Có một người bạn của Lê Minh Quốc (ảnh) đã đồ rằng, Lê Minh Quốc là người sinh ra chỉ để làm thơ, đặc biệt là thơ tình.
“Từ bài thơ đầu đời đến nay, tâm hồn thơ của Quốc vẫn khát khao và nuôi dưỡng một vẻ đẹp thuần khiết với những hương hoa, mùi lá trong vườn, với những ban mai, ngọn sao trời, với những búp non, tay thơm, với những nàng thơ ngoan hiền, lễ phép...”. Có ai đó từng nói, muốn biết con người nhà thơ, hãy đọc thơ họ. Câu nói này đúng hoàn toàn với Lê Minh Quốc.
Trong thơ anh, cho dù là cả một trường ca hay chỉ là đoản khúc, thì âm hưởng thơ luôn gắn kết với bóng dáng tình nhân, dù thời điểm ấy anh đang hạnh phúc, sum vầy hay khổ đau, chia ly…
Dường như mỗi bài thơ ra đời cũng là một cách giúp anh cảm tạ những người đàn bà đã đem đến cho anh thi hứng: “Anh bước ra ngã tư đường phố nằm dài xuống đất nhìn lên trời đón từng giọt mưa rớt xuống lắng nghe tiếng em thì thầm kể về cuộc tình của đôi ta thơm như hoa cúc hoa ngâu mà anh chỉ là người ghi chép lại tâm trạng của em và suy nghĩ của anh chính vì thế cả đôi ta cùng tác giả”.
Rồi anh quả quyết: “Không phải tôi làm thơ đâu. Chính cái chua ngoa, ngoa ngoắt, đay nghiến, yêu thương… của người phụ nữ mà tôi yêu say đắm, rồ dại đã làm ra những bài thơ đó. Tôi chỉ là người ghi chép lại mà thôi. Tôi “ghi chép” nhiều bởi tôi có quá nhiều cuộc tình. Nhiều như thế là ngốc. Nhưng biết làm sao được: “Nhưng chỉ sớm mai thôi/ Chỉ cần nghe gió hát trên môi/ Mây trời bay thấp thoáng/ Bóng hồng khác lại khiến anh choáng váng/ Săn đuổi theo bằng cảm xúc huy hoàng/ Như lần đầu tiên/ Như lần thứ nhất/ Cũng đắm say đầu mày cuối mắt…”.
Tình yêu đã giúp Lê Minh Quốc lấy lại thăng bằng trong đời sống nhiều bộn bề, lo toan này. Bởi thật ra, nhiều lúc bình tâm đi trong cuộc đời cũng chính là lúc con người ta chông chênh nhất.
Chỉ có yêu, tin vào tình yêu Lê Minh Quốc mới khẳng định một đời sống hướng thiện và chung thủy:“Câu thơ vào đời chưa hoen ố đức tin/ Đã yêu thì phải tin/ Anh tin tình ta thật sự xanh như mùa lá mới/ Em mới lớn và tình non con gái/ Tình đang xanh bởi tình mới dậy thì”.
Có người bạn đọc thơ tình của Lê Minh Quốc còn hình dung trái tim thơ của anh như hiệp sĩ Don Ki-ho-te không mệt mỏi chiến đấu với những cánh quạt ma quái của cuộc sống. Và trái tim đó không bao giờ… thất nghiệp. Nói cách khác, ở anh có một nội lực ghê gớm để yêu liên tục từ mối tình này đến cuộc tình khác, không mệt mỏi, không dừng chân, cứ hăm hở lao tới, cho dù đó là những bóng hồng thoáng gặp làm cho trái tim thi nhân rung lên những cung bậc cảm xúc: “Hỡi người tình gặp nhau trong phút chốc/ Hãy yêu tôi như gió lốc/ Nếu chần chừ/ Tôi sẽ thành kẻ khác…”.
Yêu nhiều, hẳn nhiên, trái tim anh cũng gặp nhiều bất trắc. Khi chạm vào những đổ vỡ, tâm hồn thơ ấy đã va đập với những nghiệt ngã, chứ không phải tình yêu là trái chín mang màu hồng hạnh phúc. Trái tim anh thường xuyên chạm phải những khúc nhạc buồn chia xa, mất mát, đổ vỡ.
Các cuộc yêu, rốt cuộc, chẳng đi đến cùng được với anh. Lê Minh Quốc cũng đã từng thú nhận, đối với anh, tình yêu là nỗi hoan lạc tuyệt vời nhất nhưng cũng là nỗi tuyệt vọng, bi thảm nhất: “Mỗi lần yêu là mỗi lần suýt chết/ Tại sao tôi phải chịu đựng quá nhiều?”.
Anh luôn luôn săn đuổi tình yêu nhưng số phận lại không mỉm cười với anh. Người tình đến và đi để lại trong anh một vết xước khó phai theo năm tháng. Điều đau đáu nhất trong thơ tình của Lê Minh Quốc vẫn là mảnh vỡ của nhiều cuộc tình không bao giờ đi tới bến bờ hôn nhân, hạnh phúc: “Tình yêu cũng giống như một cơn gió đi qua ngã tư đường phố/ Thổi anh trôi dạt về phía vô cùng/ Không biết bấu víu vào đâu/ Anh cầu cứu đám mây/ Nhưng mây cứ bay/ Anh cầu cứu vòm cây/ Nhưng cây rụng lá/ Anh cầu cứu con đường/ Nhưng gặp nhiều lối rẽ/ Gió đã xô anh ngã/ Không biết cầu cứu ai…”.
Làm thơ tình, theo như quan niệm của Lê Minh Quốc, đó là khi anh muốn được giãi bày góc khuất của tâm hồn. Cũng như nghệ thuật là sự lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn của chính mình. Dù rằng, không bao giờ anh có thể lấp đầy khoảng trống ấy được, vì lấp đầy cũng đồng nghĩa với sự bất lực.
Lê Minh Quốc chạy theo thơ một cách hăm hở bởi dường như anh luôn ảo tưởng mình sẽ bắt kịp được nàng. Chính ảo tưởng ấy giúp anh còn có thể mê đắm với thi ca cho đến hết đời mình.
Điều đáng trân trọng là trong tình yêu và trong thơ, Lê Minh Quốc luôn nói thật, dù đó là những chia cách đớn đau nhưng anh ít tự dối lòng. Như thể, với thi ca, anh trút bỏ được một phần những trĩu nặng trong tâm hồn vốn nhạy cảm và nhiều nghĩ suy: “Đừng hôn nhau bởi chia tay lần nào cũng vội/ Dù vội dù không lá cũng rụng ngang trời/ Dù níu lại hương em vẫn chập chờn theo gió cuốn/ Tiếng ve gầy thảng thốt rớt trên môi/ Chia tay ư? Chẳng phải đâu chỉ đưa tay níu lại/ Ngày trôi nhanh và em cũng về nhanh/ Những câu thơ xạc xào như lá đổ/ Linh hồn anh vụn vỡ/Em ném thênh thang cho ba sáu phố phường”…
Dạo này, ngoài thi ca, Lê Minh Quốc còn dấn thân vào hội họa. Anh chỉ tự nhận mình “tập vẽ” vậy mà cũng đã đủ tranh để làm triển lãm chung với vài người bạn.
Nói về vẽ tranh, anh chia sẻ: “Đây là một cảm giác lạ lùng mà lần đầu tiên tôi cảm nhận được. Cái khung vải nhỏ ấy bỗng như có một ma lực hấp dẫn lạ lùng, lạ lùng nhất là tôi nhìn thấy ở đó thăm thẳm như biển khơi trập trùng sóng vỗ. Vẽ gì đi chứ. Nào ai biết vẽ gì. Tôi ngồi thừ ra và nhẹ nhàng… đặt cọ xuống. Tâm trạng này lặp đi lặp lại nhiều lần. Nhưng rồi tôi tự nhủ, mình vẽ như là đi chơi, chứ mong điều gì khác đâu mà sợ. Mà trên đời này chỉ có đi chơi là sướng nhất. May mắn tranh của tôi có người thích. Thích thì tôi tặng. Tranh của tôi không được đặt tên, người xem muốn đặt tên như thế nào là tùy theo cảm nhận của người ấy”.
Anh cũng đã từng có thơ về việc mình vẽ tranh: "Trước khung tranh trắng toát một màu/ Anh cảm thấy như sắp lao xuống biển/ Nhưng chẳng biết bơi/ Vẽ gì đi tôi ơi/ Biết vẽ gì khi tâm hồn trống rỗng”…
Lê Minh Quốc hiện là Thư ký tòa soạn của báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh. Nếu ai từng gặp một Lê Minh Quốc của thường nhật với công việc làm báo, làm MC, làm sách lịch sử, tuyển chọn thơ… chắc hẳn sẽ ngạc nhiên vì không hiểu anh sắp xếp thời gian thế nào để có thể “ôm” việc nhiều đến thế.
Lạ hơn nữa, thơ anh phảng phất những “bóng hồng”, nhưng anh thường độc hành, đơn thân trong các cuộc vui. Lúc đó, anh thuộc về số đông với sự dí dỏm, thông minh và hài hước sẵn có. Cái chất giọng Quảng Nam còn lẩn khuất trong âm điệu của người đàn ông xa xứ đã lâu vẫn làm cho bao cuộc xôm tụ rôm rả tiếng cười. Lúc đó, anh thực sự thoát khỏi con người thơ u sầu, vò võ và cô đơn trong tình yêu.
Nhà thơ Lê Minh Quốc từng tự nhận mình bị nghiệp thơ và người thơ đày đọa. Giờ đầu đã hai thứ tóc nhưng anh vẫn như một gã trai giang hồ không bến đỗ bình yên, không có một tổ ấm như bao bạn bè cùng trang lứa.
Xét cho cùng, thì điều đó cũng không thực sự quan trọng đối với người đàn ông mải mê kiếm tìm cái đẹp và mê say công việc như anh. Nhưng nói không buồn là không đúng. Anh tâm sự: “Thường khi quay về với chính mình, thì tôi lại rơi vào một trạng thái chông chênh, cô độc, lạnh lùng. Lúc ấy tôi nằm một mình nhìn nhện giăng trên trần nhà, nhìn hạt bụi bay lơ lửng trong không gian chật hẹp… Lúc buồn tôi thường ghé lại những hiệu sách cũ, như là một cách thư giãn. Có thể tôi vui vì tìm được một quyển sách hay hoặc có thể buồn khi thấy quyển sách mình từng nắn nót đề tặng một giai nhân sắc nước hương trời lại bị ném cho ve chai để lọt vào cửa hàng sách cũ đầy bụi bặm… Lúc một mình tôi hay đọc sách. Tôi rất ghét xem phim, xem truyền hình một mình. Nếu không thì tôi lại vẽ. Vẽ cũng là một quá trình trò chuyện với nhân vật thứ hai. Đọc sách cũng thế. Chẳng thà thế, còn hơn trò chuyện bằng xương bằng thịt với người thứ hai bằng câu chuyện nhạt nhẽo, vô bổ…”.
Nhật Huy