sáng tạo nhiều bài bản mới. Rồi chẳng biết tự bao giờ loại hình âm nhạc của nghi thức, lễ lạt này dần đi vào dân gian hình thành một phong trào ca nhạc rộng khắp Nam bộ từ những năm 1920: đờn ca tài tử. Đó là thời cả miền Nam đâu đâu cũng rộn rã tiếng đờn, lời ca. Bất cứ người dân Nam Bộ nào cũng võ vẽ vài bản đờn hoặc thuộc dăm ba bài ca. Bên chiếu tài tử, dù lạ hay quen, thân hay sơ, sang hay hèn hầu như không còn khoảng cách, chỉ có tâm hồn mộ điệu say mê tiếng nhạc lời ca. Những gia đình giàu có thường xuyên tổ chức cuộc chơi ĐCTT tại nhà, sẵn sàng bỏ nhiều công sức lẫn tiền bạc mời những nhóm tài tử nổi tiếng ở các nơi về chơi. Trẻ con chưa học chữ đã học đờn, học ca gần như là chuyện… hiển nhiên.
Phổ biến, dân dã là thế nhưng ĐCTT không hề dành cho “tay mơ” - như nhiều người hiểu lầm qua hai chữ “tài tử” - mà là “cuộc chơi” của những người tài năng, phải qua học hành bài bản, rèn luyện đàng hoàng. Người chơi ĐCTT giỏi rất được mến mộ, thậm chí là thần tượng không thua gì các ngôi sao cải lương thời thịnh vượng. Nhiều mối duyên đẹp đã bén từ chiếu tài tử. Như cụ Ba Thuần, một lão tài tử có tiếng ở “đất đờn ca” Phụng Hiệp (Cần Thơ), nhờ “mê chơi” mà quen ông Trần Văn Thành, một tài tử nổi danh ở Sóc Trăng, rồi chinh phục luôn con gái ông Thành bằng giọng ca thiên phú, tay đờn điêu luyện của mình. TS Mai Mỹ Duyên (Trưởng phòng Sau đại học, Đại học Văn hóa TP.HCM), sinh ra và lớn lên trong một gia đình tài tử ở Tiền Giang, luôn ngưỡng mộ người cha tài hoa của mình vì nhờ ngón đờn tuyệt vời mà ông có được… bốn bà vợ.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ĐCTT cũng giữ vai trò chủ chốt cho phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” ở Nam bộ. Nhiều bản tài tử, bài ca mới được sáng tác phục vụ công tác tuyên truyền, địch vận đã trở thành bất hủ như: Mặt trận Tầm Vu, Chống Bảo Đại… Ngay cả bản Dạ cổ hoài lang, tiền thân của bản vọng cổ - “bài ca vua” trên sân khấu cải lương - cũng được gợi ý từ chủ đề nỗi niềm dân nước cho “bài tập” sáng tác bài bản mới của Nhạc Khị, người thầy tài hoa của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, được giới ĐCTT rất kính phục.
Theo thời gian, cùng với sự phát triển cực thịnh của sân khấu cải lương, phong trào ĐCTT không còn rầm rộ nhưng vẫn không thể thiếu trong đời sống người dân Nam bộ, nhất là vùng nông thôn. Đến thời kỳ đổi mới, kinh tế khởi sắc, xã hội phát triển nhanh, nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật du nhập ào ạt, sân khấu cải lương rực rỡ là thế cũng dần bị đẩy lùi. ĐCTT chỉ còn là “dĩ vãng xa xôi” và thực sự đứng trước nguy cơ mai một. Từ những năm 1990, các địa phương dần “xốc” lại phong trào ĐCTT nhằm giữ gìn và phát huy loại hình nghệ thuật đặc sắc này: đưa ĐCTT vào phục vụ du lịch (sớm nhất ở Tiền Giang), tổ chức các liên hoan ĐCTT (hai năm một lần hoặc diễn ra mỗi năm)… Những năm gần đây, khi Nhà nước có kế hoạch lập hồ sơ trình UNESCO công nhận ĐCTT là Di sản phi vật thể của nhân loại thì phong trào ĐCTT đã trở lại thật mạnh mẽ. Hàng loạt liên hoan ĐCTT các cấp được tổ chức khắp nơi. Hiện nay, bất cứ tỉnh thành nào, gần như từ cấp xã trở lên là đã có CLB ĐCTT. Ngay tại TP.HCM, thành phố hiện đại nhất cả nước, có đến 118 CLB ĐCTT với hơn hơn 1.000 tài tử đờn và ca. Trong đó, có những gia đình cả 3 đời đều theo ĐCTT.
Tham gia nhóm điền dã khảo sát 21 tỉnh thành có ĐCTT để lập hồ sơ UNESCO, TS Mai Mỹ Duyên mặc dù đã gắn bó lâu năm với ĐCTT cũng không giấu được sự ngạc nhiên trước sức sống mãnh liệt của ĐCTT trong đời sống người dân Nam bộ: “Chỉ qua những con số khô khan thôi nhưng chúng tôi rất xúc động vì ĐCTT vẫn “sống”, vẫn còn “trong máu” người miền Nam. Bấy lâu nay chúng ta đã có phần chủ quan khi nghĩ rằng lớp trẻ đã quay lưng với nghệ thuật truyền thống nhưng qua lần chấm thi Tiếng hát truyền hình tại Kiên Giang vừa rồi thì tôi lại thấy tin tưởng khi nhiều em trẻ hát rất hay, nhịp rất vững, chứng tỏ các em phải học hành đàng hoàng, hoặc sinh ra trong gia đình ĐCTT. Các em lại có phong cách biểu diễn rất hiện đại, chuyên nghiệp không thua gì nhạc trẻ, đánh đổ những ấn tượng, quan niệm sai lầm lâu nay là mê cổ nhạc thì phải quê mùa…”.
Biểu diễn đờn ca tài tử phục vụ khách du lịch
Nghề thời thượng?
Cũng như bao loại hình khác, dưới sự tương tác với xã hội, ĐCTT cũng ít nhiều không còn giữ được những giá trị nguyên sơ mà biến đổi theo hoàn cảnh. Trước đây, ĐCTT là “cuộc chơi” của những tâm hồn thảnh thơi, mong tìm bạn tri âm tri kỷ, mang một phong cách thật phóng khoáng, tao nhã và có phần trưởng giả (dù người chơi ĐCTT có thể rất nghèo khó). ĐCTT không mang tính chất sân khấu trình diễn, lại càng không phải là nghề mưu sinh. Tuy nhiên, với nhịp sống hối hả hiện nay thì quả thật “cơm áo không đùa với khách thơ” và ĐCTT cũng đi vào kinh tế thị trường khi trở thành một “nghề” kiếm tiền (thậm chí còn là “nghề thời thượng”). Ban đầu chỉ có các ban nhạc tài tử phục vụ du khách trong các khu du lịch nhằm quảng bá văn hóa Nam bộ (nhất là với khách nước ngoài) đồng thời góp phần giữ gìn và phát huy một giá trị truyền thống đặc sắc. Dần dần các nhà hàng, quán ăn, quán nhậu có phục vụ ĐCTT mọc lên “như nấm sau mưa”. Cũng từ đây chữ “tài tử” từ gốc ĐCTT cũng ít nhiều biến nghĩa khi không còn chỉ “tài tử - giai nhân” nữa mà thể hiện chất “nghiệp dư”, tùy hứng, tùy sở thích nhiều hơn. Âm nhạc tài tử chính thống cũng dần bị “cải lương hóa” trong công cuộc mưu sinh này. Cũng khó trách nhiều người nhầm lẫn giữa ĐCTT với cải lương khi mà bước vào những nơi có treo biển ĐCTT (kể cả các liên hoan ĐCTT) là họ lại nghe toàn vọng cổ, trích đoạn, bài bản cải lương.
Nhạc hội ĐCTT TP.HCM 2011 (Trung tâm văn hóa TP.HCM tổ chức), đã diễn ra vào ngày 24, 25/9 tại Khu du lịch Văn Thánh, như một cuộc biểu dương lực lượng của giới ĐCTT, phô diễn tiềm năng ĐCTT bấy lâu nay vẫn tiềm ẩn trong dân chúng; là dịp nhiều nghệ sĩ các thế hệ tề tựu lại truyền thụ kinh nghiệm cho lớp trẻ; đồng thời là cơ hội để phát hiện những danh ca, danh cầm mới. Tham gia nhạc hội có 28 CLB, đội nhóm (đã được sàng lọc từ cấp cơ sở) với 107 tài tử đờn và 126 tài tử ca, cùng 8 CLB ĐCTT “khách mời” từ các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Bạc Liêu... Chương trình khai mạc được trực tiếp trên HTV1, và bế mạc được trực tiếp trên VTV9 và VTV4. Theo BTC, nhạc hội sẽ diễn ra 2 năm một lần, vào năm 2013 dự kiến sẽ mời nghệ sĩ Việt kiều về tham gia. |
Bất cứ loại hình nghệ thuật nào muốn tồn tại cũng phải phát triển thích ứng với xã hội nhưng vẫn phải bảo đảm được những giá trị cốt lõi của nó chứ không thể biến tướng tùy tiện. ĐCTT vẫn “sống” nhưng không có nghĩa là “sống khỏe” khi bị “biến dạng” ngày càng trầm trọng. GS-TS Trần Quang Hải từng bày tỏ sự quan ngại rằng xu thế “cải lương hóa” và những biến chuyển ngày càng lệch so với giá trị gốc có thể là lực cản lớn nhất trong hành trình đến UNESCO của ĐCTT. Đồng quan điểm, NNDG Bạch Huệ, đã có hơn 60 năm gắn bó với ĐCTT cũng băn khoăn: “Việc đưa ĐCTT thành di sản phi vật thể để mọi người quan tâm hơn và có phương hướng bảo vệ là rất tốt. Tuy nhiên cần phải lựa chọn cho kỹ đâu mới là đúng gốc tài tử. Hiện nay các CLB ĐCTT rất nhiều nhưng chỉ toàn chơi bài bản cải lương, “nghệ nhân” cũng không ít nhưng có mấy ai thuộc được 20 bài Tổ, phong cách chơi cũng đã biến tấu nhiều, không còn giữ được đúng chất tài tử nữa...”. Nếu hài lòng với sự phát triển bề nổi như hiện nay thì rất có thể chúng ta sẽ đánh mất những giá trị vô giá của ĐCTT mặc dù số lượng các CLB, tụ điểm, “nghệ nhân” ĐCTT vẫn tiếp tục gia tăng.
Ninh Lộc (Theo TTVH)