Ngẫu hứng nhạc sống Hồ Gươm

Chuyện về những buổi biểu diễn âm nhạc đường phố ở Hồ Gươm, nơi ca sĩ là thợ hồ và nhạc công là dân văn phòng.

Nghệ sĩ violon đường phố Tạ Trí Hải ngồi trên ghế đá, nhắm mắt thả hồn kéo violon. Bên cạnh nghệ sĩ, một người đàn ông mặc quần đùi, áo ba lỗ, đang nghển cổ cố gắng ngân một nốt nhạc khó. Tiếng hát của ông này hầu như không liên quan lắm đến tiếng nhạc cụ. Đối diện họ là một thanh niên cao to với quần bò, áo phông mồ hôi nhễ nhại đang "quạt" đàn guitar phừng phừng.

Ba người bọn họ lọt thỏm giữa vòng tròn khán giả. Bất chấp tiếng còi xe inh ỏi xung quanh, đám đông vẫn say sưa hát cùng các nghệ sĩ.

Tối nào cũng vậy, những người yêu âm nhạc lại tập trung bên bờ Hồ, đoạn đối diện tượng đài vua Lê. Tâm điểm của buổi diễn là nghệ sĩ Tạ Trí Hải và cây violon của mình.

Cụ Hải đang chơi đàn cho mọi người đồng ca ở Hồ Gươm tối 12/10/2011.


Tên tuổi của ông vốn đã gắn liền với Thành phố Hồ Chí Minh, nơi ông được biết đến như một nghệ sĩ cô độc, thường lặng lẽ kéo đàn trong Công viên 30-4.

Việc ông trở lại chơi nhạc ở Hà Nội, cũng là nơi chôn nhau cắt rốn đã đem đến cho người dân sống quanh Hồ Gươm thêm một món ăn tinh thần đặc sắc.
Những người chơi nhạc và yêu nhạc dần dần tìm đến biểu diễn cùng ông. Thêm một cây đàn guitar, một cây đàn mandoline, đôi khi cả trống bongos và kèn harmonicar... họ tạo thành một ban nhạc. Cảm hứng từ người nghệ sĩ già khiến họ có thể chơi nhạc liên tục tới tận 2 giờ sáng vào những ngày cuối tuần.

"Tối nào tôi cũng ra đây, đi bộ 2 vòng hồ rồi ngồi hát cùng cụ Hải"- Vũ Duy Cương, một công nhân điện lạnh đã nghỉ hưu nói. Ông Cương là một thành viên tích cực trong nhóm nhạc. Mỗi tối ông hát liên tục từ 1 đến 2 tiếng cùng mọi người.

Những người đến xem như ông Cương tạo thành một dàn đồng ca thú vị. Một nửa trong số họ là những người đi chơi hiếu kì ghé ngang, sinh viên đại học, những đôi yêu nhau, khách du lịch... Nửa còn lại là những người dân sống xung quanh hồ, tối tối ra nghe cụ biểu diễn. Lúc cao điểm có đến 30 người ngồi nghe và rất nhiều người ghé ngang nhìn cho thỏa mãn hiếu kì.

Những người đã quen thì mạnh dạn xin ban nhạc chơi bài hát mà họ thích. Những người mới đến thì đứng ngoài với ánh mắt hiếu kì. Sau vài bài, cảm giác xa lạ không còn, tất cả họ xích lại gần nhau và cùng hát.

Giống như nhiều người khác ở đây, ông Cương hát nhiều đoạn không được đúng nhạc cho lắm. Nghệ sĩ Trí Hải chỉ khẽ nhăn mặt mỗi khi ai đó hát quá sai, nhưng sau đó ông lại im lặng chơi nhạc. Nhưng những nhạc công chơi cùng ông thì thỉnh thoảng vẫn phải dừng chơi, bắt nhịp lại dàn đồng ca đang bắt đầu hỗn loạn.

"Ở đây tôi được sống đúng với con người của mình, bỏ đi cái "hộp" công chức trang trọng bên ngoài và cảm thấy cực kì thoải mái" - Lê Trung Dũng, một cán bộ ngân hàng 37 tuổi, đồng thời là một tay chơi guitar đầy ngẫu hứng nói.

Hầu như mỗi tối Dũng đều ra đây chơi guitar cùng mọi người. Anh đưa cả người yêu của mình đến nghe. Chị thường đứng tách khỏi đám đông một chút, vừa nghe nhạc vừa tập aerobic.

Thậm chí khi phải về sớm, anh có thể để luôn cây guitar của mình cho các nhạc công trẻ mới quen cầm hộ. Hôm sau họ lại mang đàn đến cho anh chơi tiếp.

Rất nhiều trong số thính giả trung thành của nghệ sĩ Trí Hải và ban nhạc là những người lao động chân tay. Họ thường gọi ông là cụ với một vẻ rất tôn kính.

Nghệ sĩ Tạ Trí Hải, sinh năm 1940 tại Hàng Đường, Hà Nội.
Tự học đàn violon từ bé, tốt nghiệp ngành kĩ sư chế tạo máy.
Năm 1975 vào Thành phố Hồ Chí Minh công tác trong ngành chế biến cao su.
Ông bắt đầu chơi violon trở lại vào năm 2005 sau khi nghỉ hưu.
Ông không thích các tụ điểm âm nhạc mà thường chơi nhạc trên đường phố.
Ông nổi tiếng và được giới bình dân và khách du lịch biết đến như một lãng tử nguyện cống hiến cho âm nhạc.
Tháng 10/2010, ông trở lại Hà Nội để tham dự Lễ hội 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
 Dự kiến, đầu tháng 11/2011 ông sẽ trở lại Sài Gòn.

Trong những bộ sơ mi nhàu nhĩ và xô lệch, họ hát rất nhiệt tình, đôi khi sẵn sàng nhảy múa khi cao hứng. Thứ âm nhạc họ yêu cầu các nghệ sĩ chơi cũng rất đa dạng. Có thể phút trước họ còn yêu cầu một ca khúc truyền thống trầm lắng, phút sau đã thấy họ hát một ca khúc nhạc trẻ sôi động của Đàm Vĩnh Hưng.

"Ngày xưa tôi cũng đã từng đoạt giải Nhì văn nghệ cấp tỉnh, ở quê thì vẫn làm MC đám cưới. Thế nên thấy cụ Hải chơi nhạc tôi tham gia hết mình. Bài nào tôi cũng thuộc từ nhạc đỏ, nhạc vàng, nhạc xanh...", Nguyễn Văn Thuần, một thợ nề quê ở Thái Nguyên cho biết.

Mỗi buổi chiều anh lại bắt xe buýt từ công trường bên Gia Lâm sang Hồ Gươm nghe cụ Hải hát. Đến khuya xe buýt ngừng chạy, anh lại đi bộ về.
Mỗi một đêm biểu diễn đều mang lại cho người nghe những động lực, an ủi, cảm nhận mới... trong cuộc sống. Với Dũng, đó là suy nghĩ về một cuộc sống đầy chất nhân văn. Với anh thợ nề Thuần, đó là cảm xúc về một thời thanh niên tươi trẻ. Hay đơn giản như ông Cương: "Có nhiều cái ở nhà không nói được với vợ với con. Tôi ra đây hát cho xả stress".

11giờ 30 phút đêm, dòng xe cộ bên Hồ Gươm đã bớt huyên náo. Tiếng đàn violon của nghệ sĩ Trí Hải trở nên rõ ràng hơn. Văng vẳng đâu đó tiếng một bà mẹ gọi con về ngủ mai còn đi học.

APN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN