Nghệ sỹ nhạc Jazz Nguyễn Tuấn Nam: “Để đến được với khán giả , trước tiên mình phải “hay” đã...”

Là sinh viên duy nhất của Học viện Âm nhạc (HVÂN) quốc gia được đặc cách tuyển thẳng vào HVÂN Malmo (Thụy Điển) với học bổng toàn phần khóa đào tạo cử nhân và thạc sỹ chuyên ngành Piano Jazz. Sau ba năm dùi mài kinh sử nơi xứ người, Nguyễn Tuấn Nam trở về Việt Nam với tấm bằng xuất sắc cùng bao ước mơ, hoài bão và ít nhiều trăn trở. Trò chuyện với chúng tôi, giảng viên - nghệ sỹ nhạc Jazz Nguyễn Tuấn Nam tâm sự mong ước của anh là “làm mới hơn, làm đẹp hơn cho jazz Việt”.

Trở về VN và ngay lập tức ra mắt công chúng bằng một chương trình khá hoành tráng “Nguyễn Tuấn Nam gặp gỡ tam tấu Ponilsson” vào cuối năm ngoái, 2010. Khi đó, anh đã từng chia sẻ muốn dùng jazz để đem đến những câu chuyện cho khán, thính giả. Nhớ lại khi đó, anh có nghĩ rằng với một người “mới” như mình, liệu rằng đó có phải là hành động “điếc không sợ súng”?

Cũng có hơi run những tôi nghĩ làm liveshow nhạc jazz vào thời điểm đó là thích hợp nhất. Khi bắt tay vào thực hiện cùng các cộng sự, tôi chỉ có một mong muốn là thông qua chương trình sẽ giúp công chúng thấy được rằng không khó nghe, không hề xa cách mà trái lại, jazz thật sự dễ yêu, rất đáng yêu và sẽ rất tuyệt vời khi đã được yêu!

Nghệ sĩ Nguyễn Tuấn Nam trong một buổi biểu diễn.


Trước đó, anh có biết rằng một người “sống chết với jazz” như nghệ sỹ Quyền Văn Minh nhiều khi cũng tỏ ra “bất lực”, bởi ông đã theo đuổi dòng nhạc này hàng mấy chục năm trời nhưng kết quả vẫn không như mong muốn?

Tôi biết chứ! Và tôi muốn chia sẻ sự khó khăn đó với nghệ sỹ Quyền Văn Minh. Nếu như ai cũng chọn cho mình những con đường trải đầy hoa hồng để đi thì jazz mãi mãi sẽ chỉ ở trong bóng tối đối với đại bộ phận công chúng Việt.

Có một thực tế thế này: Ở VN, trong khi những dòng nhạc khác có nhiều đất diễn thì jazz “một mình một chiếu” vốn được coi là kén người nghe và không có đầu ra. Một người trẻ như anh, tại sao lại lao vào con đường đầy chông gai ấy?

Tôi biết, ở VN hiện nay, jazz chưa phải là sự lựa chọn ưu tiên của công chúng mặc dù chưa có một con số thống kê nào về số lượng người nghe nhạc jazz để có thể khẳng định được điều đó. Không riêng gì cá nhân tôi, những nghệ sỹ chơi nhạc jazz ở VN không phải là không biết điều đó, không hiểu điều đó. Nhưng càng biết, càng hiểu, tôi và các nghệ sỹ theo đuổi dòng nhạc này càng quyết tâm đưa jazz đến với công chúng đều đặn, thường xuyên và chất lượng hơn để jazz ngày càng có nhiều cơ hội chia sẻ những câu chuyện kể bằng giai điệu và tiết tấu đầy chất ngẫu hứng nhưng không kém phần triết lý cũng như trữ tình của mình với khán, thính giả.

Vậy hẳn là anh đã có nhiều dự định?

