Ngành văn hóa, nghệ thuật TP Hồ Chí Minh - Bài 2: Khó khăn và bất cập

Tuy đạt được những thành tựu nhất định, song trước nhu cầu phát triển chung của xã hội, ngành văn hóa nghệ thuật TP Hồ Chí Minh đang tồn tại nhiều bất cập, xuống cấp về thiết chế văn hóa và thiếu nguồn nhân lực.

Sân khấu “khủng hoảng”

Một cảnh trong vở kịch “Trận chiến thần kỳ" do các diễn viên của Sân khấu kịch IDECAF diễn. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

Sân khấu nói chung, niềm tự hào của nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh ngày ấy đang trong thời kỳ “khủng hoảng”. Thời kỳ “vàng son” khán giả rủ nhau đến sân khấu nay chỉ là kỷ niệm. Những “con chim én” như ông Huỳnh Anh Tuấn (Giám đốc Sân khấu kịch Idecaf); nghệ sĩ Hồng Vân (Giám đốc Sân khấu kịch Phú Nhuận); nghệ sĩ Trịnh Kim Chi (Giám đốc Sân khấu Trịnh Kim Chi)… vẫn đang kiên trì, bám trụ với nghề bằng tình yêu, sự tận tụy hết mình vì nghệ thuật, nhưng chính họ cũng hiểu không thể mãi một mình làm nên “mùa xuân”.

Theo nghệ sĩ Lê Hữu Luận, Giám đốc Trung tâm biểu diễn nghệ thuật thành phố, các nghệ sĩ yêu nghề muốn có một nơi để làm nghề đành chấp nhận việc tự mình đầu tư riêng một sân khấu vừa đủ để diễn như Sâu khấu Thuần Việt, kịch Lê Hay, sân khấu Family... Tuy vậy, hầu hết sân khấu này chỉ tồn tại và “cầm chừng” được vài tháng rồi cũng “ngậm ngùi” ngưng diễn bởi thiếu khán giả đến xem, không đủ kinh phí đầu tư kịch bản, diễn viên.

Cùng với đó, dưới sức ép của làn sóng hội nhập văn hóa thế giới, sân khấu truyền thống cải lương hay hát bội - đặc sản của Thành phố Hồ Chí Minh cũng rơi vào thế bị động. Hiện nay, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát Nghệ thuật hát Bội thiếu hẳn những đêm diễn mang tính tầm cỡ, khó khăn trong việc thu hút công chúng mộ điệu đến xem.

Tương tự, Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh - đơn vị duy nhất của Thành phố thường xuyên tổ chức các chương trình nghệ thuật hàn lâm chất lượng cao phục vụ cho khán giả trong nước và quốc tế cũng loay hoay tìm “nhà” cho mình.

Theo ông Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch, cách đây hơn 20 năm trước, thành phố đã lên kế hoạch xây dựng Nhà hát nhưng trong khoảng thời gian đó vẫn chưa thống nhất được vị trí xây dựng nhà hát vì vướng quy hoạch.

Để tiếp tục duy trì hoạt động phục vụ khán giả, Nhà hát buộc phải thuê địa điểm tập luyện cho các nghệ sĩ ở Rạp Thanh Vân. Đến đầu năm 2017, Thành phố quyết định sẽ xây dựng Nhà hát tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) và giao cho Sở Văn hóa, Thể thao Thành phố, Sở Quy hoạch Kiến trúc phối hợp thực hiện và dự kiến khởi công vào quý II/2019.

Bảo tàng “đìu hiu”

Sinh viên tham quan khu trưng bày “Hiện vật Hoàng thành Thăng Long” tại Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

Cùng chung khó khăn, cơ sở vật chất của khối Bảo tàng – di sản tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đã hạn chế rất nhiều trong việc tiếp cận khách tham quan trong và ngoài nước. Ngoại trừ Bảo tàng Chứng tích chiến tranh được đầu tư xây dựng mới năm 2002, mỗi ngày đón tiếp hàng trăm lượt khách tham quan thì hầu hết 6 bảo tàng còn lại do Sở Văn hóa, Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh quản lý đều rơi vào tình trạng đìu hiu.

Theo các chuyên gia, những công trình bảo tàng được xây dựng từ những năm 1975 trở về trước, đã tăng cường hiệu suất sử dụng theo mặt bằng hiện có nhưng hầu như không được phát triển, mở rộng. Ngoài Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh được thiết kế và xây dựng với mục đích làm Bảo tàng thì các bảo tàng khác như: Bảo tàng Thành phố, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Tôn Đức Thắng đều sử dụng công trình có sẵn nên không phù hợp yêu cầu sử dụng.


Điển hình nhất tòa nhà Bảo tàng Lịch sử, nơi lưu giữ 11 bảo vật quốc gia đầy tự hào về lịch sử văn hóa dân tộc đã được xây dựng từ năm 1929 và Đền thờ Hùng Vương (khuôn viên Bảo tàng) được xây từ năm 1926 đã quá cũ kỹ và xuống cấp. Với gần 50.000 hiện vật đang được lưu trữ và trưng bày; trong đó, có nhiều bộ sưu tập, bảo vật quý hiếm cấp quốc gia thì vấn đề cơ sở vật chất hiện tại là quá sức đối với “khổ chủ”.

Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh cơ sở vật chất xuống cấp, phòng trưng bày chưa đáp ứng được yêu cầu của khách tham quan. Thêm vào đó, hệ thống nhà kho cũ kỹ, không đạt chuẩn về diện tích và các tiện ích cần thiết của một bảo tàng hiện đại là hiện trạng của Bảo tàng lịch sử cũng như hầu hết các bảo tàng tại thành phố Hồ Chí Minh.

Bà Nguyễn Thị Kim Liên, đại diện Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết thêm, đa phần các bảo tàng chưa thực sự trở thành điểm đến, điểm dừng chân quen thuộc trong hành trình của du khách và cũng chưa là địa chỉ quan trọng trong hệ thống tour của các công ty du lịch lữ hành.

Bà Kim Liên cho biết, trong bối cảnh hiện nay, cần gắn kết giữa Bảo tàng và du lịch để thu hút du khách đến bảo tàng hơn nữa để các bảo tàng và du lịch cùng nhau phát triển. Hiện nay, du lịch không chỉ đơn thuần là thưởng ngoạn, ngắm cảnh mà còn là dịp để du khách tìm tòi, khám phá, trải nghiệm, bổ sung kiến thức cho mình thông qua các điểm đến văn hóa.

Bài 3: Cần chiến lược đầu tư cụ thể

Gia Thuận (TTXVN)
Ngành văn hóa, nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh: Bài 1 - Những điểm sáng
Ngành văn hóa, nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh: Bài 1 - Những điểm sáng

Kể từ khi đất nước thống nhất, ngành văn hóa, nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã phát triển, tiên phong trong nhiều hoạt động, là tấm gương tiêu biểu, điển hình của cả nước học tập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN