Liên hoan phim tài liệu Việt Nam - châu Âu lần thứ 4 được tổ chức từ 8 - 17/6 tại hãng phim Tài liệu và Khoa học TW (Hà Nội) và từ ngày 15 - 24/6 tại FAFIM Việt Nam (Đà Nẵng). Liên hoan có sự tham gia của 9 nước châu Âu là: Áo, Anh, Tây Ban Nha, Bỉ, Đức, Pháp, Ba Lan, Đan Mạch, Thụy Sỹ. Mỗi nước mang tới một tác phẩm xuất sắc để trình chiếu song song với một bộ phim Việt Nam có cùng chủ đề như: Âm nhạc, môi trường, chiến tranh... Các bộ phim của đạo diễn đến từ các nền văn hóa khác nhau đã mang tới tất cả những sắc màu đa dạng cho LHP.
9 bộ phim xuất sắc của Việt Nam đã được chọn ra để “đối thoại” với 9 bộ phim châu Âu, trong đó có: “Chuyện làng Then” (Đạo diễn Trần Phi - Hoàng Dũng) “đối thoại” với Vinyl (phim Áo) trong đề tài âm nhạc; “Tiếng gọi từ bầy linh trưởng” (Đạo diễn Phạm Bình) “đối thoại” với “Bài học đầu đời” (phim Ba Lan) về đề tài môi trường. Đề tài ký ức chiến tranh có cặp phim “Đỉnh trời đáy vực” (Đạo diễn Bùi Thị Phương Thảo) và “Những đứa trẻ không hình bóng” (Phim Bỉ)... Mỗi cặp phim là một cuộc “đối thoại” nhỏ rất thú vị, giúp người xem được trải nghiệm những cái nhìn so sánh, qua đó tìm ra nét tương đồng và khác biệt trong các phim của Việt Nam và châu Âu.
Có một điểm mới của liên hoan phim lần này là Ban tổ chức dành riêng một ngày để trình chiếu và giới thiệu đến người xem những bộ phim ngắn của các nhà làm phim trẻ Việt Nam. Bên cạnh các buổi “đối thoại”, có ngày dành cho các nhà làm phim trẻ Việt Nam (11/6 tại Hà Nội và 21/6 tại Đà Nẵng). 14 bộ phim của các đạo diễn trẻ Việt Nam được chọn ra từ các dự án DocLab, từ các khóa học mùa hè Ateliers Varan, hay từ các dự án của Trung tâm phát triển tài năng điện ảnh TPD sẽ được giới thiệu đến khán giả. Trong đó có 6 bộ phim được chọn ra từ các dự án phim của TPD như: “Đôi tay biết nói” (Đạo diễn Nguyễn Minh Thảo), “Bạn là ai?” (Đạo diễn Hoàng Huyền My)... 5 bộ phim được chọn ra từ các dự án DocLab như: “Ký sự đường tàu” (Đạo diễn Trần Thanh Hiên), “Vườn” (Đạo diễn Doãn Hoàng Kiên)... Đây là một cơ hội hiếm hoi cho các nhà làm phim mới vào nghề có “đất” để thể hiện tài năng và cái nhìn mới mẻ của mình về các vấn đề xã hội, bằng con mắt của người trẻ, thông qua những thước phim tài liệu.
Ngoài việc được giới thiệu tác phẩm tới người yêu điện ảnh, các nhà làm phim trẻ còn được gặp gỡ, giao lưu với 3 đạo diễn Việt Nam giàu kinh nghiệm là: Bùi Thạc Chuyên, Nguyễn Trinh Thi và Trần Phương Thảo.
Tuy nhiên, do thời lượng không hạn chế, nên các bộ phim của Việt Nam tham gia liên hoan phim lần này có sự chênh lệch nhiều về thời lượng so với phim của châu Âu, chỉ bằng một nửa thời lượng của các bộ phim châu Âu. Bà Phạm Thị Tuyết, TGĐ Hãng phim Tài liệu và Khoa học TW cho biết: “Phần lớn các bộ phim của các nước châu Âu có thời lượng từ 50 - 90 phút, trong khi phim Việt Nam chỉ từ 23 - 50 phút. Với thời lượng không bị giới hạn, các bộ phim tài liệu của châu Âu dài hơn thì có điều kiện để đào sâu vào đề tài mà họ thể hiện ở nhiều góc độ khác nhau. Tuy nhiên các nhà làm phim Việt Nam cũng có cách thể hiện riêng của mình, không thể đánh giá chất lượng qua độ dài ngắn của phim”.
Liên hoan phim tài liệu Việt Nam - châu Âu lần thứ 4 là sự tiếp nối thành công của 3 kỳ liên hoan phim trước. Đây là dịp giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp giữa các nghệ sĩ làm phim tài liệu trong nước và quốc tế. Đây cũng là dịp để công chúng yêu điện ảnh Việt Nam được thưởng thức những tác phẩm phim tài liệu với nhiều đề tài phong phú và hấp dẫn qua đó, sẽ có cái nhìn đúng đắn cũng như dành nhiều tình cảm hơn cho thể loại phim này.
Tạ Nguyên