Sau khi tốt nghiệp HVÂN Malmo (Thụy Điển), tôi nhận được lời mời của HVÂN Quốc gia VN và trở thành giảng viên bộ môn Piano nhạc jazz khoa Accordionguitarjazz. Khi về nước, tôi có rất nhiều dự định với mong muốn góp phần làm mới hơn, làm đẹp hơn cho jazz Việt. Vì vậy, tôi rất hạnh phúc khi được trở thành đồng nghiệp của những nghệ sỹ bậc thầy thuộc thế hệ đi trước, những người được cho là có công đưa jazz vào Việt Nam như PGS. TS Lưu Quang Minh, NSƯT Quyền Văn Minh, Quyền Thiện Đắc…

Nguyễn Tuấn Nam (trái) tham dự Triển lãm Âm nhạc Thế giới 2009 tại Frankfurt, Đức.


Một người muốn theo đuổi dòng nhạc này cần phải có những tố chất gì, thưa anh?

Tính ngẫu hứng. Nếu nhạc cổ điển đòi hỏi sự tuân thủ sáng tạo tuyệt đối của nhạc sỹ thì đặc trưng của jazz là tính ngẫu hứng. Nghệ sỹ vừa biểu diễn vừa ứng tác tức thì dựa trên cái nền sẵn có. Do đó chơi nhạc jazz cần phải có kỹ thuật, có tư duy, sự rèn luyện và cao hơn là tố chất sáng tạo…
Không quá kén khán giả như dòng nhạc cổ điển, nhưng nhạc jazz vẫn không phải là “món ăn” thông dụng đối với đại bộ phận công chúng nước ta.

Theo anh, cần phải làm gì để đưa những dòng nhạc kén người nghe vào đời sống?

Ở nhiều nước, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các học sinh đã được học âm nhạc. Âm nhạc của họ phát triển qua tivi, đài, trên tàu điện ngầm, trên xe buýt… khắp nơi đều vang lên những bản nhạc chính thống mà chúng ta cho rằng kén người nghe. Họ đã tạo được môi trường cho âm nhạc.

Ở nước ta, các phương tiện truyền thông đại chúng chủ yếu chiều theo khán giả chứ không định hướng được khán giả. Theo tôi nghĩ, trẻ em bây giờ cần phải được học nhạc, được nghe nhạc. Nhưng chương trình học bây giờ bị quá tải khiến âm nhạc, đáng lẽ ra là môn thư giãn thì lại trở thành thứ không thể thư giãn…

Vậy theo anh, chúng ta cần phải làm gì?

“Ở nước ta, các phương tiện truyền thông đại chúng chủ yếu chiều theo khán giả chứ không định hướng được khán giả. Theo tôi nghĩ, trẻ em bây giờ cần phải được học nhạc, được nghe nhạc. Nhưng chương trình học bây giờ bị quá tải khiến âm nhạc, đáng lẽ ra là môn thư giãn thì lại trở thành thứ không thể thư giãn…”.

Theo tôi, muốn có một nguồn khán giả có trình độ, ngoài việc đưa những môn học như âm nhạc, mĩ thuật… vào nhà trường thì cần phải có một kênh truyền hình phát các chương trình cổ điển, jazz… Tôi nghĩ, 70 - 80% dân số Việt Nam thư giãn qua truyền hình nên truyền hình đóng vai trò rất quan trọng.

Cá nhân anh, anh sẽ làm gì để kéo khán giả lại gần với âm nhạc của mình?

Tôi nghĩ để khán giả đến được với mình hay mình đến được với khán giả thì trước tiên mình phải “hay” đã, mình phải đầu tư bài bản và lao động một cách nghiêm túc. Với tôi, jazz là một phần máu thịt nên những buổi biểu diễn của tôi có người thưởng thức một cách say mê và nghiêm túc là tôi cảm thấy vui rồi!

Xin cảm ơn anh và chúc anh thành công với sự lựa chọn của mình!

Linh Sơn(thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN