Những lễ hội mới: Hiệu quả đến đâu? - Bài 2: Còn nhiều trắc trở

Bên cạnh những mặt được thì những mặt trái của lễ hội mới cũng không phải ít. Sau một thời gian tổ chức, những mặt chưa được của những lễ hội mới ngày càng bộc lộ rõ và gặp không ít những phản ứng từ dư luận xã hội, các nhà chuyên môn.

 

Rước tượng Vua Lý Nhật Quang tại Lễ hội đền Quả Sơn (Nghệ An). Ảnh: Hữu Việt - TTXVN

 

Ông Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VH, TT & DL tỉnh Lào Cai cho biết: “Chuyển sang cơ chế thị trường, việc tổ chức các sự kiện theo hình thức lễ hội, liên hoan dạng “trăm hoa đua nở” là nhu cầu tất yếu. Việc tổ chức các sự kiện này thường nhắm tới mục đích quảng bá hình ảnh địa phương, giới thiệu các điểm du lịch để qua đó thúc đẩy kinh tế, thu hút đầu tư.


Tuy nhiên, sau khi một số lễ hội mới thành công, gây được hiệu ứng nhất định đã dẫn đến hiện tượng “con gà tức nhau tiếng gáy”, các địa phương đua nhau tổ chức lễ hội theo kiểu khoa trương. “Một số địa phương không có tiềm năng, lợi thế về du lịch nhưng vẫn tổ chức sự kiện gọi là “lễ hội du lịch” hoặc tổ chức theo kiểu “lễ sinh nhật” của địa phương, tiêu tốn hàng chục tỷ đồng. Nguồn kinh phí ấy chủ yếu do ngân sách nhà nước cấp, rất tốn kém”, ông Sơn nói.


Về hình thức tổ chức, các sự kiện mang danh lễ hội mới này thường có các chương trình nghệ thuật tổ chức theo kiểu na ná như nhau. Nhiều chương trình nghệ thuật được áp dụng từ mô hình địa phương này sang địa phương kia. Nếu quan sát kỹ có thể thấy, nhiều chương trình do cùng một đạo diễn, một công ty tổ chức và đương nhiên sự hao hao giống nhau là việc khó tránh khỏi. Hầu hết các chương trình lễ hội làm hoành tráng theo kiểu sân khấu. Công thức chung các lễ hội mới tổ chức mang nặng tính hình thức sân khấu thường gồm chương trình biểu diễn nghệ thuật hoành tráng và các hoạt động triển lãm, vui chơi kèm theo.


Tùy theo mức độ chi của chủ nhà mà chương trình biểu diễn sẽ theo hai hình thức: chương trình hoành tráng, dàn dựng công phu với hàng ngàn nghệ sĩ tên tuổi. Nếu kinh phí ít thì vẫn khung chương trình như vậy nhưng làm đơn giản theo kiểu chọn một chủ đề, sau đó tổ chức các tiết mục của từng đoàn đơn lẻ, gom vào thành chương trình. “Và lẽ đương nhiên, trong các sự kiện kiểu này, khách mời là quan chức và thành phần ban, ngành địa phương, người dân bị đẩy ra rìa. Hơn nữa, khi chương trình mang tính sân khấu thì chủ thể diễn trên sân khấu là diễn viên chuyên nghiệp, còn người dân chỉ là khán giả đơn thuần. Mà đã là lễ hội kiểu sân khấu thì chủ yếu dành cho quan chức và báo chí, truyền thông”, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thẳng thắn nhận xét.


 

Thi kéo lấy lửa (phần Địch hỏa) của sáu Giáp tại Lễ hội truyền thống làng Ngọc Tiên(Nam Định). Ảnh: Thanh Hà - TTXVN

Có một vấn đề là, khi tổ chức lễ hội mới mục đích chính là để quảng bá thu hút khách nhưng dịch vụ và khả năng hạ tầng có thể đón tiếp được du khách đến đâu lại là vấn đề khác. “Thực tế, khi các lễ hội mới này tổ chức, vấn nạn không đủ chỗ lưu trú cho khách, dịch vụ bị thả nổi... luôn là vấn đề nhức nhối. Đôi khi tai tiếng để lại còn lấn át những hình ảnh quảng bá”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Vụ phó Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) nhận xét.


Đứng từ góc độ công ty du lịch, chị Tuyết Minh, HG Travel cho biết: “Thử hỏi khách đến lễ hội là ai? Hiện chưa có thống kê nhưng dễ nhận thấy là khách đến một số lễ hội mới vừa qua chủ yếu là người quanh vùng đó. Khác chăng là có một lượng khách Hà Nội và TP.HCM đi theo tour đến Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng và Lễ hội hoa Đà Lạt. Còn phần lớn công ty du lịch hướng tới đối tượng khách quốc tế đều có khuyến cáo khách không nên đến dịp này vì chất lượng dịch vụ, giá cả khó kiểm soát. Đó là chưa kể thông tin cung cấp để phục vụ cho bán tour rất thiếu, thậm chí chỉ khi cách ngày khai mạc khoảng 1 tháng mới có lịch chính thức thì không ai bán được tour lúc đó”.


Tình trạng các lễ hội mới tổ chức theo kiểu na ná nhau dẫn đến khán giả xem truyền hình quay lưng với chương trình bởi sự nhàm chán, thiếu chuyên nghiệp, thiếu tính nghệ thuật. “Điều này cho thấy hiệu quả kinh tế và xã hội thấp. Chính vì vậy, Bộ VH,TT&DL cần có sự định hướng và giải pháp kịp thời, nếu không chẳng bao lâu nữa, vùng vùng, miền miền, tỉnh tỉnh, huyện huyện, thậm chí là xã xã… trong cả nước đều tổ chức lễ hội đương đại”. PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nhận xét.


Còn ông Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng: “Các lễ hội mới tổ chức gần đây vô cùng tốn kém, ngày càng mở rộng về quy mô, mời nhiều quan khách nhưng hiệu quả thấp. Cộng đồng tuy là chủ thể nhưng lại thành người đi xem hội”.


Tại hội thảo mới đây về công tác lễ hội, các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng: “Lễ hội là một nhu cầu sinh hoạt văn hóa của con người; có sự giao thoa văn hóa thời hội nhập. Một số lễ hội vùng miền được mở rộng, có quy mô quốc gia. Số lượng người tham gia sáng tạo, làm dịch vụ và hưởng thụ lễ hội cũng tăng lên. Thực tế hiện nay đã và đang xuất hiện xu hướng nâng cấp lễ hội lên tầm cao hơn thành cấp khu vực và cấp quốc gia, dẫn đến hiện tượng đơn điệu hóa, trần tục hóa và thương mại hóa lễ hội.


Xuân Minh

 

Bài cuối: Cần có giải pháp quản lý

 

Những lễ hội mới: Hiệu quả đến đâu?: Bài 1: Những tác động tích cực
Những lễ hội mới: Hiệu quả đến đâu?: Bài 1: Những tác động tích cực

Trong khoảng chục năm trở lại đây, nhiều vùng, miền đã tổ chức các lễ hội mới nhằm quảng bá hình ảnh, xúc tiến du lịch để thu hút du khách. Việc tổ chức loại hình lễ hội mới này thường đòi hỏi chi phí rất cao, cả về tiền bạc, thời gian và công sức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN