La Hầu, Kế Đô - Có phải hai vì tinh quân chiếu mệnh?

Từ chỗ thiếu tự tin và không nhận thức đầy đủ các qui luật cuộc sống, một số người đã biến tương lai thành cánh bèo trôi trên dòng số phận. Và đó là mảnh đất mầu mỡ để những tín điều dị đoan nảy nở và phát triển.

Thuật xem sao chiếu mệnh

Có rất nhiều thuật chiêm bốc khác nhau tồn tại trong dân gian từ lâu đời, trong đó xem sao là một trong những cách bói toán thuộc loại thịnh hành nhất. Thuật xem sao cho rằng, có 9 vị Tinh quân (Cửu diệu Tinh quân) lần lượt chi phối đến mỗi người theo chu kỳ nhất định. Cửu diệu Tinh quân gồm: Thái dương (Mặt trời), Thái âm (Mặt trăng), Thổ đức (Thổ tinh), Thủy diệu (Thủy tinh), Mộc đức (Mộc tinh), Thái bạch (Kim tinh), Vân hán (Hỏa tinh), La hầu và Kế đô. Mỗi Tinh quân "chiếu" vào một tuổi, đem theo điều cát hung, may rủi, trong đó La hầu và Kế đô là hai vị hung tinh đáng sợ nhất.

La hầu "chiếu mệnh" nam giới vào những tuổi: 19, 28, 37, 46, 55, 64, 73, 82, 91, 100... nữ giới vào các tuổi: 15, 24, 33, 42, 51, 60, 69, 78, 87, 96... Kế đô làm chủ nam giới vào các tuổi: 16, 25, 34, 52, 61, 70, 79, 88, 97... nữ giới vào các tuổi: 19, 28, 37, 46, 55, 64, 73, 82, 91, 100...

Cách giải sao xấu

Các thầy bói "phán bảo" những ai đến năm La hầu Tinh quân hay Kế đô Tinh quân "làm chủ" thì: "La hầu, tháng bảy, tháng giêng/ Coi chừng kẻo gặp tai khiên đến mình"; "Kế đô sao ấy đến kỳ/ Tháng ba, tháng chín sầu bi khóc thầm"! Nhiều thầy còn nói xưng xưng đủ điều tai ách đang chờ ở phía trước khiến các tín chủ cứ gọi là sợ đến kinh hồn, bạt vía!

Những ai gặp năm sao La hầu chiếu thì đến ngày 18 hàng tháng phải sắm một mâm lễ, gồm nhiều lễ phẩm trong đó không thể thiếu một bài vị bằng giấy màu vàng ghi: Thiên cung Thần thủ La hầu Tinh quân, 9 ngọn nến. Người ta ngồi quay về hướng bắc cúng từ 9 đến 11 giờ đêm.

Nếu là sao Kế đô chiếu, thì cứ ngày 18 hàng tháng phải tiến hành cúng lễ như trên. Bài vị bằng giấy màu vàng ghi: Thiên cung Thần vỹ Kế đô Tinh quân , thắp 21 ngọn nến, quay về hướng tây khấn vái. Người ta tin cách "giải sao xấu", "tiễn sao xấu" đó có thể làm giảm bớt hay tiêu trừ những rủi ro từ hai vị Tinh quân này mang đến!

Nhưng không ít người vẫn nơm nớp lo sợ "án binh bất động", chẳng dám làm gì lớn, đi đâu xa cả một năm trời.

Sự thực về hai vì hung tinh La hầu, Kế đô

Các nhà khoa học định nghĩa thuật chiêm tinh là một "khoa học giả hiệu", nó luôn lợi dụng các hiện tượng thiên văn, từ đó đưa ra những dự đoán có vẻ mang màu sắc khoa học, như những ảnh hưởng của điện trường, từ trường của những hành tinh đến sự sống...

Thực chất, cái tên La Hầu và Kế Đô xuất hiện trong thần thoại Ấn Độ cổ đại, đó là câu truyện kể về cuộc đấu tranh giữa các vị thần linh với ác quỷ để dành lại bảo vật. Với lòng hận thù, con Quỷ La hầu và Kế đô tìm cách nuốt thần Mặt trời và Mặt trăng mỗi khi chúng gặp, do đó có hiện tượng Nhật, Nguyệt thực, dân gian gọi là "Gấu ăn Trăng", bởi vậy mới có tục gõ xoong nồi, thúng mủng... mỗi khi có thiên thực. Sau khi được du nhập vào Trung Hoa, La hầu và Kế đô hợp với 5 hành tinh và nhật, nguyệt trở thành Cửu diệu Tinh quân trong điện thần đạo Giáo.

Bên cạnh ý nghĩa về phương diện tôn giáo, La hầu, Kế đô còn là thuật ngữ trong Thiên văn, lịch pháp Á Đông cổ xưa. Sách Sử học bị khảo - quyển 1: Thiên văn khảo của Đặng Xuân Bảng viết: "Tính nhật nguyệt thực nên tìm 2 giao của La hầu Kế đô, là chỗ 2 đường hoàng đạo bạch đạo giao nhau, chính giao là La, trung giao là Kế" (trang 132). Đoạn khác viết: "La, Kế là chỗ hoàng đạo bạch đạo giao nhau, tính nhật thực nguyện thực, nên tính La Kế" (trang 145). Sách còn cho biết, La hầu còn được gọi là Thiên thủ (Đầu trời), Kế đô còn được gọi là Thiên vỹ (Cuối trời).

Từ quá trình quan trắc nhiều năm, các nhà thiên văn xưa phát hiện thấy Mặt trời chuyển động biểu kiến (từ tây sang đông) một vòng nhất định trên thiên cầu trong khoảng thời gian 365,2422 ngày, gọi là Hoàng đạo.

Mặt trăng cũng di chuyển trên thiên cầu theo một vòng nhất định quanh Trái đất gọi là Bạch đạo, chu kỳ này hết 27,32 ngày. Hoàng đạo và Bạch đạo không nằm trên một mặt phẳng mà chúng nghiêng trên nhau một góc 509' tạo ra 2 giao điểm, nơi mà Bạch đạo và Hoàng đạo gặp nhau. Do Trái đất chuyển động quanh Mặt trời, nên 2 giao điểm này cũng chuyển động.

Khi Mặt trăng di chuyển đến giao điểm ấy vào lúc xung đối (ngày vọng) sẽ xẩy ra nguyệt thực, và nếu là lúc giao hội (ngày sóc) sẽ xẩy ra nhật thực, vì đó là thời điểm cả 3 thiên thể cùng nằm trên một đường thẳng.

Như vậy, La hầu và Kế đô chỉ là 2 điểm phi vật thể trong không gian chứ không phải là những thiên thể, cho nên nó không phải là sao hay vì tinh tú như thuật xem sao chiếu mệnh nói. Mặt khác, nó di chuyển theo những chu kỳ nhất định liên quan đến việc tính toán nhật nguyệt thực trong lịch pháp. Không thể và không bao giờ có một điểm phi vật thể trong vũ trụ lại có ảnh hưởng, tác động đến sự sống trên Trái đất, hoặc chi phối tới từng con người, đem đến những bất hạnh, đau buồn và tai vạ cả.

Tự tin, chăm chỉ và sáng tạo trong lao động là bí quyết của mọi sự thành công. Số phận nằm trong tay mỗi chúng ta, đừng để những niềm tin huyễn hoặc dẫn dắt. Có một học giả phương Tây nói rằng: gieo một hành vi sẽ gặt một thói quen, gieo một thói quen sẽ gặt một tính cách, gieo một tính cách sẽ gặt một số phận. Và đại thi hào Nguyễn Du sau khi "trải qua một cuộc bể dâu", đã phải thốt lên rằng:

"Thiện căn ở tại lòng ta,

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ Tài".


Chu Văn Khánh
Đốt vàng mã thế nào mới đúng
Đốt vàng mã thế nào mới đúng

Với quan niệm “trần sao âm vậy” nên cứ dịp gần Tết Nguyên Đán, mùa lễ hội đầu năm mới, nhiều người bày tỏ lòng tri ân, cảm tạ người đã khuất bằng việc đốt hàng mã.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN