Khi lễ hội bị cắt nghĩa sai

Không tự nó sinh ra, lễ hội bao giờ cũng mang ý nghĩa nhất định. Nhưng lễ hội đang bị chính những người tham dự hiểu sai. Từ đó, lễ hội mất đi những ý nghĩa vốn có dẫn đến việc bị biến tướng.

Theo GS Ngô Đức Thịnh, bản thân lễ khai ấn đền Trần chính là một ảnh xạ văn hóa của một lệ thời Trần. “Chính sử chép, đầu tháng Giêng ngày mười tư, nhà vua từ Thăng Long về vấn an Thái Thượng hoàng và nhân dịp đó làm lễ khai ấn. Việc khai ấn chỉ là việc mở đầu công việc triều đình hàng năm. Về bản chất, nó cũng tương tự như lễ khai canh, khai sơn (mở cửa rừng), mở hàng của người buôn bán, khai bút đầu xuân, động thổ vậy… Nó cầu mong một sự mở đầu tốt đẹp, một năm mới may mắn theo tâm thức “đầu xuôi đuôi lọt”.

Mặc dù vậy, nhiều lý do, chiếc ấn này đã được “phù phép” thành ấn mang lại quan tước cho người nhận. Trên thực tế, rất đông người đã đổ về đền Trần tham dự “tranh cướp” chiếc ấn này hòng cầu xin thăng quan tiến chức.

Lộn xộn Lễ khai ấn Đền Trần. Ảnh : Lê Phú


“Tôi thực sự không hiểu nổi tại sao lại có những sự cắt nghĩa rằng có lễ khai ấn vì sau chiến thắng quân Nguyên Mông các vua nhà Trần đóng ấn ban quan tước cho các quan”, GS Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện Việt Nam học bất bình.

Một nhà nghiên cứu giấu tên ở Viện Văn học cũng đồng tình với quan điểm đó. Theo ông, việc ban quan chức ở đời Trần được thực hiện rất chặt chẽ. Lịch sử còn chép có người nhờ quan hệ riêng can thiệp hòng mong Thái sư Trần Thủ Độ phong tước. Trần Thủ Độ ngay lập tức nói phải chặt một ngón tay người này đi để phân biệt với người khác. Kẻ háo quan phải xin mãi mới được tha.

Rõ ràng, việc cắt nghĩa sai đã gây ảnh hướng xấu cho xã hội vì tâm lý xin quan chức không chính đáng.

Nhưng chuyện cắt nghĩa sai Lễ hội đền Trần không phải ngoại lệ. Một Lễ hội khác cũng từng bị cắt nghĩa sai là lễ hội chọi trâu ở Hải Phòng. Người ta tán tụng đến tận mây xanh lễ hội này là biểu trưng cho tinh thần thượng võ. Việc tán tụng những miếng võ, những cú húc đổ máu của những ông trâu này khiến ý nghĩa của lễ hội bị lệch lạc đi rất nhiều.

“Thực chất đấy là một nghi lễ có liên quan đến mặt trăng, là một nghi lễ cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng sinh sôi. Nhưng không hiểu sao người ta lại hiểu sai đến như vậy. Bản thân việc gọi nhầm bản chất lễ hội này tưởng không quan trọng nhưng cái sai này sẽ nảy đến cái sai khác”, GS Ngô Đức Thịnh bày tỏ.

Cũng chính vì không hiểu nguồn gốc văn hóa của lễ hội mà cộng đồng thậm chí còn gọi và phê phán không đúng những lễ hội đó. Chẳng hạn, Lễ ăn trâu của đồng bào Tây Nguyên đã bị cắt nghĩa nhầm thành lễ đâm trâu. Bản chất cầu mùa của lễ này đã bị hiểu sai lạc quá nhiều. Do đó, người ta đã không thể cảm nhận vẻ đẹp văn hóa mà còn cho rằng nó dã man. Sự lệch lạc nhận thức này đã bị nhiều nhà dân tộc học, nhà nghiên cứu văn hóa lên án.

Một lễ hội khác cũng từng bị hiểu sai là tục tung ông đám ở Đồng Kỵ. Người ta cũng cho rằng đó là biểu tượng của tinh thần thượng võ, tuy nhiên đó chỉ là ảnh xạ văn hóa của cách chọn thủ lĩnh ngày xưa.

“Các nhà tổ chức, các phương tiện truyền thông cần cẩn trọng hơn, khoa học hơn khi tuyên truyền về ý nghĩa lễ hội. Vì chỉ có nhận thức đúng bản chất, người ta mới có thể cảm nhận đúng vẻ đẹp và ứng xử đúng với lễ hội đó”, GS Ngô Đức Thịnh kết luận.

Cầm Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN